Chủ nhật, 29/12/2024, 14:09[GMT+7]

Ngân hàng Thái Bình: 68 năm xây dựng, đổi mới và phát triển

Thứ 2, 06/05/2019 | 08:51:17
1,316 lượt xem
Cách đây 68 năm, ngày 6/5/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 15/SL thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam - mở ra một trang sử mới cho sự nghiệp xây dựng và phát triển của ngành Ngân hàng Việt Nam.

Công ty Cổ phần Damsan phát triển sản xuất từ nguồn vốn tín dụng ngân hàng.

Trong suốt chặng đường đó, cùng với hệ thống ngân hàng cả nước, Ngân hàng Thái Bình đã không ngừng lớn mạnh và phát triển, trở thành đơn vị quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng đạt hiệu quả cao trong hệ thống. Để làm rõ những đóng góp tích cực của ngành Ngân hàng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, phóng viên Báo Thái Bình có cuộc trao đổi với bà Phan Thị Tuyết Trinh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh.

Phóng viên: Xin bà cho biết một số kết quả nổi bật của Ngân hàng Thái Bình trong thời gian qua?

Bà Phan Thị Tuyết Trinh: Với 68 năm xây dựng, đổi mới và phát triển, bám sát định hướng của ngành, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, mạng lưới hoạt động của hệ thống Ngân hàng Thái Bình đã không ngừng mở rộng. Đến nay, trên địa bàn tỉnh, ngoài Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng còn có 23 chi nhánh ngân hàng và 85 quỹ tín dụng nhân dân với 565 điểm giao dịch trải rộng đến các xã, phường, thị trấn, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn, dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế và nhân dân. Đến ngày 31/3/2019, tổng nguồn vốn huy động toàn địa bàn đạt gần 66.000 tỷ đồng, tăng 3,4% so với thời điểm 31/12/2018 (toàn quốc chỉ tăng 1,87%), trong đó tiền gửi dân cư chiếm 89,8%; tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh đạt gần 54.000 tỷ đồng, tăng 2% so với thời điểm 31/12/2018 (toàn quốc tăng 2,06%), trong đó cho vay ngắn hạn chiếm 67,6% và cho vay trung, dài hạn chiếm 32,4%; tỷ lệ nợ xấu chỉ chiếm 0,95% tổng dư nợ cho vay của các TCTD trên địa bàn (không bao gồm dư nợ, nợ xấu của Ngân hàng Phát triển Chi nhánh Thái Bình).

Công ty TNHH May xuất khẩu Quân Thu (xã Thái Thọ, huyện Thái Thụy) phát triển từ nguồn vốn tín dụng ngân hàng.

Phóng viên: Để có được sự tăng trưởng tín dụng ngay từ những tháng  đầu năm, ngành Ngân hàng đã có giải pháp gì, thưa bà?

Bà Phan Thị Tuyết Trinh: Cùng với việc thực hiện có hiệu quả các giải pháp mở rộng đầu tư tín dụng đi đôi với tăng cường quản lý chất lượng tín dụng, ngay từ đầu năm, toàn Ngành đã đẩy mạnh cho vay các chương trình, chính sách tín dụng ngành, lĩnh vực ưu tiên, người nghèo và các đối tượng chính sách theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và của tỉnh. Cụ thể như: cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55 của Chính phủ với dư nợ cho vay đến ngày 31/3/2019 đạt gần 18.600 tỷ đồng, tăng 0,7% so với thời điểm 31/12/2018, chiếm 34,6% tổng dư nợ cho vay của các TCTD trên địa bàn với trên 124.000 khách hàng còn dư nợ; cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên đạt trên 6.700 tỷ đồng với gần 52.000 khách hàng đang vay vốn; cho vay thu mua thóc, gạo hàng hóa xuất khẩu và tiêu dùng trong nước đạt 678 tỷ đồng, tăng 6,1% so với thời điểm 31/12/2018; cho vay hỗ trợ mua máy móc phục vụ sản xuất, giảm tổn thất trong nông nghiệp đạt 35 tỷ đồng với 159 khách hàng đang vay vốn; cho vay 24 dự án nước sạch nông thôn theo Quyết định số 12, Quyết định số 19 của UBND tỉnh với số tiền đã giải ngân gần 400 tỷ đồng, dư nợ cho vay đạt gần 260 tỷ đồng. Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng còn chú trọng thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn. Trong quý I/2019, các TCTD tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất cho vay các thành phần kinh tế, thực hiện gia hạn nợ cho 555 khách hàng; giữ nguyên nhóm nợ sau khi điều chỉnh kỳ hạn nợ, gia hạn nợ theo Nghị định số 55 cho 46 khách hàng; miễn, giảm 1,7 tỷ đồng lãi tiền vay cho 102 khách hàng vay vốn. Để tháo gỡ kịp thời khó khăn cho các khách hàng vay vốn bị thiệt hại do bệnh dịch tả lợn châu Phi, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh đã chỉ đạo các TCTD trên địa bàn chủ động rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn do bệnh dịch tả lợn châu Phi gây ra, trên cơ sở đó kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất sau khi dịch kết thúc; thực hiện xử lý nợ đối với khách hàng bị thiệt hại về vốn vay theo quy định tại Nghị định số 55 của Chính phủ. Đến ngày 31/3/2019 đã có 13,9 tỷ đồng dư nợ của cá nhân, hộ gia đình chăn nuôi lợn bị thiệt hại trên địa bàn tỉnh được ngành Ngân hàng áp dụng các biện pháp hỗ trợ, trong đó dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ 13,4 tỷ đồng và dư nợ được miễn giảm lãi vay 100 triệu đồng.

