Thứ 6, 10/05/2024, 02:30[GMT+7]

Các địa phương, đơn vị chủ động ứng phó với siêu bão Mangkhut

Thứ 7, 15/09/2018 | 16:26:35
2,431 lượt xem
Trước diễn biến của bão Mangkhut, ngày 15/9, các địa phương, đơn vị trong tỉnh đang tích cực chuẩn bị các biện pháp ứng phó nhằm bảo đảm an toàn cho người, tài sản nếu bão đổ bộ vào địa phương.

Tàu thuyền neo đậu tại bến cá Cửa Lân (Tiền Hải)

* Tiền Hải


Tàu, thuyền của huyện Tiền Hải được sắp xếp neo đậu bảo đảm an toàn

Trước diễn biễn phức tạp của cơn bão Mangkhut, huyện Tiền Hải đã huy động các đơn vị, lực lượng thực hiện lệnh cấm biển theo công điện của UBND tỉnh từ 11 giờ ngày 15/9. Đồng thời tổ chức kêu gọi chủ phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh. Bố trí sắp xếp các khu neo đậu, bảo đảm tàu thuyền neo đậu đúng vị trí, nghiêm cấm neo đậu ở gần mái kè, cầu cống gây nguy hiểm đến các công trình. Tổ chức các đoàn đi kiểm tra các tuyến đê, kè, cống, các điểm xung yếu. Cắt cử lực lượng rà soát các chòi ngao, yêu cầu lao động trông coi khẩn trương vào bờ. Ngoài ra, hướng dẫn các hộ dân tại vùng nuôi trồng thủy sản, trong nội đồng chằng chống nhà cửa, vật dụng bảo đảm an toàn về người và tài sản khi bão đổ bộ vào địa phương.

Hiện nay, số tàu, thuyền khai thác trên biển do huyện Tiền Hải quản lý là 534 phương tiện, với 1.105 lao động. 100% tàu thuyền của huyện quản lý đã nhận được tin bão, tàu thuyền đã và đang vào tìm nơi trú ẩn an toàn. Khu vực lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản có 1.659 lao động đã liên lạc được 100% với các chủ hộ và người lao động cam kết vào bờ theo quy định. Tàu bảo vệ giàn khí đã vào cảng Diêm Điền tránh trú.

* Thành phố


Kè Vũ Đông 2 cơ bản đã thi công xong

Để chủ động ứng phó với bão Mangkhut, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, hạn chế thấpnhất thiệt hại do mưa bão gây ra, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố đã chỉ đạo các phường, xã, các ngành, các đơn vị kiểm tra cụ thể nhân lực, vật lực, phương tiện phục vụ công tác phòng, chống lụt, bão theo phương châm "4 tại chỗ”; xây dựng phương án bảo đảm an toàn cho người, tài sản, phương tiện và công trình đang thi công. Bảo đảm an toàn công trình đê, chú ý đến các điểm công trình đê kè xung yếu: Kè Nhân Thanh xã Tân Bình, kè Vũ Đông 1, kè Sa Cát phường Hoàng Diệu, kè Tống Thỏ xã Đông Mỹ. Hệ thống đài truyền thanh tăng thời lượng tuyên truyền về diễn biến cơn bão để nhân dân biết, chủ động phòng tránh. Điện lực thành phố có phương án bảo đảm cấp điện đầy đủ cho công tác phòng, chống bão, xử lý kịp thời các sự cố về điện do bão gây ra. Các lực lượng công an, quân sự thực hiện phương án bảo đảm an ninh trật tự, chuẩn bị vật tư, phương tiện và bố trí cán bộ chiến sĩ sẵn sàng xử lý các tình huống khi được huy động. Các thành viên Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố, lãnh đạo các phòng, ban căn cứ nhiệm vụ được phân công tổ chức trực ban bảo đảm theo quy định chủ động xử lý các tình huống do bão gây ra.

