Thứ 5, 02/01/2025, 00:32[GMT+7]

Việt Nam đảm nhận vị trí Chủ tịch Mạng thanh toán châu Á

Thứ 4, 19/06/2019 | 07:56:42
787 lượt xem
Hội nghị Mạng thanh toán châu Á (APN - Asian Payment Network) vừa họp phiên thường niên thứ 15 với sự tham gia của đại diện 12 Tổ chức chuyển mạch thẻ quốc tế đến từ 11 quốc gia là các thành viên APN.

Công ty Cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) là Tổ chức chuyển mạch đại diện cho Việt Nam tham gia phát triển các kết nối liên quốc gia thông qua liên minh hệ thống thanh toán trong khu vực. 

Hội nghị APN lần thứ 15 tiếp tục tập trung trao đổi, thảo luận bốn nội dung chính gồm: cập nhật hiện trạng và bàn bạc thúc đẩy việc chuyển kết nối song phương sang kết nối thông qua APN Hub; các biện pháp đẩy mạnh triển khai dịch vụ chuyển tiền xuyên biên giới (Cross Border Fund Transfer – CBFT); phát triển dịch vụ chuyển mạch các giao dịch xuyên biên giới QR Code (Cross border QR); các sáng kiến hỗ trợ cho các doanh nghiệp Fintech và doanh nghiệp khởi nghiệp (Starup).

Được biết, hiện tại giữa các tổ chức chuyển mạch thành viên của APN đã có kết nối song phương để triển khai và cung cấp dịch vụ trên ATM bao gồm dịch vụ rút tiền, vấn tin và dịch vụ chuyển khoản xuyên biên giới với mục tiêu đảm bảo hiệu quả vận hành, giảm chi phí và thời gian triển khai kết nối giữa các tổ chức thành viên.

Trong phiên họp thường niên của APN, các tổ chức chuyển mạch đến từ 11 quốc gia thành viên APN đã nhất trí bầu NAPAS – Tổ chức chuyển mạch quốc gia của Việt Nam làm Chủ tịch của APN nhiệm kỳ 2020, với mục tiêu cùng nhau  xây dựng hạ tầng thanh toán bán lẻ cho các quốc gia khu vực.

Kể từ khi gia nhập APN vào năm 2010, NAPAS đã triển khai thành công với các kết nối đến 4 tổ chức chuyển mạch thẻ là thành viên của APN bao gồm KFTC (Hàn Quốc), PayNet (Malaysia), ITMX (Thái Lan) và UnionPay (Trung Quốc). Các kết nối này mang lại cho chủ thẻ Việt Nam nhiều tiện ích thiết thực thông qua việc cho phép khách hàng có thể thực hiện giao dịch trên mạng lưới ATM/ POS tại các nước thành viên APN và ngược lại. Hợp tác này không chỉ góp phần vào sự phát triển của ngành ngân hàng mà còn tạo điều kiện phát triển các ngành du lịch và dịch vụ.

Mạng thanh toán châu Á - APN được thành lập vào năm 2006. Hiện tại, thành viên của APN gồm 12 Tổ chức chuyển mạch của 11 quốc gia: Malaysia (PayNet), Singapore (NETS), Hàn Quốc (KFTC), Thái Lan (ITMX), Indonesia (Artajasa và Rintis), Philippines (Bancnet), Việt Nam (NAPAS), Nhật Bản (NTT Data), Trung Quốc (UPI), Australia (Cuscal) và NewZealand (Paymark). Mục tiêu của APN là thống nhất chuẩn kỹ thuật và nghiệp vụ chung cho các thành viên tham gia, qua đó tăng cường kết nối, hợp tác kinh doanh để phát triển thanh toán thẻ trong khu vực, đồng thời nâng cao vị thế và khả năng cạnh tranh của các tổ chức thành viên trong khu vực.

Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) được thành lập từ năm 2004, trên cơ sở đổi tên từ Công ty Cổ phần Chuyển mạch Tài chính Quốc gia Việt Nam sau khi hoàn thành sáp nhận doanh nghiệp với Công ty CP Dịch vụ Thẻ Smartlink. NAPAS là đơn vị trung gian thanh toán được Ngân hàng Nhà nước cấp phép cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính và dịch vụ bù trừ điện tử tại Việt Nam. Cổ đông chính của NAPAS gồm Ngân hàng nhà nước và 15 Ngân hàng thương mại lớn tại Việt Nam.

Theo baochinhphu.vn