Thứ 4, 24/07/2024, 20:27[GMT+7]

Giai đoạn 2016 - 8/2019, cả nước có gần 8 triệu lượt khách hàng vay vốn ưu đãi với doanh số cho vay đạt hơn 221.000 tỷ đồng

Thứ 2, 23/09/2019 | 15:59:43
651 lượt xem
Sáng ngày 23/9, Ban Chỉ đạo trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 tổ chức hội nghị trực tuyến về vai trò, hiệu quả tín dụng chính sách trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về vai trò, hiệu quả tín dụng chính sách trong thực hiện các mục tiêu giảm nghèo bền vững. Ảnh: baochinhphu.vn

Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 chủ trì hội nghị. 

Dự hội nghị tại điểm cầu Thái Bình có đồng chí Nguyễn Thị Lĩnh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Trong những năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội (CSXH) đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác đã thực sự đi vào cuộc sống, là một trong những đòn bẩy kinh tế kích thích người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội khác có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống, tự vươn lên khẳng định vị thế của mình trong xã hội. 

Đến ngày 31/8/2019, tổng nguồn vốn thực hiện các chương trình tín dụng CSXH đạt 207.708 tỷ đồng, tăng 43,59% so với thời điểm 31/12/2015; tổng dư nợ cho vay đạt 199.823 tỷ đồng, tăng 40,2% so với thời điểm 31/12/2015 với gần 6,6 triệu người nghèo và các đối tượng chính sách khác đang vay vốn; trong đó tập trung chủ yếu vào 9 chương trình tín dụng lớn như: cho vay hộ nghèo, cho vay hộ cận nghèo, cho vay hộ mới thoát nghèo, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay giải quyết việc làm, cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, cho vay đối với vùng khó khăn, cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở và các chương trình tín dụng chính sách xã hội dành riêng cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số. 

Giai đoạn 2016 đến ngày 31/8/2019, cả nước đã có gần 8 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ Ngân hàng CSXH với tổng doanh số cho vay đạt 221.693 tỷ đồng; nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp trên 1,4 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút và tạo việc làm cho trên 775.000 lao động (trong đó có trên 17.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài); gần 200.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng gần 4,9 triệu công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn và xây dựng trên 108.000 căn nhà ở cho hộ nghèo. 

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung làm rõ hơn vai trò, hiệu quả của tín dụng chính sách trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, đồng thời đề xuất những kiến nghị để việc triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi ở các địa phương đạt hiệu quả cao.

Đồng chí Nguyễn Thị Lĩnh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao giấy khen của Ngân hàng CSXH cho các tập thể và cá nhân có nhiều đóng góp trong thực hiện có hiệu quả tín dụng chính sách. 

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ khẳng định: Việc thực hiện các chương trình tín dụng chính sách của Ngân hàng CSXH có ý nghĩa nhân văn rất sâu sắc, góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, các mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước đã đề ra. Chính vì thế, để việc thực hiện các chương trình tín dụng chính sách tiếp tục đạt hiệu quả cao, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp cần xác định nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách là quan trọng thường xuyên; tổ chức thực hiện tốt chủ trương huy động các nguồn lực cho tín dụng CSXH gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, giáo dục, dạy nghề, bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững; nâng cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo trong việc củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách. 

Đối với MTTQ và các tổ chức chính trị, xã hội, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tăng cường công tác tuyên truyền, thực hiện đầy đủ các nội dung nhận ủy thác; phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng CSXH để hướng dẫn, bình xét vay một cách công khai, minh bạch, chính xác, đúng đối tượng. 

Ngoài ra, Phó Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu phải tập trung huy động nguồn lực và hoàn thiện cơ chế chính sách nhằm thực hiện có hiệu quả hơn tín dụng chính sách; có cơ chế để ngân hàng tự huy động nguồn vốn trong xã hội để tập trung cho vay hộ mới thoát nghèo và hộ có mức sống trung bình; nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của Ngân hàng CSXH; đồng thời giao Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng CSXH chủ động đề xuất nhằm hoàn thiện các cơ chế, chính sách như nâng mức cho vay, kéo dài thời gian cho vay…

 Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thái Bình. 

Nhân dịp này, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tặng bằng khen cho 45 tập thể, 5 cá nhân; Ngân hàng CSXH tặng giấy khen cho 136 tập thể, 148 cá nhân trong và ngoài ngành vì có nhiều đóng góp trong thực hiện có hiệu quả tín dụng chính sách, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020; trong đó tỉnh Thái Bình có 2 tập thể và 2 cá nhân được nhận giấy khen của Ngân hàng CSXH.

Minh Hương

  • Từ khóa