Chủ nhật, 24/11/2024, 08:46[GMT+7]

Hiểu đúng về quy định trừ điểm giấy phép lái xe

Thứ 6, 04/09/2020 | 14:30:32
5,058 lượt xem
Chính phủ đã đồng ý với đề xuất của Bộ Công an về việc giấy phép lái xe được cấp 12 điểm mỗi năm, nếu tài xế không vi phạm giao thông sẽ được cộng điểm, khôi phục điểm, nếu bị trừ hết điểm phải thi lại để có giấy phép lái xe…

Ảnh minh họa.

Năm 2003, Cảnh sát giao thông trong quá trình làm nhiệm vụ từng áp dụng biện pháp “bấm lỗ” để đánh dấu số lần vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường bộ của lái xe. Trường hợp bằng lái bị đánh dấu 2 lần vi phạm thì tài xế phải thi lại lý thuyết về Luật Giao thông đường bộ. Nếu bị đánh dấu 3 lần, bằng lái hết giá trị sử dụng.

Tuy nhiên, sau 4 năm thực hiện, quy định này bị bãi bỏ. Bộ Công an cho rằng việc bấm lỗ trên giấy phép lái xe dễ phát sinh tiêu cực khi lái xe bị bấm lỗ nhiều thì tìm mọi cách "chạy" bằng lái mới.

Tháng 8-2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 123/NQ-CP trong phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật. Trong nghị quyết này, đáng chú ý là việc Chính phủ thống nhất với đề xuất của Bộ Công an trong dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, quy định về điểm của giấy phép lái xe.

Trong đó, Chính phủ thống nhất quy định về điểm của giấy phép lái xe là một biện pháp quản lý hành chính (không phải là một hình thức xử phạt hành chính) theo hướng giấy phép lái xe được cấp 12 điểm/năm.

Theo quy định, nếu trong 1 năm mà bị trừ hết điểm thì lái xe phải thi lại giấy phép lái xe, nếu không bị trừ hết điểm thì được cấp lại 12 điểm để áp dụng cho năm kế tiếp; hoặc trong 1 năm mà không có vi phạm thì phải được cộng điểm, tức là phải có hình thức cộng lại điểm (hoặc khôi phục điểm) cho giấy phép lái xe hằng năm. Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ quy định cụ thể thẩm quyền, căn cứ, trình tự, thủ tục thực hiện, bảo đảm đơn giản, hợp lý, tránh phiền hà cho người dân.

Thông tin trên được Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) công bố đã nhận được nhiều ý kiến hưởng ứng. Theo Trung tá Trần Quang Vinh, Đội trưởng Đội Tuyên truyền, khám nghiệm điều tra tai nạn giao thông (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội), việc trừ điểm giấy phép lái xe không phải biện pháp xử phạt hành chính, là hình thức quản lý văn minh và toàn diện. Thay vì chỉ quản lý theo từng hành vi đơn lẻ như hiện nay, cơ quan nhà nước còn có thể theo dõi quá trình chấp hành luật của tài xế sau vi phạm.

Để có quyết định này, Cục Cảnh sát giao thông đã tham khảo kinh nghiệm một số nước có hệ số an toàn giao thông cao có sử dụng hệ thống trừ điểm như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc... để sớm xây dựng hướng dẫn, quy định mức điểm trừ cụ thể cho từng hành vi trong thời gian tới. Ngoài việc quản lý toàn diện, việc này còn được cho là giúp tài xế có ý thức hơn, hạn chế tái phạm.

“Singapore đã áp dụng hình thức này từ 15 năm đến 20 năm nay, với hệ thống quản lý tự động 100% (thu phí tự động, phạt tự động). Ví dụ: Vượt đèn đỏ bị trừ 5 điểm; đè vạch bị trừ 2 điểm, đồng thời phạt tiền, cho đến khi trừ hết điểm. Nếu không nộp phạt thì không thể đi qua các trạm thu phí hoặc nơi có rào chắn tự động. Khi bị trừ hết điểm thì bị tước giấy phép và chỉ được thi lại sau 2 năm. Quy định này rất tốt để hướng tới một nền hành chính liêm chính với yêu cầu hiện đại, đồng bộ hóa và không thể sửa trên máy”, Trung tá Trần Quang Vinh nói.

Trung tá Trần Quang Vinh cho biết thêm, người dân cần hiểu rõ Bộ Công an sẽ không thể hiện trực tiếp số điểm trên bằng lái mà mã hóa, lưu trên hệ thống dữ liệu. Khi có quyết định xử phạt, điểm sẽ được trừ trên hệ thống. Cảnh sát giao thông chỉ cần thực hiện thao tác kiểm tra nhanh trên máy sẽ biết tài xế còn bao nhiêu điểm.

Bộ Công an khẳng định, sẽ xây dựng quy định việc tính điểm bảo đảm chặt chẽ. Dữ liệu về điểm, lịch sử cộng, trừ điểm, thời gian và người thực hiện sẽ công khai và dễ dàng tra cứu từ bất kỳ đâu, vào bất kỳ thời gian nào để ngăn chặn sai phạm, phòng ngừa tiêu cực.

Hiện nay, Bộ Công an đang chỉ đạo Cục Cảnh sát giao thông triển khai phần mềm xử lý phạm. Khi phần mềm này ra đời, toàn bộ phương tiện vi phạm, giấy phép lái xe của người vi phạm sẽ có trong dữ liệu. Khi Cảnh sát giao thông ra quyết định xử phạt sẽ nhập dữ liệu vào phần mềm này, từ đó kiểm soát được tất cả những lỗi lái xe đã vi phạm. Dữ liệu này sẽ được kết nối với hệ thống quản lý cấp đổi giấy phép lái xe.

Việc này không phát sinh thủ tục hành chính cho người dân. Sự kết nối thông qua công nghệ thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước và đặc biệt là giữa Cảnh sát giao thông với người dân sẽ dễ dàng hơn.

Theo hanoimoi.com.vn