* Kiến Xương

Hồng Tiến đã chủ động huy động máy móc gia cố một số đoạn đê xung yếu

Để chủ động ứng phó với siêu bão Mangkhut, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Kiến Xương chỉ đạo ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp, các ngành triển khai ngay các phương án ứng phó với bão. Thực hiện phương án bảo vệ công trình đê, kè, cống xung yếu, các công trình đang thi công, đặc biệt là các công trình đang thi công trên sông và triển khai phương án chống tràn đối với các tuyến đê bao, đê bối. Duy trì lực lượng thường trực cứu hộ, cứu nạn để xử lý, ứng cứu và khắc phục hậu quả do bão gây ra khi có yêu cầu. Bố trí lực lượng để hướng dẫn cảnh báo người dân tại các bến đò ngang, không tiến hành các hoạt động trên những khu vực nguy hiểm bảo đảm an toàn cho người và tài sản. Kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền còn đang hoạt động trên sông, trên biển khẩn trương về nơi tránh trú an toàn, nghiêm cấm tàu, thuyền ra khơi từ 11 giờ ngày 15/9/2018, kiên quyết không để người ở lại trên tàu, thuyền nơi neo đậu. Các xã khẩn trương chỉ đạo thu hoạch thủy sản và hoa màu đã đến kỳ thu hoạch, kiểm tra đôn đốc việc cắt tỉa cành cây lớn, chằng chống cây cối, nhà cửa, kho tàng, trường học, bệnh viện, các lồng, bè, trang trại nuôi trồng, đánh bắt thủy sản ở ven sông, chủ động khơi thông dòng chảy, khoanh vùng tiêu úng phòng mưa lớn. Kiểm tra nhà dân, nhà tập thể, bệnh xá, trường học xung yếu kiên quyết di chuyển dân đến nơi an toàn. Yêu cầu Xí nghiệp khai thác công trình thủy lợi bố trí lực lượng thường trực 24/24 giờ, tranh thủ mở các cống tiêu nước để hạ mực nước trên các trục tiêu của toàn hệ thống, kịp thời tiêu nước đệm, phòng chống úng ngập do mưa lớn và hoàn lưu sau bão.

* Vũ Thư

Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và TKCN tỉnh, 8h sáng ngày 15/9, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và TKCN huyện Vũ Thư đã họp khẩn bàn các biện pháp ứng phó với cơn bão số 6 (Mangkhut).

Các thành viên trong Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN huyện Vũ Thư họp khẩn, triển khai các biện pháp ứng phó với cơn bão số 6

Hiện nay, hơn 5.000/7.900ha lúa mùa của huyện Vũ Thư đã trỗ bông, vào mẩy, trong đó trên 3000ha lúa đang ở giai đoạn bông nặng. Nếu bão vào, chỉ cần sức gió cấp 5, cấp 6 đã có thể gây đổ ngã diện tích lúa trên. Thời điểm hiện tại, nông dân trong huyện đã gieo trồng được trên 1000ha cây màu vụ thu - đông. Huyện có 1.516ha nuôi trồng thủy sản, 67 lồng cá, 83 tàu thuyền hoạt động trên sông.

Chủ động ứng phó với bão Mangkhut, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN huyện đã liên tục ban hành 3 công điện khẩn chỉ đạo các đơn vị, địa phương khẩn trương triển khai ngay các biện pháp. Đối với một số diện tích lúa đã chín khoảng 85 – 90%, chỉ đạo nông dân khẩn trương ra đồng thu hoạch ngay với phương châm "xanh nhà hơn già đồng”. Dừng ngay việc gieo trồng cây màu ở các vùng bãi ven sông. Hiện, mực nước trong đồng cạn nhưng nước sông lớn nên không thể tiêu ngang. Do vậy, huyện chỉ đạo Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi đóng các cống tưới, mở các cống tiêu, bằng mọi biện pháp tiêu triệt để nước mặt ruộng, giải tỏa vật cản trên sông trục, sông cấp 3 phòng mưa lớn (đặc biệt lưu ý sông cụt xã Tân Lập và sông vùng Vũ Hợp xã Duy Nhất); huy động máy móc, phương tiện bơm thoát nước, bảo đảm tiêu nước nhanh cho 8 vùng có nguy cơ ngập úng cao. Huyện chỉ đạo tạm dừng thi công công trình kè Việt Hùng đoạn K150 - K155 + 100; chú ý bảo vệ hệ thống đê bao xã Vũ Vân và hệ thống kè Tân Thành 1, Tân Thành 2. Ngành điện lực tổ chức lực lượng phát quang hành lang lưới điện, tránh tình trạng cây, cột đổ gây sự cố về điện, bảo đảm cung cấp điện đầy đủ cho các trạm bơm vận hành. Các xã, thị trấn, cơ quan, xí nghiệp triển khai chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học, bệnh viện, cưa bớt cành cây cao. Gia cố chuồng trại, lồng, bè thủy sản, lưới, dây neo, phao lồng. Tất cả các tàu thuyền trên sông về nơi neo đậu an toàn trước 16h ngày 16/9. Các ngành Quân sự và Công an tổ chức lực lượng và phương tiện ứng trực 100% cùng nhân dân chống bão. Đài TTTH huyện thường xuyên cập nhật thông tin mới nhất về cơn bão để nhân dân chủ động phòng tránh.

