Thứ 5, 08/08/2024, 06:26[GMT+7]

Ngành Ngân hàng đóng góp tích cực, hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh

Thứ 5, 04/02/2016 | 14:59:06
784 lượt xem
Năm 2015, mặc dù hoạt động còn gặp nhiều khó khăn nhưng ngành Ngân hàng đã đạt được nhiều kết quả tích cực; hệ thống ngân hàng trên địa bàn hoạt động an toàn, hiệu quả, đóng góp tích cực vào kết quả thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ðể làm rõ thêm về vấn đề này, phóng viên Báo Thái Bình đã có cuộc trao đổi với ông Ðinh Ngọc Thạch, Tỉnh ủy viên, Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh.

Thừa ủy quyền Chủ tịch nước, đồng chí Nguyễn Hoàng Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho đồng chí Đinh Ngọc Thạch, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh.

 

Phóng viên: Xin ông cho biết một số kết quả hoạt động nổi bật của ngành Ngân hàng góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh?

 

Ông Ðinh Ngọc Thạch: Bám sát chỉ đạo của NHNN Việt Nam, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thời gian qua, hệ thống Ngân hàng Thái Bình đã tích cực huy động vốn và đầu tư cho vay nền kinh tế.

 

Ðến ngày 31/12/2015, tổng nguồn vốn huy động toàn ngành đạt 32.963 tỷ đồng, tăng 22,4% so với thời điểm 31/12/2014 (vượt chỉ tiêu đề ra); tổng dư nợ cho vay đầu tư phát triển kinh tế - xã hội đạt 43.542 tỷ đồng, tăng 14,7% so với thời điểm 31/12/2014; tỷ lệ nợ xấu chỉ chiếm 0,8% tổng dư nợ cho vay toàn địa bàn (không bao gồm dư nợ, nợ xấu của Ngân hàng Phát triển Thái Bình). Vốn tín dụng ngân hàng đã giúp cho nhiều doanh nghiệp, cá nhân, hộ sản xuất trên địa bàn tháo gỡ khó khăn, mở rộng và phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

 

Không chỉ tích cực khơi thông nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, năm 2015, toàn ngành còn tập trung chỉ đạo các tổ chức tín dụng áp dụng công nghệ, phát triển các dịch vụ ngân hàng hiện đại, đáp ứng kịp thời nhu cầu giao dịch của khách hàng. Ðến cuối tháng 12/2015, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã lắp đặt 131 máy ATM, 215 máy POS phục vụ nhu cầu thanh toán của nhân dân; mở gần 564.000 tài khoản, phát hành 625.600 thẻ thanh toán các loại; thực hiện trả lương qua tài khoản cho 1.464 cơ quan hành chính sự nghiệp và doanh nghiệp với hơn 118.000 lao động nhận lương qua tài khoản.

 

Phóng viên: Ông có thể cho biết một số kết quả cụ thể về các chương trình tín dụng ngành tập trung triển khai thực hiện trong năm nhằm phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn?

 

Ông Ðinh Ngọc Thạch: Thời gian qua, ngành Ngân hàng đã tích cực cho vay các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của NHNN, của tỉnh như: cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn, cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên, cho vay phát triển thủy sản theo Nghị định số 67/2014/NÐ-CP của Chính phủ, cho vay nước sạch nông thôn theo Quyết định số 12/2012/QÐ-UBND, Quyết định số 19/2014/QÐ-UBND của UBND tỉnh, cho vay hỗ trợ nhà ở, cho vay thí điểm sản xuất nông nghiệp...