Phóng viên: Xin bà cho biết toàn ngành đã phát triển hoạt động thanh toán như thế nào khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ngày càng phát triển mạnh mẽ?

Bà Phan Thị Tuyết Trinh: Để đáp ứng kịp thời với xu thế phát triển của thời đại và những nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, thời gian qua, ngoài việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thường xuyên cập nhật, thay đổi cơ chế chính sách cho phù hợp thực tế, các TCTD trên địa bàn tỉnh đã không ngừng đổi mới cơ sở vật chất, tích cực cải cách thủ tục hành chính, phát triển sản phẩm dịch vụ ngân hàng, từng bước hiện đại hóa công nghệ, đưa các chương trình thanh toán hiện đại vào hoạt động. Các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng được các TCTD quan tâm đầu tư và ưu tiên phát triển như: thanh toán bằng séc, thanh toán bằng ủy nhiệm chi hoặc lệnh chi, thanh toán bằng thẻ ngân hàng, thanh toán bằng thư tín dụng, thanh toán qua mạng internet, qua các thiết bị điện thoại thông minh... Đến ngày 31/3/2019, trong tổng số 239.000 tỷ đồng doanh số thanh toán qua ngân hàng thì doanh số thanh toán không dùng tiền mặt chiếm đến 75%. Toàn Ngành đã mở gần 820.000 tài khoản thanh toán, phát hành trên 916.000 thẻ thanh toán các loại; lắp đặt 162 máy ATM, 572 máy POS đồng thời thực hiện trả lương qua tài khoản cho gần 1.800 cơ quan hành chính sự nghiệp và doanh nghiệp với tổng số gần 135.000 lao động nhận lương qua thẻ.

Phóng viên: Với mục tiêu năm 2019, tổng nguồn vốn huy động tăng khoảng 16%, tổng dư nợ cho vay tăng 14%, nợ xấu <1,5% tổng dư nợ, doanh số thanh toán tăng 18%, giải pháp Ngân hàng Thái Bình tập trung thực hiện trong thời gian tới là như thế nào, thưa bà?

Bà Phan Thị Tuyết Trinh: Để hoàn thành mục tiêu đã đề ra, toàn ngành bám sát chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 8/8/2018; tiếp tục củng cố, phát triển mạng lưới hoạt động; tăng cường huy động vốn từ nội bộ nền kinh tế thông qua việc phát triển các sản phẩm, dịch vụ, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng; tập trung cho vay nền kinh tế đi đôi với an toàn, hiệu quả, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế của trung ương và của tỉnh; tiếp tục đẩy mạnh chương trình hiện đại hóa, phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại; chú trọng thực hiện đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020” và Nghị quyết số 42 của Quốc hội; đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng, góp phần nâng cao uy tín, hình ảnh ngân hàng trên địa bàn; đồng thời, tích cực phát động các phong trào thi đua phấn đấu hoàn thành toàn diện nhiệm vụ chính trị, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn bà!

Minh Hương

Những phần thưởng tiêu biểu của Ngân hàng Thái Bình
  • Cờ thi đua của Chính phủ (năm 2018);
  • Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2016), hạng Nhì (năm 2011);
  • Bằng khen của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch UBND tỉnh...



Ông Phạm Hữu Thuyết, Phó Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điệnLiên Việt (LienVietPostBank) Chi nhánh Thái Bình

LienVietPostBank chính thức khai trương Chi nhánh Thái Bình ngày 16/6/2014. Trong điều kiện hoạt động còn nhiều khó khăn nhưng LienVietPostBank Chi nhánh Thái Bình đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, từ đó ngày càng khẳng định được uy tín và vị trí trên thị trường, nỗ lực cung cấp những sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại nhất cho khách hàng, phục vụ tốt nhất nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Trong công tác huy động vốn, Chi nhánh thực hiện mở rộng quy mô hoạt động với 1 trụ sở chính tại thành phố Thái Bình và 4 phòng giao dịch tại các huyện Quỳnh Phụ, Hưng Hà, Tiền Hải, Thái Thụy; đa dạng hóa các hình thức huy động; thực hiện tốt công tác tư vấn, chăm sóc, phục vụ khách hàng, tích cực tuyên truyền để người dân tin tưởng và gửi tiền tại Chi nhánh.

