Thứ 5, 09/01/2025, 16:08[GMT+7]

Ngân hàng tiếp tục hạ phí dịch vụ hỗ trợ đối tượng bị thiệt hại do COVID-19

Chủ nhật, 15/03/2020 | 20:19:58
774 lượt xem
Để chia sẻ khó khăn với các đối tượng bị thiệt hại do COVID-19, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã chỉ đạo và đồng ý cho các đơn vị trong hệ thống tiếp tục giảm các loại phí trong giao dịch thanh toán điện tử.

Ảnh minh họa.

Đây là một nội dung các văn bản của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) về việc áp dụng chính sách miễn, giảm phí dịch vụ ban hành ngày 13/3.


Văn bản nêu rõ, thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19, NHNN đã chỉ đạo Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) và Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) tiếp tục triển khai thực hiện chương trình giảm phí dịch vụ lần 2 trong năm 2020.


Theo đó, NAPAS sẽ giảm 50% đối với phí dịch vụ chuyển tiền nhanh liên ngân hàng cho các giao dịch có giá trị từ 500.000 đồng  đến 2 triệu đồng  (giảm từ 1.800 đồng/giao dịch xuống còn 900 đồng/giao dịch; thời gian áp dụng từ ngày 25/3 đến hết năm); CIC thực hiện chiết khấu 50% tổng số tiền khai thác sử dụng thông tin tín dụng của tổ chức tín dụng từ tháng 3/2020 đến tháng 12/2020. Vì vậy, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) cần có một số điều chỉnh.


Cụ thể, điều chỉnh giảm phí dịch vụ chuyển tiền nhanh liên ngân hàng cho các món thanh toán có giá trị từ trên 500.000 đồng đế 2 triệu đồng cho khách hàng với mức giảm tối thiểu bằng mức giảm phí mà NAPAS đã điều chỉnh giảm (900 đồng/giao dịch); khuyến khích các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện giảm phí lớn hơn mức giảm phí của NAPAS đã thực hiện. Thời gian thực hiện từ ngày 25/3/2020 đến hết năm.


Triển khai thực hiện điều chỉnh giảm giá sử dụng dịch vụ thông tin tín dụng đối với khách hàng (nếu TCTD có thu từ khách hàng) tương ứng với mức giảm trừ chiết khấu do CIC thực hiện đối với TCTD;
Lãnh đạo các TCTD xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể về việc áp dụng miễn/giảm phí; báo cáo Thống đốc NHNN về các loại phí giảm, mức phí giảm và thời gian áp dụng giảm phí (thông qua Vụ Thanh toán) trước ngày 25/3/2020 để tổng hợp và theo dõi.


Cùng ngày, NHNN có văn bản gửi CIC chấp thuận đề xuất chiết khấu 50% tổng số tiền khai thác sử dụng thông tin tín dụng của TCTD từ ngày 01/3/2020 đến hết ngày 31/12/2020 theo đề xuất của CIC.


Theo đó, NHNN yêu cầu CIC thông báo cụ thể chương trình giảm tiền sử dụng sản phẩm thông tin tín dụng tới các TCTD để phối hợp áp dụng các chính sách miễn/giảm phí dịch vụ tương ứng cho tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ.


NHNN cũng ban hành văn bản gửi NAPAS, chấp thuận đề xuất giảm phí đối với các giao dịch chuyển tiền nhanh liên ngân hàng có giá trị từ trên 500.000 đồng tới 2 triệu đồng, thời gian thực hiện từ ngày 25/3.


NHNN yêu cầu triển khai thực hiện và thông báo cụ thể chương trình miễn giảm, phí tới các đơn vị thành viên để phối hợp triển khai thực hiện, đồng thời có văn bản đề nghị các đơn vị thành viên thực hiện giảm giá cho khách hàng của các đơn vị với mức giảm tối thiểu bằng mức của NAPAS đã giảm trừ cho các đơn vị thành viên.


Trước đó, đã có 32 ngân hàng miễn, giảm phí giao dịch giá trị nhỏ qua NAPAS nhưng mới áp dụng chủ yếu với giao dịch  có giá trị nhỏ từ 500.000 đồng trở xuống.
Theo dữ liệu thống kê từ NAPAS, số lượng giao dịch của 32 ngân hàng miễn/giảm phí chiếm 98% tổng số lượng giao dịch toàn hệ thống.


Về cơ chế, NHNN cũng đã ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ký ban hành ngày 12/3 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết: NHNN tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) chủ động cơ cấu, gia hạn các khoản nợ, miễn giảm lãi suất, phí đối với các đối tượng bị thiệt hại do dịch COVID-19.


Theo đánh giá sơ bộ từ NHNN, có khoảng 926 nghìn tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh dẫn đến trả nợ không đúng hạn, chiếm tỷ lệ hơn 11% trong tổng dư nợ. Triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đến nay, các tổ chức tín dụng bước đầu xem xét cơ cấu lại 21.753 tỷ đồng cho các doanh nghiệp khó khăn; miễn giảm lãi vay cho 8.000 khách hàng; đang xem xét giảm lãi vay cho 34.500 khách hàng với dư nợ 185 nghìn tỷ đồng. Nhiều ngân hàng đã miễn phí hoàn toàn hoặc giảm phí dịch vụ giao dịch…

Theo baochinhphu.vn