* Đông Hưng

Sáng ngày 15/9, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Đông Hưng tổ chức họp khẩn triển khai các biện pháp chủ động ứng phó với siêu bão Mangkhut.

Phụ nữ xã Đồng Phú khơi thông dòng chảy

Toàn huyện Đông Hưng hiện có 19 bến đò ngang, trong đó có 6 bến đò ngang qua sông Trà Lý; 69 hộ với 164 khẩu sinh sống ngoài đê chính và 1047 hộ với 2363 nhân khẩu sống trong nhà yếu cần di dời đến nơi an toàn trước bão đổ bộ vào bờ. Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do siêu bão Mangkhut gây ra, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp, các đơn vị, địa phương triển khai ngay phương án ứng phó với siêu bão phù hợp với từng địa phương, đơn vị. Thực hiện phương án bảo vệ đê, kè, cống xung yếu, các công trình đang thi công, đặc biệt là các công trình đang thi công trên sông, ven sông. Duy trì lực lượng thường trực cứu hộ, cứu nạn. Bố trí lực lượng hướng dẫn, cảnh báo người dân tại các bến đò ngang không tiến hành các hoạt động trên các khu vực nguy hiểm, gần cống qua đê, ven sông có dòng chảy xiết. Kiểm tra, giám sát việc neo đậu của tàu thuyền, không được để các phương tiện neo đậu gần cầu, cống, công trình thủy lợi. Các cơ quan, đơn vị, địa phương khẩn trương chỉ đạo kiểm tra đôn đốc cắt tỉa cành cây lớn, chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học, bệnh xá… Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện bố trí lực lượng thường trực 24/24 giờ, tranh thủ mở các cống tiêu nước để hạ mực nước trên các trục sông chính. Di dời số lao động nuôi trồng thủy sản và các hộ dân sinh sống ngoài đê chính, các hộ có nhà yếu đến nơi an toàn. Các công việc trên phải hoàn thành trước 16 giờ ngày 16/9/2018. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp với Công an huyện, Đài Truyền thanh - truyền hình huyện tổ chức xe tuyên truyền lưu động trên các trục đường chính để nhân dân biết chủ động ứng phó với siêu bão.

* Hưng Hà: 

Trạm bơm Tịnh Xuyên (Hưng Hà) sẵn sàng vận hành tiêu thoát nước khi có mưa lớn xảy ra

Huyện Hưng Hà đã ban hành Công điện khẩn số 12 chỉ đạo các địa phương trong huyện thường xuyên cập nhật, theo dõi sát diễn biến cơn bão số 6 (Mangkhut) . Tăng cường thông tin tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bão đến cộng đồng dân cư. Đôn đốc nhân dân chằng chống nhà cửa, kho tàng, cắt tỉa cành cây, gia cố lồng bè, trang trại, gia trại.  Kiểm tra các nhà dân không bảo đảm an toàn và sẵn sàng phương án di dời các hộ dân đến nơi tạm trú an toàn. Triển khai phương án bảo vệ trọng điểm đê Nhật Tảo, xã Tiến Đức; đê, kè Lão Khê, đê Hà Xá xã Tân Lễ; đê Hồng An; kè Phú Nha, xã Hồng Minh; đê Đào Thành, xã Canh Tân và xã Cộng Hòa; đê xã Hòa Tiến. 

