Thứ 2, 29/07/2024, 21:32[GMT+7]

Ngân hàng Thái Bình đáp ứng kịp thời nhu cầu về vốn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội

Chủ nhật, 03/01/2016 | 16:57:57
818 lượt xem
Năm 2015, tổng nguồn vốn huy động toàn địa bàn đạt gần 32.900 tỷ đồng, tăng 22% so với thời điểm 31/12/2014; dư nợ cho vay đạt 43.200 tỷ đồng, tăng 13,8% so với thời điểm 31/12/2014, nợ xấu chiếm 0,9% tổng dư nợ; doanh số thanh toán qua ngân hàng đạt 385.000 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2014; doanh số mua bán ngoại tệ đạt gần 980.000 tỷ đồng; thanh toán xuất nhập khẩu đạt hơn 420.000 tỷ đồng.

Nguồn vốn tín dụng ngân hàng đã giúp gia đình anh Nguyễn Hữu Mừng (thôn Đông Trụ, xã Quỳnh Minh, huyện Quỳnh Phụ) mở rộng cơ sở sản xuất khung xe đạp, tạo việc làm cho 10 lao động với thu nhập trung bình 4 triệu đồng/người/tháng. Ảnh: Minh Hương

Kết quả nổi bật của hệ thống Ngân hàng Thái Bình năm 2015 là việc đẩy mạnh đầu tư vốn phục vụ nền kinh tế nói chung, đầu tư vốn tín dụng thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói riêng. Toàn ngành tập trung vốn cho vay các dự án sản xuất, kinh doanh hiệu quả, đầu tư phát triển công nghiệp, dịch vụ, phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản, xây dựng nông thôn mới, cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa, an sinh xã hội, xuất khẩu; thực hiện giải ngân vốn tín dụng hơn 65.000 tỷ đồng. Đi đôi với tăng cường đầu tư vốn, Ngân hàng Thái Bình tập trung đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; đã rà soát, điều chỉnh giảm từ 1 - 1,5%/năm lãi suất cho vay các kỳ hạn; tổ chức nhiều hội nghị, đối thoại nhằm tháo gỡ khó khăn trong đầu tư vốn tín dụng ngân hàng cho các thành phần kinh tế, nhất là cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa, xuất khẩu, nước sạch và vệ sinh môi trường, cho vay theo Nghị định số 67 của Chính phủ; cho vay bổ sung vốn kinh doanh hàng chục nghìn tỷ đồng, điều chỉnh kỳ hạn, gia hạn nợ cho trên 5.100 doanh nghiệp, hộ sản xuất, miễn giảm gần 50 tỷ đồng lãi tiền vay, giúp doanh nghiệp, hộ sản xuất mở rộng sản xuất kinh doanh, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh về phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới, Ngân hàng Thái Bình đã quyết liệt triển khai các giải pháp khơi thông dòng vốn tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; triển khai kịp thời, sâu rộng chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ tới cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành của tỉnh, 7 huyện và 267 xã, thị trấn trong tỉnh. Đến cuối năm 2015, các tổ chức tín dụng đã cho gần 248.000 doanh nghiệp, chủ trang trại, hộ sản xuất, cá nhân vay vốn phục vụ sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn, xây dựng nông thôn mới; dư nợ đạt gần 13.500 tỷ đồng, tăng gấp 2,2 lần so năm 2010, chiếm 31% tổng dư nợ cho vay toàn địa bàn; trong đó cho vay lĩnh vực trồng trọt gần 1.600 tỷ đồng, cho vay phát triển chăn nuôi gần 2.000 tỷ đồng, cho vay phát triển kinh tế biển gần 3.500 tỷ đồng, cho vay phát triển nghề và làng nghề 1.300 tỷ đồng...; cho vay doanh nghiệp, hộ sản xuất gần 350 tỷ đồng đầu tư mua sắm 5.500 máy cày, máy cấy, máy gặt đập liên hợp... thực hiện cơ giới hóa nông nghiệp, nông thôn; cho vay thu mua, chế biến lương thực gần 400 tỷ đồng (tương đương trên 153.000 tấn); cho vay lĩnh vực nước sạch nông thôn hơn 720 tỷ đồng; chủ động tiếp cận, thẩm định, đã và đang giải ngân cho 8 chủ tàu theo Nghị định số 67 của Chính phủ số tiền gần 70 tỷ đồng, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Ngoài ra, Ngân hàng Thái Bình còn tích cực thực hiện các chương trình tín dụng chính sách theo chỉ đạo của Chính phủ, của tỉnh; cho vay hơn 2.000 tỷ đồng thực hiện 8 chương trình tín dụng ưu đãi; vận động các nguồn tài trợ từ trung ương và đóng góp của cán bộ trong ngành hơn 36 tỷ đồng để xây dựng các công trình phúc lợi như trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, nhà tình nghĩa..., góp phần quan trọng vào kết quả xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội của tỉnh.

Hoạt động ngân hàng Thái Bình năm 2015 tiếp tục ổn định, phát triển, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của ngành, đặc biệt kết quả đầu tư vốn ngân hàng giúp các thành phần kinh tế khôi phục và phát triển sản xuất, kinh doanh, đóng góp tích cực vào kết quả xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần chung tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Phát huy những kết quả đã đạt được, năm 2016, bám sát mục tiêu, định hướng của ngành, của tỉnh, ngành Ngân hàng Thái Bình phấn đấu tổng nguồn vốn huy động tăng từ 18 - 20%, tổng dư nợ cho vay tăng từ 12% - 15%, nợ xấu <3% tổng dư nợ. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, ngành Ngân hàng Thái Bình tiếp tục củng cố, phát triển mạng lưới hoạt động, đẩy mạnh công tác huy động vốn, tăng cường đầu tư vốn phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nâng cao chất lượng tín dụng, tiếp tục đẩy mạnh chương trình hiện đại hóa, phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại, đổi mới tác phong, lề lối làm việc, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng, góp phần nâng cao uy tín, hình ảnh ngân hàng trên địa bàn; phát động các phong trào thi đua phấn đấu hoàn thành toàn diện nhiệm vụ chính trị, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX.

  Đinh Ngọc Thạch
(Tỉnh ủy viên, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh)

 

  • Từ khóa