Chủ nhật, 24/11/2024, 02:24[GMT+7]

Xử lý nghiêm các vi phạm về nồng độ cồn

Thứ 6, 31/12/2021 | 11:41:29
5,065 lượt xem
Thời gian gần đây khi các cơ sở dịch vụ kinh doanh ăn uống, giải trí được hoạt động trở lại theo chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tình trạng lái xe vi phạm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện có dấu hiệu gia tăng. Để bảo đảm an toàn giao thông, đặc biệt là trong dịp tết Dương lịch, tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, đợt cao điểm tăng cường lực lượng kiểm soát, tấn công, trấn áp tội phạm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên toàn quốc được thực hiện từ ngày 15/12/2021 - 14/2/2022, trong đó tập trung xử lý các vi phạm về nồng độ cồn.

Cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh kiểm tra nồng độ cồn tại đường Lê Lợi (thành phố Thái Bình).

Từ đầu năm đến nay, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 314 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên đường bộ; xử phạt hành chính và nộp Kho bạc Nhà nước trên 3,9 tỷ đồng; tước 295 giấy phép lái xe; tạm giữ 314 phương tiện các loại. 

Trong 3 tháng trở lại đây, số vụ vi phạm lại có chiều hướng gia tăng so với đầu năm. Theo đó, từ tháng 9 - 11/2021, đã xử lý 118 trường hợp, phạt hành chính với số tiền gần 1,8 tỷ đồng; tước 104 giấy phép lái xe; tạm giữ 118 phương tiện.

Thiếu tá Đinh Hồng Linh, Đội trưởng Đội CSGT đường bộ, Phòng CSGT, Công an tỉnh cho biết: Vi phạm nồng độ cồn là một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến những vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng. Trong quá trình kiểm tra, nhiều lái xe có hơi men tỏ thái độ chống đối, bất hợp tác, kéo dài thời gian xử lý, gây khó khăn cho lực lượng chức năng. Do đó, bên cạnh việc tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về nồng độ cồn, lực lượng CSGT cũng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến tác hại của rượu, bia để người tham gia giao thông nghiêm chỉnh chấp hành.

Sau gần 2 năm triển khai thực hiện Nghị định số 100 của Chính phủ đã góp phần làm thay đổi ý thức tham gia giao thông của người dân, đặc biệt là giảm tai nạn giao thông và các hệ quả tiêu cực của tình trạng lạm dụng rượu, bia khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, vẫn còn một số lái xe thiếu ý thức, coi thường tính mạng của bản thân và cộng đồng khi vô tư điều khiển phương tiện cho dù vừa sử dụng rượu, bia. 

Ông Bùi Xuân Dương, xã Phú Xuân, thành phố Thái Bình cho biết: Ngay từ khi Nghị định số 100 chưa có hiệu lực thì bản thân tôi vẫn luôn ý thức được việc không sử dụng rượu, bia khi lái xe. Tôi rất đồng tình với mức phạt cao đối với người đã uống rượu, bia mà vẫn tham gia giao thông, đây là hình thức răn đe hiệu quả đối với lái xe, để hạn chế tình trạng sử dụng rượu, bia rồi lái xe gây tai nạn. 

Ông Vũ Sĩ Vỹ, phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình chia sẻ: Thời gian qua khi cuộc sống trở lại bình thường nhiều người vô tư sử dụng rượu, bia khi lái xe; điều này tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.Mỗi người dân cần nâng cao ý thức tự giác, không nên sử dụng rượu, bia trước khi lái xe để bảo đảm an toàn cho bản thân cũng như cộng đồng.

Cán bộ, chiến sĩ Đội Cảnh sát giao thông, Công an huyện Hưng Hà lập biên bản, xử lý vi phạm nồng độ cồn tại thị trấn Hưng Hà.

Dịp cuối năm, lễ, tết mỗi người đều có rất nhiều lý do để sử dụng rượu, bia. Vì thế để giảm bớt tình trạng này, nhất là kịp thời ngăn chặn, phòng ngừa các nguy cơ về tai nạn giao thông, các cơ quan chức năng cần quyết liệt triển khai các biện pháp về kiểm tra, xử lý và xử phạt thật nặng để bảo đảm tính răn đe. 

Trung tá Phạm Văn Kiểm, Phó Trưởng phòng CSGT, Công an tỉnh cho biết: Để bảo đảm an toàn giao thông trong dịp cuối năm, ngoài việc tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm xử lý vi phạm theo Nghị định số 100, lực lượng CSGT tiếp tục tập trung tuyên truyền, phổ biến pháp luật để nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông. Đồng thời, quán triệt cán bộ, chiến sĩ bảo đảm thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch trong quá trình kiểm tra xử lý vi phạm nhằm bảo đảm an toàn cho người dân và lực lượng thi hành nhiệm vụ.

Để ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm nồng độ cồn, bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan chức năng thì bản thân mỗi người dân khi tham gia giao thông cần nâng cao ý thức, không điều khiển phương tiện giao thông sau khi sử dụng rượu, bia. Cùng với đó, cần tăng cường tuyên truyền các quy định của pháp luật về vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông, hạn chế gây tai nạn giao thông.

Nguyễn Thơi