Thứ 5, 26/12/2024, 21:31[GMT+7]

Đồng vốn nghĩa tình (Kỳ 2)

Thứ 3, 06/11/2018 | 08:59:45
1,405 lượt xem
Không thể phủ nhận vai trò to lớn của nguồn vốn tín dụng chính sách, đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 9,16% (năm 2011) xuống còn 2,9% (năm 2015) và 4,01% (năm 2017) theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều. Tuy nhiên, làm thế nào để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, đồng thời kịp thời đưa nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng luôn là những băn khoăn, trăn trở của cán bộ Ngân hàng CSXH.

Nông dân các địa phương mở rộng phát triển cây màu, góp phần nâng cao thu nhập.

Kỳ 2: Trăn trở đồng vốn ưu đãi

Khó khăn trong giải ngân

Cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định số 100 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở là một trong những chương trình đang được Ngân hàng CSXH chú trọng triển khai thực hiện. Mặc dù được trung ương phân bổ nguồn vốn 10 tỷ đồng để thực hiện cho vay (trung bình mỗi huyện 1 tỷ đồng, riêng thành phố là 3 tỷ đồng) nhưng đến nay, Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh mới chỉ giải ngân được 2,059 tỷ đồng ở 3 huyện, thành phố; trong đó thành phố 165 triệu đồng cho 1 hộ vay, Thái Thụy 660 triệu đồng cho 2 hộ vay và Vũ Thư 1,234 tỷ đồng cho 3 hộ vay. 

Lý giải về nguyên nhân không giải ngân được nguồn vốn chương trình này, ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH Quỳnh Phụ cho biết: Do nhiều nguyên nhân khác nhau mà các hộ không đủ điều kiện vay vốn; một số hộ có nhu cầu vay để xây mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở nhưng không đáp ứng được yêu cầu về đối tượng, điều kiện như hộ khẩu thường trú, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... 

Cũng như huyện Quỳnh Phụ, thành phố là địa phương được phân bổ nhiều nhất - 3 tỷ đồng để thực hiện cho vay chương trình nhà ở xã hội nhưng đến nay đã gần 7 tháng mà chương trình mới chỉ giải ngân được 165 triệu đồng. 

Ông Vũ Văn Thuân, Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh, thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH thành phố cho biết: Là địa phương được phân bổ nhiều nguồn vốn nhất, lại là địa phương có dự án nhà ở xã hội ở tổ 39, tổ 40 phường Quang Trung của Công ty Cổ phần Damsan - đơn vị được Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh lựa chọn cho vay, tuy nhiên qua quá trình bình xét nhiều hộ không đủ điều kiện nên Ngân hàng không thể giải ngân được nguồn vốn chương trình. Bên cạnh đó, nhiều hộ mặc dù đang sinh sống và làm việc trên địa bàn thành phố nhưng lại có hộ khẩu thường trú ở các huyện nên phải về làm thủ tục vay vốn ở phòng giao dịch của các huyện nơi đăng ký hộ khẩu.

Nông dân huyện Tiền Hải phát triển kinh tế từ nguồn vốn tín dụng chính sách.

Cùng với chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhiều chương trình khác của Ngân hàng CSXH hiện cũng đang gặp khó khăn trong quá trình giải ngân vốn như: chương trình cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở giai đoạn II (9 tháng đầu năm mới giải ngân được 55 hộ với số tiền 1,375 tỷ đồng, vốn còn tồn 2,625 tỷ đồng), chương trình cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn (dư nợ cho vay giảm 59 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2017).

Nợ xấu có chiều hướng gia tăng

Không chỉ gặp khó khăn trong giải ngân các chương trình cho vay mà nợ quá hạn của Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh cũng có chiều hướng gia tăng. Đến ngày 30/9/2018, tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh chiếm 0,13% tổng dư nợ, tăng 468 triệu đồng so với thời điểm 31/12/2017. Một số chương trình có nợ quá hạn tăng cao như: cho vay hộ cận nghèo tăng 281 triệu đồng, cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn tăng 84 triệu đồng, cho vay hộ mới thoát nghèo tăng 60 triệu đồng... 