Huyện cũng chỉ đạo mở các cống tiêu và tiêu nước đệm triệt để trên bề mặt hệ thống kênh, mương nội đồng. Huy động lực lượng giải phóng dòng chảy. Chuẩn bị phương án huy động máy bơm điện, bơm dầu di động để sẵn sàng bơm chống úng kịp thời bảo vệ sản xuất. Chỉ đạo Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện bố trí lực lượng trực 24/24 giờ, sẵn sàng vận hành các trạm bơm tiêu nước. Yêu cầu các địa phương trong huyện chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện bảo đảm ứng cứu khi có sự cố xảy ra nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và của.

* Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng


Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh vận động ngư dân đưa phương tiện vào nơi tránh trú an toàn

Trước diễn biến phức tạp của siêu bão Mangkhut có khả năng ảnh hưởng đến đất liền nước ta, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh đã tổ chức kiểm tra hệ thống doanh trại, kho tàng, nhất là kho vũ khí và nơi neo đậu các phương tiện tàu thuyền của ngư dân để có phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. 

Từ sáng ngày 15/9, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh tiếp tục cử 4 đoàn công tác của đơn vị xuống ứng trực, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống siêu bão Mangkhut. Hiện nay, các đơn vị ứng trực 100% quân số; đồng thời thông báo tình hình diễn biến của cơn bão tại các đơn vị, cảng, bến cá; tiến hành kiểm đếm, thống kê các phương tiện hoạt động nghề cá trên biển để kêu gọi ngư dân đưa tàu thuyền vào nơi tránh bão an toàn.

Trên địa bàn tỉnh có tổng số 1.242 tàu/3.607 ngư dân làm ăn trên biển. Số chòi ngao là 1.085 chòi/1.085 lao động. Đầm ngoài đê là 318 chòi/318 lao động. Theo báo cáo của BĐBP tỉnh, tính đến 9 giờ sáng ngày 15/9, đã có 990 phương tiện/2.654 lao động đã neo đậu tại các cảng, bến trong tỉnh. Số phương tiện neo đậu, hoạt động ngoài tỉnh có 109 phương tiện/532 lao động, trong đó, đã vào vị trí neo đậu ở các tỉnh khác là 62 phương tiện/243 lao động. Ngoài ra, có 47 phương tiện/289 lao động đang hoạt động tại vùng biển các tỉnh, thành phố đang được kêu gọi vào bờ. Có 143 phương tiện/421 lao động đang hoạt động ven biển Thái Bình. Tất cả số phương tiện trên đều liên lạc được với gia đình, không có phương tiện hoạt động ở vùng nguy hiểm. Trên địa bàn có 14 phương tiện/78 lao động ngoài tỉnh vào neo đậu.

Bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các phương tiện hoạt động trên biển, BĐBP tỉnh đã thực hiện lệnh cấm các phương tiện ra khơi từ 11 giờ ngày 15/9. Hiện nay, các trạm kiểm soát biên phòng trên tuyến đã thông báo cho ngư dân và phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện nghiêm lệnh cấm ra khơi của UBND tỉnh. Tuyệt đối không để các phương tiện đã vào nơi tránh trú bão an toàn ra khơi khi chưa hết bão.

* Công an tỉnh

Để ứng phó với  siêu bão Mangkhut dự báo sẽ ảnh hưởng đến tỉnh ta, Công an tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị, công an các huyện, thành phố thực hiện nghiêm túc công điện của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh tỉnh về việc ứng phó với siêu bão Mangkhut; theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, triển khai các biện pháp phòng, chống lụt, bão theo phương châm "4 tại chỗ”, tránh tư tưởng chủ quan, hạn chế thấp nhất thiệt hại khi có thiên tai, bão lũ xảy ra.

