Thứ 5, 08/08/2024, 00:15[GMT+7]

Linh hoạt trong điều hành thu, chi ngân sách

Thứ 5, 04/02/2016 | 15:02:19
619 lượt xem
Trong những năm qua, ngành Tài chính đã tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh điều hành ngân sách chủ động, linh hoạt, bảo đảm cân đối nguồn vốn đầu tư, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu chi thường xuyên của các cấp, các ngành và các nhiệm vụ chính trị, từ đó tạo bước đột phá mới cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đồng chí Tạ Ngọc Giáo, Giám đốc Sở Tài chính nhận giải thưởng nhà lãnh đạo giỏi Việt Nam năm 2014.

 

Ðiều hành ngân sách linh hoạt, tiết kiệm

 

Giai đoạn 2011 - 2015, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) bằng 2,52 lần so với giai đoạn 2006 - 2010, trong đó thu nội địa bằng 2,65 lần so với giai đoạn 2006 - 2010; chi ngân sách địa phương bằng 2,7 lần so với giai đoạn 2006 - 2010, trong đó chi đầu tư phát triển bằng 3,77 lần so với giai đoạn 2006 - 2010, chiếm tỷ trọng 34% trong tổng chi ngân sách. Riêng năm 2015, tổng thu NSNN đạt 13.046,8 tỷ đồng, đạt 151,4% dự toán năm, trong đó thu nội địa 4.613,9 tỷ đồng, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 1.244,9 tỷ đồng; tổng chi ngân sách địa phương 10.875,3 tỷ đồng, đạt 129,7% dự toán năm, trong đó chi đầu tư phát triển 4.130 tỷ đồng.

 

Ðể tăng nguồn thu cho NSNN, thời gian qua, ngành Tài chính đã chủ động tham mưu UBND tỉnh thực hiện chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo môi trường kinh doanh ổn định, thuận lợi; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giúp doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Bên cạnh đó, toàn ngành còn triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm khai thác có hiệu quả và triệt để mọi nguồn thu trên địa bàn. Ðối với công tác quản lý chi, ngành Tài chính luôn thực hiện quản lý chi NSNN chặt chẽ, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí cả trong chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển; từng bước cơ cấu lại chi NSNN; xác định thứ tự ưu tiên trong phân bổ nguồn NSNN đối với từng ngành, lĩnh vực; rà soát lại các cơ chế, chính sách, các đề án, dự án để bảo đảm thiết thực, tránh dàn trải, trùng lặp, không hiệu quả; từng bước tái cơ cấu đầu tư công. Không ban hành các chính sách, chế độ mới làm tăng chi NSNN mà không có nguồn thu bảo đảm. Trong quản lý điều hành NSNN, ngành Tài chính luôn bảo đảm đầy đủ, kịp thời nguồn kinh phí theo dự toán được phê duyệt để các cấp, các ngành, các đơn vị thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, bảo đảm các chính sách an sinh xã hội, chính sách quốc phòng, an ninh, chủ động nguồn vốn ngay từ đầu năm cho việc thanh toán các chương trình dự án đầu tư xây dựng cơ bản, công trình trọng điểm, các công trình tu bổ đê điều, thủy lợi, chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình phòng, chống thiên tai… các nhu cầu thường xuyên, đột xuất theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh bảo đảm các nhiệm vụ chính trị và hoạt động của chính quyền các cấp, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

 

Góp phần tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội

 

Với sự điều hành ngân sách linh hoạt, tiết kiệm, ngành Tài chính đã góp phần cùng các cấp, các ngành trong tỉnh hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đã đề ra, tạo bước đột phá mới trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Nhiều dự án trọng điểm đã hoàn thành đúng tiến độ, đáp ứng mong mỏi của người dân, được các cấp, các ngành đồng tình ủng hộ. Có thể kể đến một số công trình trọng điểm phục vụ dân sinh như: cứng hóa 30km đê biển xung yếu, cầu Hiệp, cầu Diêm Ðiền, cầu Trà Giang, cầu Trà Linh, cầu Thái Hà, nâng cấp mở rộng quốc lộ 10, quốc lộ 39, đường Thái Bình - Hà Nam; xây dựng Trung tâm Phát thanh - Truyền hình, Nhà thi đấu đa năng tỉnh, Bệnh viện Nhi, Bệnh viện Tâm thần, Làng trẻ em SOS, Ðền thờ liệt sĩ tỉnh, các dự án xử lý cấp bách phục vụ phòng, chống thiên tai. Ngân sách cấp tỉnh đã mua 789.000 tấn xi măng để hỗ trợ xây dựng giao thông nông thôn, giao thông nội đồng với tổng số hơn 5.000km được đầu tư xây dựng. Bên cạnh đó, ngành Tài chính còn tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí trong dự toán ngân sách hàng năm để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Giai đoạn 2011 - 2015, tỉnh đã hỗ trợ 134,4 tỷ đồng mua 1.619 máy cơ giới hóa nông nghiệp; hỗ trợ 164,1 tỷ đồng cho chương trình giống cây, con; phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Những dự án này là hết sức thiết thực, phù hợp với nhu cầu và tình hình thực tế của địa phương, vì thế khi công trình hoàn thành đã phát huy hết công năng trong quá trình sử dụng. Ngoài ra, trong công tác quản lý ngân sách, toàn ngành chú trọng công tác thẩm tra phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành. Giai đoạn 2011 - 2015, ngành Tài chính đã thẩm tra quyết toán 880 dự án với tổng số vốn đề nghị quyết toán 6.762 tỷ đồng, giá trị quyết toán được phê duyệt 6.708 tỷ đồng, đã xuất toán 54 tỷ đồng. Qua công tác thẩm tra quyết toán đã phát hiện và chấn chỉnh những sai phạm trong công tác quyết toán dự án hoàn thành đối với các chủ đầu tư, đồng thời tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo về công tác quyết toán dự án hoàn thành và các biện pháp xử lý đối với các chủ đầu tư vi phạm thời gian lập báo cáo quyết toán và công tác bố trí kế hoạch vốn đối với các dự án hoàn thành chưa phê duyệt quyết toán (bố trí không quá 80% giá trị khối lượng hoàn thành).

 

 

Có thể khẳng định, nhờ thực hiện phân bổ các nguồn lực tài chính trên địa bàn hợp lý và hiệu quả của ngành Tài chính, đã góp phần làm diện mạo kinh tế của tỉnh không ngừng "thay da đổi thịt". Tăng trưởng kinh tế tiếp tục giữ ở mức cao, vượt 11,02% so với năm 2014; 9,76% tăng trưởng tổng sản phẩm trong tỉnh so với năm 2014 là mức tăng trưởng cao nhất giai đoạn 2011 - 2015, cao hơn mức tăng trưởng bình quân của cả nước và một số tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng; cơ cấu kinh tế được chuyển dịch theo hướng hiện đại.

 

Những thành tích tiêu biểu của ngành Tài chính Thái Bình

  • Huân chương Ðộc lập hạng Ba (năm 2010)
  • Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 1995)
  • Cờ thi đua của Chính phủ (2 lần)         
  • Bằng khen của Bộ Tài chính
  • Bằng khen của UBND tỉnh và nhiều phần thưởng cao quý khác

 

 

TẠ NGỌC GIÁO

Giám đốc Sở Tài chính

  • Từ khóa