Kết thúc quý I/2019, Chi nhánh xếp thứ tư trong hệ thống về công tác huy động vốn với số tiền đạt 3.862 tỷ đồng, tăng 6,57% so với thời điểm 31/12/2018; trong đó, huy động tại ngân hàng 305 tỷ đồng và huy động tiết kiệm bưu điện 3.557 tỷ đồng. Là ngân hàng có nét riêng biệt, bởi ngoài các khách hàng thông thường, Chi nhánh còn phối hợp với Bưu điện tỉnh thực hiện chi trả lương hưu cho khoảng 95.000 cán bộ hưu trí và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh với số tiền chi trả khoảng 350 tỷ đồng/tháng. Chính vì vậy, trong hoạt động cho vay, ngoài các lĩnh vực cho vay phổ biến như cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn, cho vay tiêu dùng, cho vay phát triển kinh tế gia đình thông qua các tổ chức hội, đoàn thể..., LienVietPostBank Chi nhánh Thái Bình còn thực hiện cho vay với các đối tượng là cán bộ hưu trí có nhu cầu sửa chữa nhà cửa, mua sắm máy móc, thiết bị... Đến ngày 31/3, tổng dư nợ cho vay toàn Chi nhánh đạt 1.261 tỷ đồng, tăng 1,53% so với thời điểm 31/12/2018, trong đó cho vay hưu trí đạt 160 tỷ đồng.

Ông Phạm Mạnh Hoành, Giám đốc Quỹ Tín dụng nhân dân Minh Lãng (Vũ Thư)

Được thành lập từ năm 1995 với 21 thành viên, đến nay, Quỹ Tín dụng nhân dân Minh Lãng (Vũ Thư) đã mở rộng địa bàn hoạt động sang xã Minh Khai với tổng số gần 3.000 thành viên. Đến ngày 31/3, tổng nguồn vốn hoạt động của Quỹ đạt 156,73 tỷ đồng, trong đó vốn huy động đạt 147,575 tỷ đồng, tăng 10,57% so với thời điểm 31/12/2018; tổng dư nợ cho vay của Quỹ đạt 115,891 tỷ đồng, tăng 6,24% so với thời điểm 31/12/2018, trong đó cho vay đầu tư kinh doanh dịch vụ chiếm 35,6%, cho vay phát triển ngành nghề chiếm 9,49%, cho vay tiêu dùng xây dựng nhà ở chiếm 45,99% và cho vay sản xuất nông nghiệp chiếm 8,92%.

Để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, từ khi thành lập đến nay Quỹ Tín dụng nhân dân Minh Lãng luôn bám sát chỉ đạo của cấp trên cũng như định hướng, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trên cơ sở đó đề ra giải pháp phát triển phù hợp với từng thời kỳ như: áp dụng linh hoạt lãi suất huy động vốn và cho vay, luôn đón tiếp khách hàng với thái độ niềm nở, giải quyết các thủ tục nhanh chóng mà không gây phiền hà cho khách hàng... Hoạt động của Quỹ đã góp phần không nhỏ giúp các thành viên có vốn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong phát triển nghề và làng nghề, chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Ông Đỗ Duy Khanh, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Thành Vinh(xã Trọng Quan, huyện Đông Hưng)

Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Thành Vinh thành lập năm 2003 với các lĩnh vực hoạt động chủ yếu: xây dựng công trình dân dụng, công nghiệp, xây dựng công trình nước sạch, thi công các công trình điện từ 35kV trở xuống. Trong suốt quá trình phát triển, Công ty luôn nhận được sự đồng hành, quan tâm, giúp đỡ của ngành Ngân hàng, đặc biệt là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Chi nhánh huyện Đông Hưng, Bắc Thái Bình đã tạo điều kiện cho Công ty được vay vốn để đầu tư xây dựng nhà máy nước sạch xã Phong Châu. Với quy mô đầu tư 113 tỷ đồng, công suất 9.000m3/ngày đêm, đến tháng 6/2016 nhà máy đã hoàn thành và đi vào cấp nước sạch phục vụ cho khoảng 17.500 hộ dân với 55.000 nhân khẩu thuộc 10 xã của huyện Đông Hưng. Hiện tại đã có 98% hộ dân trong vùng sử dụng nước sạch.

Ông Nguyễn Quang Thuấn (thôn Kiều Thần, xã Song An, huyện Vũ Thư)

Trong quá trình phát triển sản xuất, gia đình tôi luôn được Quỹ Tín dụng nhân dân Trung An tạo điều kiện cho vay vốn mà không gây bất cứ phiền hà nào. Từ mức dư nợ ban đầu chỉ 50 triệu đồng, gia đình tôi đã đầu tư xây dựng 1ha đất cấy lúa kém hiệu quả thành mô hình kết hợp vườn - ao - chuồng với khoảng 1.000 con vịt và ngan siêu thịt, 1,5 mẫu ao nuôi thả các loại cá truyền thống cho xuất bán 2 tấn cá/năm. Ngoài ra gia đình tôi còn ấp và cung cấp 4 - 5 vạn con giống/tháng cho nhân dân địa phương và các vùng lân cận. Sử dụng vốn vay để phát triển chăn nuôi mang lại hiệu quả cao, năm 2018 tôi đã được Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua phát triển chăn nuôi và xây dựng, phát triển Hiệp hội.