Thứ 5, 08/08/2024, 17:18[GMT+7]

Ngành Ngân hàng: Nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng

Thứ 2, 03/10/2016 | 09:05:06
598 lượt xem
Năm 2016 ngành Ngân hàng phấn đấu dư nợ cho vay tăng từ 18 - 20% so với thời điểm 31/12/2015. Ðể đạt được mục tiêu đó, từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh đã tích cực chỉ đạo các tổ chức tín dụng trong toàn ngành triển khai thực hiện nhiều giải pháp, từ đó góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Nguồn vốn tín dụng ngân hàng đã giúp người dân Mê Linh (Đông Hưng) phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.

 

Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Thái Bình là một trong những đơn vị nằm trong tốp đầu hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn về tăng trưởng tín dụng ở mức cao. Đến ngày 31/8, tổng dư nợ cho vay của Chi nhánh đạt 3.025,8 tỷ đồng, tăng 14,24% so với thời điểm 31/12/2015, trong đó cho vay ngắn hạn 2.053,9 tỷ đồng, cho vay trung hạn và dài hạn 971,9 tỷ đồng. Giám đốc Chi nhánh Nguyễn Minh Thiêm cho biết: Có được kết quả đó là do ngay từ đầu năm Chi nhánh đã tập trung đẩy mạnh cho vay khách hàng cá nhân. Trong tổng dư nợ 3.025,8 tỷ đồng, cho vay khách hàng cá nhân chiếm gần 30%, còn lại là cho vay doanh nghiệp, trong đó tập trung chủ yếu vào các doanh nghiệp phục vụ đầu vào cho sản xuất nông nghiệp (BIDV Chi nhánh Thái Bình hiện là đơn vị duy nhất trong toàn ngành cho vay thí điểm phục vụ sản xuất nông nghiệp theo Quyết định số 1050 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với một doanh nghiệp được vay vốn, doanh số cho vay lũy kế từ đầu chương trình đến ngày 30/9 ước đạt 21,7 tỷ đồng). Bên cạnh đó, Chi nhánh còn tập trung đẩy mạnh nguồn vốn tín dụng để cho vay tiêu dùng; xây dựng mối đoàn kết từ nội bộ ban lãnh đạo đến các phòng chuyên môn và các phòng giao dịch; có cơ chế ưu đãi đối với khách hàng mới; khen thưởng cán bộ, nhân viên hoàn thành tốt nhiệm vụ…

 

Cùng với BIDV Chi nhánh Thái Bình, các TCTD trong toàn ngành cũng tích cực triển khai thực hiện các giải pháp mở rộng đầu tư tín dụng đi đôi với tăng cường quản lý chất lượng tín dụng, tập trung vốn cho vay các chương trình tín dụng ưu tiên theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, của tỉnh như: cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn, cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên, cho vay phát triển thủy sản theo Nghị định số 67 của Chính phủ, cho vay hỗ trợ nhà ở, cho vay nước sạch nông thôn, cho vay thí điểm sản xuất nông nghiệp... Đến ngày 30/9, dư nợ cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên ước đạt 7.844 tỷ đồng với 67.000 khách hàng còn dư nợ; dư nợ cho vay xây dựng nhà ở xã hội theo Nghị quyết số 02 của Chính phủ ước đạt 190 tỷ đồng với ba doanh nghiệp và hơn 600 khách hàng đã được vay vốn; dư nợ cho vay nước sạch nông thôn theo Quyết định số 19 của UBND tỉnh đạt 154,8 tỷ đồng với 19 dự án được vay vốn, số tiền cam kết cho vay 230 tỷ đồng; dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55 của Chính phủ ước đạt 11.965 tỷ đồng với gần 118.000 khách hàng còn dư nợ; dư nợ cho vay phát triển thủy sản theo Nghị định số 67 của Chính phủ đạt 73,5 tỷ đồng với 8 chủ tàu được vay vốn, số tiền cam kết cho vay 111,5 tỷ đồng...

 

Bên cạnh việc mở rộng đầu tư tín dụng, toàn ngành còn tập trung chỉ đạo các TCTD tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm chia sẻ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp và hộ sản xuất phát triển sản xuất, kinh doanh. 9 tháng đầu năm 2016, các TCTD trên địa bàn đã thực hiện gia hạn nợ cho 3.443 khách hàng, miễn, giảm 20,7 tỷ đồng lãi tiền vay cho khách hàng vay vốn. Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng còn phối hợp với UBND huyện Kiến Xương tổ chức hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, từ đó tháo gỡ kịp thời những khó khăn cho doanh nghiệp, hộ sản xuất trên địa bàn vay vốn ngân hàng. Ngoài ra, các TCTD còn chú trọng thực hiện công tác kiểm soát chất lượng hoạt động tín dụng; thực hiện cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, phân loại tín dụng, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro theo đúng quy định của pháp luật… nhằm góp phần nâng cao chất lượng tín dụng trên địa bàn. Đến ngày 30/9, nợ xấu của các TCTD trên địa bàn chiếm 0,9% tổng dư nợ cho vay (không bao gồm dư nợ, nợ xấu của Ngân hàng Phát triển Chi nhánh tỉnh).

 

Triển khai hiệu quả các giải pháp, bức tranh tín dụng của ngành Ngân hàng đã có nhiều khởi sắc. Đến ngày 30/9, tổng dư nợ cho vay của hệ thống ngân hàng đầu tư phát triển kinh tế - xã hội tỉnh ước đạt 47.243 tỷ đồng, tăng 8,5% so với thời điểm 31/12/2015, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2015, trong đó cho vay ngắn hạn chiếm 61,9%, cho vay trung và dài hạn chiếm 38,1%.

 

 Minh Hương

  • Từ khóa