Lực lượng Công an tham gia gặt lúa giúp dân trong mùa mưa bão năm 2017. Ảnh minh họa

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, Phòng Cảnh sát giao thông thủy, Phòng Cảnh sát môi trường, Phòng An ninh kinh tế phối hợp với công an các huyện, thành phố có phương án bố trí lực lượng, phương tiện tại các bến đò ngang, những khu vực nguy hiểm gần các cống qua đê, khu vực ven sông có dòng chảy xiết để hướng dẫn, cảnh báo, bảo đảm an toàn cho người dân; đồng thời kiểm tra các công trình đang thi công ven sông, ven biển, yêu cầu nhà thầu và chủ đầu tư có biện pháp bảo đảm an toàn cho người, phương tiện, công trình. 

Các đơn vị, công an các huyện, thành phố duy trì thông tin liên lạc, sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời ứng cứu khi có yêu cầu; tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban chỉ huy Ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Công an tỉnh để chỉ đạo xử lý.

* Ngành Giao thông Vận tải

Công ty Cổ phần xe khách Thái Bình sẵn sàng phương tiện, nhiên liệu và người điều khiển phương tiện phục vụ vận chuyển hành khách khi có yêu cầu.

Trước diễn biến phức tạp của siêu bão Mangkhut, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn ngành Giao thông Vận tải yêu cầu các đơn vị trực thuộc chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, thiết bị, vật tư phục vụ công tác ứng cứu, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn khi có lệnh điều động. Các đơn vị vận tải như: Công ty Cổ phần xe khách Thái Bình, Công ty Cổ phần Hoàng Hà, Trường Trung cấp Nghề giao thông vận tải Thái Bình… sẵn sàng phương tiện, nhiên liệu và người điều khiển phương tiện phục vụ vận chuyển hành khách và hàng hoá.

Bên cạnh đó, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn ngành Giao thông Vận tải chỉ đạo Công ty Cổ phần Quản lý đường bộ Thái Bình khẩn trương thực hiện khơi thông rãnh thoát nước và các vị trí cống bị bồi lấp, bảo đảm khả năng thoát nước cho các tuyến đường, khẩn trương xử lý các vị trí bị lún sụt, sạt lề. Kiểm tra, chặt tỉa, đốn hạ các cây xanh tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông khi có thiên tai xảy ra.

Đối với những vị trí xung yếu có khả năng sạt, trượt khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền để gia cường, củng cố bảo đảm an toàn công trình giao thông. Thường xuyên kiểm tra, yêu cầu các chủ phương tiện vận tải thủy tuyệt đối không neo đậu tầu, thuyền vào công trình cầu. Trước khi bão đổ bộ vào đất liền, các phương tiện vận tải thủy tạm ngừng hoạt động, neo đậu phương tiện tại những nơi tránh trú an toàn…

* Công ty Điện lực Thái Bình

Công nhân ngành điện bảo đảm an toàn cấp điện

Để ứng phó với bão Mangkhut, Công ty Điện lực Thái Bình yêu cầu các đơn vị điện lực huyện, thành phố thường xuyên theo dõi sát diễn biến về cơn bão trên các phương tiện thông tin truyền thông. Kiểm tra, xử lý các tồn tại trên đường dây, trạm biến áp, các điểm đấu nối tiếp xúc, thu lôi. Tổ chức phát quang hành lang lưới điện, kịp thời phát hiện các khiếm khuyết để có biện pháp xử lý triệt để. Chuẩn bị đầy đủ vật tư, thiết bị, nhân lực ứng trực, giữ thông tin liên lạc với Ban chỉ huy PCTT & TKCN tại các địa phương. Tổ chức ứng trực phân công lịch trực lãnh đạo, cán bộ công nhân người lao động, bảo đảm mọi công tác chuẩn bị theo phương châm "4 tại chỗ”, sẵn sàng các vật tư, thiết bị dự phòng, thông tin liên lạc,để xử lý nhanh nếu bão đổ bộ vào địa phương gây thiệt hại trên lưới điện. Lên kế hoạch phối hợp với Ban chỉ huy PCTT-TKCN các địa phương có phương án cấp điện cho các phụ tải quan trọng như Ban chỉ huy PCTT-TKCN, UBND, trạm bơm, bệnh viện, cơ quan truyền thông…

Nhóm phóng viên

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày