Thứ 7, 28/12/2024, 02:27[GMT+7]

Vốn tín dụng chính sách góp phần giảm nghèo bền vững

Thứ 6, 01/02/2019 | 15:53:56
1,611 lượt xem
Kết thúc năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh là 3,35%, giảm 0,66% so với năm 2017; tỷ lệ hộ cận nghèo 3,16%, giảm 0,25% so với năm 2017. Đóng góp vào những kết quả đó có vai trò của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Chi nhánh tỉnh, luôn tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn phát triển sản xuất.

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp gia đình ông Đỗ Văn Tại (xã An Khê, huyện Quỳnh Phụ) mở rộng phát triển chăn nuôi, nâng cao thu nhập.

Phóng viên Báo Thái Bình có cuộc trao đổi với ông Tạ Tiến Khẩn, Giám đốc Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh để làm rõ thêm về vai trò của vốn tín dụng chính sách đối với công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh."

Phóng viên: Xin ông cho biết những kết quả nổi bật trong hoạt động cho vay tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh trong năm 2018?

Ông Tạ Tiến Khẩn: Trong điều kiện hoạt động còn gặp nhiều khó khăn nhưng Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh đã có nhiều giải pháp tích cực triển khai huy động nguồn vốn trên địa bàn, tranh thủ nguồn vốn từ trung ương, nguồn vốn thu hồi nợ đến hạn để phối hợp cùng với các tổ chức chính trị - xã hội, Ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ để giải ngân đến các đối tượng thụ hưởng, từ đó hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu trung ương giao. Đến ngày 31/12/2018, tổng nguồn vốn hoạt động của Chi nhánh đạt 2.770,38 tỷ đồng, tăng 8,33% so với thời điểm 31/12/2017; trong đó nguồn vốn trung ương cấp chiếm 83,25%, nguồn vốn huy động được trung ương cấp bù lãi suất chiếm 15,5% và nguồn vốn ủy thác đầu tư tại địa phương chiếm 1,25%. Tổng dư nợ cho vay đạt 2.766,92 tỷ đồng, tăng 8,36% so với thời điểm 31/12/2017 với 100.190 khách hàng đang vay vốn. Cùng với việc triển khai thực hiện tốt các chỉ tiêu kế hoạch các chương trình tín dụng từ các năm trước; trong năm 2018 Chi nhánh còn tập trung chỉ đạo triển khai chương trình tín dụng mới đó là chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định số 100 của Chính phủ. Đến ngày 31/12/2018, toàn tỉnh đã có 23 khách hàng ở cả 8/8 huyện thành phố được vay vốn chương trình này với số tiền đã giải ngân 9,37 tỷ đồng. Ngoài ra, Chi nhánh còn triển khai thực hiện tốt công tác đối chiếu, phân tích nợ đối với các khách hàng vay vốn Ngân hàng CSXH, thông qua đó đã có các giải pháp để xử lý các trường hợp vi phạm cũng như hoàn thiện hồ sơ xử lý theo quy định.

Phóng viên: Để nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, thời gian qua, Chi nhánh đã triển khai những giải pháp trọng tâm nào, thưa ông?

Ông Tạ Tiến Khẩn: Một trong những giải pháp quan trọng được Chi nhánh quan tâm thực hiện đó là công tác kiểm tra, giám sát của Ban đại diện Hội đồng quản trị (HĐQT) các cấp và công tác kiểm tra, kiểm toán nội bộ. Đến nay, Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH các cấp đã tổ chức thực hiện kiểm tra tại 8 lượt huyện, 153 lượt xã, 748 lượt tổ tiết kiệm và vay vốn, 2.263 lượt hộ vay vốn; kiểm tra 100.266 bộ hồ sơ tín dụng, 57.521 chứng từ kế toán, đối chiếu trực tiếp 50.674 khách hàng với tổng số tiền 1.394,688 tỷ đồng qua đó đã góp phần hạn chế được sai sót, tiêu cực xảy ra trong quá trình cho vay vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ. Bên cạnh đó, Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh còn duy trì thực hiện có hiệu quả việc ủy thác cho vay qua các tổ chức hội, đoàn thể, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh nhanh chóng có vốn phát triển sản xuất. Đến ngày 31/12/2018, toàn tỉnh có 99.954 người nghèo và các đối tượng chính sách thực hiện vay vốn qua các tổ chức hội, đoàn thể với tổng dư nợ đạt 2.760,7 tỷ đồng, chiếm 99,77% tổng dư nợ cho vay. Ngoài ra, Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh còn duy trì thực hiện có hiệu quả 285 phiên trực giao dịch cố định hàng tháng tại các xã, phường, thị trấn, từ đó phổ biến kịp thời các chính sách mới, nắm bắt, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện ở cơ sở.

