Thứ 4, 01/01/2025, 23:21[GMT+7]

Để doanh nghiệp, hộ sản xuất sớm tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng

Thứ 2, 31/08/2015 | 08:34:59
897 lượt xem
Ðể doanh nghiệp, hộ sản xuất trên địa bàn tỉnh sớm tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp mở rộng đầu tư tín dụng, trong đó trọng tâm là ưu tiên cho vay theo các chương trình kinh tế trọng điểm của tỉnh.

Giao dịch ở Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam Chi nhánh Thái Bình. Ảnh: Lưu Ngần.

 

Đến ngày 30/6, dư nợ cho vay phục vụ sản xuất, kinh doanh của các thành phần kinh tế (không bao gồm dư nợ cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội) đạt 38.054 tỷ đồng, tăng 6,1% so với thời điểm 31/12/2014; trong đó dư nợ cho vay doanh nghiệp chiếm 58,5%, dư nợ cho vay hộ sản xuất, cá nhân chiếm 41,5%. Các chương trình tín dụng ngành Ngân hàng tập trung triển khai thực hiện: cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới (tổng dư nợ 12.624 tỷ đồng với gần 248.000 khách hàng đang vay vốn, tăng 3,3% so với thời điểm 31/12/2014), cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên (tổng dư nợ đạt 7.995 tỷ đồng với 69.700 khách hàng đang vay vốn, tăng 9,7% so với thời điểm 31/12/2014), cho vay phát triển thủy sản theo Nghị định số 67/NĐ-CP của Chính phủ (tổng số tiền cam kết cho vay 37,9 tỷ đồng), cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp (tổng dư nợ 30 tỷ đồng), cho vay đầu tư các dự án nước sạch nông thôn với tổng số 11 dự án (tổng số tiền cam kết cho vay 93,4 tỷ đồng, tổng số tiền giải ngân 34,5 tỷ đồng), cho vay xây dựng nhà ở xã hội (tổng số tiền cam kết cho vay 156 tỷ đồng, tổng số tiền đã giải ngân 116,6 tỷ đồng)…

 

Bên cạnh việc mở rộng đầu tư tín dụng, ngành Ngân hàng còn tích cực thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn như: điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ cho 57 khách hàng với tổng dư nợ điều chỉnh 10,3 tỷ đồng, gia hạn nợ cho 2.155 khách hàng với tổng dư nợ được gia hạn 55,7 tỷ đồng, miễn, giảm 31 tỷ đồng lãi tiền vay cho khách hàng vay vốn… Bà Tạ Thị Thanh Vân, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại tổng hợp Toan Vân cho biết: Năm 1990, đi lên từ một hộ cá thể với tổng doanh thu chỉ đạt 30 tỷ đồng/năm song nhờ có sự quan tâm, tạo điều kiện cho vay vốn phát triển sản xuất của Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam Chi nhánh Thái Bình nên đến nay Công ty đã từng bước mở rộng quy mô sản xuất, phân phối kịp thời sản phẩm vật tư nông nghiệp phục vụ nhu cầu bà con nông dân. Không những thế, Công ty còn tạo việc làm thường xuyên cho 65 lao động trực tiếp (thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng) và 35 lao động vệ tinh (thu nhập bình quân 5 - 6 triệu đồng/người/tháng). Ông Bùi Văn Đạt, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh tỉnh cho biết: Thời gian qua, Ngân hàng luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi giúp khách hàng nhanh chóng có vốn phát triển sản xuất. Trong tổng dư nợ cho vay khách hàng đến ngày 30/6 của Ngân hàng đạt 6.372,1 tỷ đồng thì cho vay doanh nghiệp chiếm đến 21%.

 

Hiện nay, các dự án vay vốn ngân hàng của doanh nghiệp, hộ sản xuất đa phần còn thiếu các thủ tục pháp lý để ngành Ngân hàng thẩm định, xét duyệt cho vay theo quy định như thủ tục đầu tư, đất đai… Chính vì thế, để doanh nghiệp, hộ sản xuất sớm tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ngân hàng, thời gian tới, các cấp, các ngành liên quan tập trung giải quyết những kiến nghị của doanh nghiệp, hộ sản xuất; đồng thời, nhận diện khó khăn đối với từng nhóm doanh nghiệp, hộ sản xuất để có biện pháp tháo gỡ kịp thời. Các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh cũng chấp hành nghiêm các quy định, chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về lãi suất, phí cho vay; tập trung rà soát lãi suất các khoản vay cũ; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tiết giảm chi phí; thực hiện tốt các biện pháp gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ, miễn giảm lãi vay… giúp doanh nghiệp, hộ sản xuất tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.

 

Minh Hương

  • Từ khóa