 

Ðến ngày 31/12/2015, dư nợ cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên đạt 8.030 tỷ đồng; cho vay xây dựng nhà ở xã hội theo Nghị quyết số 02 của Chính phủ đạt gần 90 tỷ đồng; cho vay 15 dự án nước sạch nông thôn với số tiền cam kết cho vay gần 140 tỷ đồng; cho vay 8 chủ tàu theo Nghị định số 67 của Chính phủ với số tiền gần 70 tỷ đồng. Ðối với cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn, toàn ngành đã triển khai sâu rộng Nghị định số 55/2015/NÐ-CP của Chính phủ tới cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, 7 huyện và 267 xã, thị trấn trong tỉnh. Ðến cuối năm 2015, các tổ chức tín dụng đã cho gần 248.000 doanh nghiệp, chủ trang trại, hộ sản xuất, cá nhân vay vốn phục vụ sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn, xây dựng nông thôn mới; dư nợ đạt gần 13.500 tỷ đồng, tăng gấp 2,2 lần so năm 2010, chiếm 31% tổng dư nợ cho vay toàn địa bàn.

 

Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng còn chú trọng thực hiện các chương trình tín dụng chính sách với tổng dư nợ đến ngày 31/12/2015 đạt 2.222 tỷ đồng, tăng 6,1% so với thời điểm 31/12/2014, chiếm 7,2% tổng dư nợ cho vay toàn địa bàn.

 

 

Nguồn vốn tín dụng ngân hàng đã giúp các chủ tàu trên địa bàn tỉnh có điều kiện nâng cấp, cải hoán và đóng mới tàu cá theo Nghị định số 67 của Chính phủ với tổng số tiền cam kết cho vay 67,8 tỷ đồng.

 

Phóng viên: Năm 2015, ngành Ngân hàng đã tăng cường phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các sở, ban, ngành trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành. Xin ông cho biết kết quả sự phối hợp đó như thế nào?

 

Ông Ðinh Ngọc Thạch: Năm 2015, NHNN Chi nhánh tỉnh thường xuyên, chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền các huyện, thành phố, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, các sở, ngành liên quan tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, hộ sản xuất trong quan hệ vay vốn ngân hàng. Ðặc biệt, NHNN Chi nhánh tỉnh tăng cường quan hệ công tác với Văn phòng Ðoàn đại biểu Quốc hội và HÐND tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Ban Dân vận Tỉnh ủy, Cục Thi hành án dân sự tỉnh theo quy chế phối hợp đã xây dựng. Ngành Ngân hàng cũng chủ động tham gia các buổi tiếp xúc cử tri cùng Ðoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu HÐND tỉnh; trả lời, giải đáp các kiến nghị của cử tri trước và sau các kỳ họp, đồng thời trình NHNN Việt Nam xem xét, giải quyết các kiến nghị vượt thẩm quyền; chủ động thông tin các cơ chế, chính sách mới và kết quả hoạt động ngân hàng trên địa bàn tới các cơ quan trên nhằm phối hợp thông tin kịp thời tới các tổ chức và nhân dân, tạo sự đồng thuận cao của xã hội đối với hoạt động ngân hàng.

 

Phóng viên: Xin ông cho biết giải pháp hoạt động chính của ngành trong thời gian tới?

 

Ông Ðinh Ngọc Thạch: Năm 2016, ngành Ngân hàng phấn đấu nguồn vốn huy động tăng từ 18 - 20%, dư nợ cho vay tăng từ 18 - 20%, nợ xấu <3% tổng dư nợ; doanh số thanh toán tăng 20% trở lên so với năm 2015. Ðể đạt được mục tiêu trên, thời gian tới, NHNN Chi nhánh tỉnh tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành hoạt động ngân hàng trên địa bàn thông qua việc triển khai cơ chế, chính sách, Ðề án tái cơ cấu ngành Ngân hàng; đẩy mạnh công tác huy động vốn, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng cường cho vay nền kinh tế, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, cho vay theo các chương trình; kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, tăng cường xử lý nợ xấu; phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương, các sở, ngành liên quan, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh kịp thời tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn; kiến nghị NHNN Việt Nam kịp thời tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách, góp phần khơi thông nguồn vốn tín dụng ngân hàng phục vụ sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

 

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

 

MINH HƯƠNG (thực hiện)

  • Từ khóa