Ông Phan Văn Thanh, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH Tiền Hải cho biết: Trong tổng số gần 950 triệu đồng nợ xấu của Phòng giao dịch thì chủ yếu là nợ quá hạn nhận bàn giao từ Kho bạc Nhà nước, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do không có khả năng thu hồi, cũng không đủ điều kiện xử lý rủi ro theo Quyết định số 50 của Thủ tướng Chính phủ và một phần nợ quá hạn của chương trình cho vay xuất khẩu lao động do một số công ty đưa người đi lao động đã giải thể, một số công ty đã thay đổi địa chỉ hoặc cố tình không hợp tác để giải quyết trách nhiệm theo các nội dung đã ký kết. Ngoài ra, việc hộ vay bỏ đi khỏi nơi cư trú, một số hộ gia đình gặp khó khăn về tài chính, học sinh, sinh viên ra trường chưa có việc làm, một số hộ chây ỳ, cấp ủy, chính quyền, tổ chức hội, đoàn thể ở một số địa phương còn chưa vào cuộc tích cực trong việc đôn đốc xử lý nợ xấu... cũng là những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng nợ xấu của Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh có chiều hướng gia tăng.

Ông Phí Anh Tuấn, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Đông Hưng

Trong quá trình giải ngân các chương trình, đặc biệt là chương trình cho vay nhà ở xã hội, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở, Phòng giao dịch đã gặp rất nhiều khó khăn do các đối tượng được vay vốn lại không có nhu cầu, hạn mức vay thấp nên không khuyến khích được người dân vay vốn... Do đó, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân các chương trình, Phòng giao dịch đã chủ động tham mưu cho Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH huyện, UBND huyện tổ chức các hội nghị lồng ghép với tập huấn nâng cao chất lượng tín dụng; chỉ đạo cán bộ, nhân viên Phòng giao dịch phối hợp với ban giảm nghèo các xã, thị trấn tổ chức rà soát nhu cầu vay vốn của nhân dân, không để tình trạng hộ nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện không được vay vốn; tăng cường tuyên truyền để mọi người dân biết và thực hiện...

Ông Phạm Văn Đát, Chủ tịch UBND, Trưởng ban giảm nghèo xã Nam Hồng (Tiền Hải)

Để củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn, thời gian qua, Ban giảm nghèo xã Nam Hồng thực hiện bình xét hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác bảo đảm bình đẳng, dân chủ, công khai, đúng đối tượng; phân vốn kịp thời cho các thôn khi được giao vốn; tăng cường công tác kiểm tra đến các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác; quan tâm kiện toàn củng cố hoạt động của hội, đoàn thể, tổ tiết kiệm và vay vốn chất lượng tín dụng chưa tốt; chỉ đạo các tổ tiết kiệm và vay vốn đôn đốc thu nợ, tích cực xử lý nợ xấu, lãi tồn đọng và các hộ chây ỳ. Chính vì thế, từ đầu năm đến nay, toàn xã đã thu dứt điểm được 7 hộ chây ỳ với số tiền gần 100 triệu đồng; từ đó nợ quá hạn của xã đã giảm xuống, đến ngày 30/9 chỉ còn 89 triệu đồng, chiếm 0,49% tổng dư nợ.

Chị Đỗ Thị Thúy, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Lộng Khê 1, xã An Khê, huyện Quỳnh Phụ

Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Lộng Khê 1 do Hội Cựu chiến binh xã quản lý hiện đang có 59 thành viên với tổng dư nợ đến ngày 30/9 đạt 1,602 tỷ đồng, trong đó cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 540 triệu đồng cho 45 hộ vay, cho vay giải quyết việc làm 20 triệu đồng cho 1 hộ vay, cho vay hộ mới thoát nghèo 758 triệu đồng cho 16 hộ vay, cho vay hộ nghèo 225 triệu đồng cho 6 hộ vay và cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn 59 triệu đồng cho 3 hộ vay. Để nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, tổ luôn thông báo trước số tiền gốc và lãi đến kỳ phải nộp cho các thành viên chủ động thu xếp; phổ biến các kiến thức, các mô hình phát triển kinh tế mang lại hiệu quả cao để các thành viên nghiên cứu, học tập, từ đó sử dụng đồng vốn vay có hiệu quả; thường xuyên kiểm tra hiệu quả sử dụng vốn vay của các thành viên. Triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp, từ khi thành lập đến nay, tổ không có nợ xấu, các thành viên đều nộp đầy đủ tiền gốc và tiền lãi đúng hạn.


(còn nữa)

Minh Hương