Thứ 5, 09/01/2025, 00:33[GMT+7]

Ngân hàng hỗ trợ hợp lý các thiệt hại do dịch nCoV

Thứ 4, 05/02/2020 | 09:05:52
1,437 lượt xem
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa có văn bản yêu cầu NHNN các địa phương, các tổ chức tín dụng (TCTD) tích cực vào cuộc triển khai các giải pháp hỗ trợ khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của dịch Corona (nCoV).

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ảnh:VGP

Theo nội dung của văn bản trên, hiện nay dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân. Để kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh, NHNN yêu cầu Chủ tịch HĐQT/HĐTV, Tổng giám đốc các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố thực hiện các biện pháp hỗ trợ.

Cụ thể, đối với các tổ chức tín dụng, cân đối nguồn vốn để đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 1/1/2020 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020 và chỉ đạo của Thống đốc NHNN tại Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 03/01/2019 về tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2020.

Cần chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch, chủ động nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, mức độ thiệt hại của khách hàng đang vay vốn do ảnh hưởng của dịch nCoV, nhất là những ngành, lĩnh vực có thể bị ảnh hưởng nhiều như du lịch, nông nghiệp, xuất khẩu, ... để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, … theo quy định pháp luật hiện hành. Chủ động hướng dẫn, hỗ trợ người dân trong quá trình xử lý các đề nghị tháo gỡ khó khăn về hoạt động vay vốn.

Đối với NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố, nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh và theo dõi diễn biến dịch nCoV, ảnh hưởng của dịch bệnh trên địa bàn để chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát, thống kê dư nợ vay bị thiệt hại, kịp thời thực hiện các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành.

Cần phối hợp với các Sở, ban, ngành, kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh/thành phố các giải pháp xử lý rủi ro, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân vay vốn bị thiệt hại theo quy định. Trường hợp phát sinh khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền, NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố báo cáo UBND tỉnh, thành phố và NHNN để được xem xét, xử lý.

NHNN yêu cầu các đơn vị phải  định kỳ hằng tháng (trước ngày 12) báo cáo về các nội dung liên quan vấn đề này tới NHNN, nêu rõ kết quả thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị thiệt hại do ảnh hưởng của dịch nCoV của các tổ chức tín dụng trên địa bàn.

Dù là ngành không liên quan trực triếp đến dịch bệnh nhưng thời gian qua, thực hiện Chỉ đạo của Chính phủ, NHNH đã tích cực vào cuộc tham gia hỗ trợ đề phòng dịch bệnh lan rộng. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có văn yêu cầu các đơn vị trong toàn ngành ngân hàng triển khai một số nội dung phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra.

Khẩu trang vốn là vật theo quy định phải tháo bỏ trước khi vào NHNN hay các chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng thương mại thì giờ đã được khuyến khích đeo để phòng dịch.

Theo đó, các ngân hàng không yêu cầu khách hàng đến giao dịch phải tháo bỏ khẩu trang trước khi vào trụ sở như NHNN đã quy định thông thường để phòng ngừa tội phạm cướp tiền tại ngân hàng, đảm bảo an toàn kho quỹ, giao dịch tiền mặt. Tuy nhiên, các ngân hàng vẫn phải tăng cường các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật và theo thẩm quyền để bảo đảm an toàn tuyệt đối tiền mặt, tài sản quý, giấy tờ có giá trong giao dịch và trong kho tiền; ngăn chặn các trường hợp lợi dụng dể gây mất an ninh, an toàn khi giao dịch.

Đối với các giao dịch/hoạt động bắt buộc phải nhận diện khách hàng, nhân viên ngân hàng đề nghị khách hàng tạm thời tháo bỏ khẩu trang để nhận diện. Sau khi hoàn thành thủ tục, khách hàng tiếp tục đeo khẩu trang (nếu có nhu cầu) trong quá trình giao dịch.

Nhân viên ngân hàng có thể sử dụng khẩu trang khi thực hiện giao dịch, tiếp xúc với khách hàng nếu cần thiết.

Theo baochinhphu.vn