Phóng viên: Xin ông cho biết việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng có ý nghĩa như thế nào trong hoạt động cho vay tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh?

Ông Tạ Tiến Khẩn: Nét nổi bật nhất của hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh kể từ khi thực hiện Chỉ thị số 40 đó là nguồn vốn ủy thác đầu tư từ ngân sách tỉnh và các huyện, thành phố chuyển sang Ngân hàng CSXH đã tăng lên rõ rệt. Ngay sau khi có Chỉ thị số 40, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã nhận thức rõ hơn về vị trí, vai trò của tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn, từ đó đưa công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách xã hội vào chương trình và kế hoạch hoạt động thường xuyên của địa phương, đồng thời quan tâm bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương để cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Chính vì thế, chỉ trong 4 năm thực hiện Chỉ thị số 40, UBND tỉnh và các huyện, thành phố đã quan tâm, bổ sung 23,947 tỷ đồng sang Ngân hàng CSXH để cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Bên cạnh đó, UBND tỉnh và các huyện, thành phố còn quan tâm hỗ trợ kinh phí cho Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh mua sắm tài sản, máy móc, thiết bị, đào tạo, tập huấn, sơ kết, tổng kết; thường xuyên bổ sung, kiện toàn ban đại diện HĐQT cấp tỉnh và cấp huyện, đặc biệt đã bổ sung 286/286 chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn tham gia ban đại diện HĐQT ngân hàng CSXH cấp huyện, thành phố. Việc làm này không chỉ nâng cao vai trò quản lý của nhà nước, khẳng định trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền cấp xã đối với hoạt động tín dụng chính sách tại cơ sở mà còn giúp lãnh đạo các địa phương nắm bắt kịp thời tình hình quản lý vốn vay, trên cơ sở đó đề xuất, kiến nghị những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ trong quá trình triển khai thực hiện tín dụng chính sách tại địa phương. Ngoài ra, Chi nhánh còn chỉ đạo Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Tiền Hải tham mưu với Huyện ủy thành lập đoàn giám sát do Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện làm trưởng đoàn kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư tại 5 xã khu Nam huyện Tiền Hải từ đó góp phần nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách tại 5 xã nói riêng và toàn huyện nói chung.

Phóng viên: Để nguồn vốn tín dụng chính sách phát huy hiệu quả hơn nữa, thời gian tới, Chi nhánh có những kiến nghị, đề xuất gì, thưa ông?

Ông Tạ Tiến Khẩn: Mặc dù đã được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, tuy nhiên nguồn vốn ủy thác đầu tư từ ngân sách địa phương để chuyển sang Ngân hàng CSXH thực hiện cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh vẫn còn thấp so với các địa phương khác trong khu vực. Chính vì thế, Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh kiến nghị tỉnh và các huyện, thành phố tiếp tục quan tâm, bổ sung kinh phí từ ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng CSXH để có nguồn vốn cho vay quay vòng. Bên cạnh đó, Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh cũng kiến nghị các sở, ngành, địa phương tạo điều kiện thuận lợi để các hộ vay vốn hoàn thiện thủ tục vay vốn như hộ khẩu thường trú, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc bình xét, phê duyệt cho vay, theo dõi và quản lý chặt chẽ nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn...

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Minh Hương 

(Thực hiện)