Thứ 4, 21/05/2025, 05:06[GMT+7]

Tai nạn giao thông - nỗi đau còn đó

Thứ 4, 27/11/2013 | 14:49:05
3,046 lượt xem
Nếu “sinh, lão, bệnh, tử” là quy luật chung cho cuộc đời con người, thì “phúc và tội” lại được coi như “cơ duyên” của mỗi người. Người xưa thường nói “Ai biết phúc đâu mà lội, biết tội đâu mà tránh”, thế nhưng, có nhiều “cái tội”, dẫu biết rồi mà vẫn không ít người mắc phải. Điển hình như tình trạng coi thường hoặc cố tình vi phạm Luật Giao thông đường bộ, để rồi dẫn đến những hậu quả thật đau lòng cho bản thân và bao gia đình khác.

Để bình yên và hạnh phúc mọi nhà, mỗi người đã và đang tham gia giao thông hãy nêu cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ. Ảnh minh họa

Chúng tôi tới thăm bà L, thôn Trung, xã Song Lãng (Vũ Thư) - người mẹ có cậu con trai 18 tuổi tử nạn trong một vụ tai nạn giao thông cách đây mấy tháng. Chẳng hiểu cái lạnh đầu mùa hay không khí lạnh lẽo của ngôi nhà khiến chúng tôi thấy cũng lạnh giá, xót xa. Trong nhà, mấy bức rèm buông rủ, mùi hương trầm bay nghi ngút. Gương mặt đờ đẫn, bà Lan đứng trước bàn thờ thắp mấy nén nhang cho con trai. Ngắm di ảnh con bà lại không kìm được nước mắt.

Trong tiếng nấc nghẹn ngào, bà kể: H là cậu con trai duy nhất của bà. Bố H bỏ đi Nam từ ngày em còn trong bụng mẹ. Một mình bà làm thuê làm mướn nuôi con trai ăn học. Học hết cấp 3, H cũng đã xin được một công việc ổn định để làm. Bà rất phấn khởi bởi con đã khôn lớn, trưởng thành, mẹ con có thể nương tựa vào nhau mà sống. Thế nhưng, có ngờ đâu, chỉ trong vài tiếng đồng hồ sau khi xin phép mẹ đi ra ngoài một lúc rồi về, mà bà Lan mất con mãi mãi. Trên đoạn đường 454 cách nhà vài cây số, trong lúc vượt lên, H đã va vào chiếc xe tải khiến xe ngã ra rồi bị một chiếc xe máy khác chồm lên. Chàng trai 18 tuổi không bao giờ còn cất tiếng gọi mẹ được nữa.

Dù con đã mất mấy tháng nay, nhưng bà Lan không lúc nào nguôi ngoai nỗi nhớ thương con. Những kỷ niệm về con lúc đầy lúc vơi, cứ chập chờn ẩn hiện trong tâm trí bà. Với bà, dường như con trai vẫn còn đây và vẫn nũng nịu mẹ như ngày nào. Trong tiếng nấc nghẹn ngào bà kể: “H là đứa sống rất tình cảm. Hàng ngày ăn cơm, cháu nó cứ thích mẹ chan canh cho. Đợt trước, cháu có ý định đi xuất khẩu lao động kiếm tiền cho mẹ đỡ vất vả, nhưng tôi bảo cháu là thôi, ở nhà để mẹ con được gần nhau. Thế là cháu nó thương mẹ nên không đi nữa. Ai ngờ, ở nhà mà mẹ con cũng xa nhau mãi thế này. Tôi chỉ thương nó mới 18 tuổi đầu đã phải chết đau đớn quá!”.

May mắn hơn một chút, anh Phạm Văn T xã Bách Thuận (Vũ Thư) không bị thiệt mạng trong 1 vụ tai nạn giao thông năm 2004. Nhưng đến nay, sau gần chục năm mà nỗi đau do tai nạn giao thông vẫn đeo bám gia đình anh. Gương mặt buồn u ám, bà Trần Thị Q, mẹ anh T chia sẻ: Kể từ khi anh bị tai nạn, gia đình chạy vạy, vay mượn khắp nơi để có tiền chữa bệnh cho anh, thế nhưng chấn thương sọ não quá nặng khiến thần kinh anh không thể hoàn toàn bình phục. Từ một chàng trai khỏe mạnh, khôi ngô, anh T như một đứa trẻ con chỉ biết cười ngây ngô. Không thể lao động kiếm sống, gánh nặng ấy lại dồn cả vào đôi vai gầy của cha mẹ anh. Tai nạn xảy ra khi anh T đang là sinh viên năm thứ 2 của một trường Đại học có tiếng ở Hà Nội. Ước mơ trở thành một kỹ sư xây dựng của anh cũng dở dang mãi mãi.

Đây chỉ là 2 trong số hàng trăm gia đình của huyện Vũ Thư có người thân bị tai nạn giao thông những năm qua. Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2013, tuy đã giảm 5 vụ, 3 người chết, 4 người bị thương so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng trên địa bàn huyện vẫn xảy ra 16 vụ tai nạn giao thông đường bộ nghiêm trọng, làm chết 11 người, 8 người bị thương, thiệt hại hàng chục triệu đồng. Trong đó, 7 vụ tai nạn giao thông xảy ra trên Quốc lộ 10, 2 vụ do ô-tô gây ra và 14 vụ do xe máy gây ra. Đối tượng gây tai nạn chủ yếu là nam giới, trong đó, gần 40% vụ tai nạn do thanh niên từ 18 - 27 tuổi điều khiển xe.

Nhận thức được hậu quả của tai nạn giao thông, đặc biệt, sau vụ va chạm xe máy của cậu con út cách đây gần 1 tháng khiến tinh thần con lúc nào cũng hoảng loạn, vợ chồng ông Phạm Đức Bình, thôn Phương Cáp, xã Hiệp Hòa (Vũ Thư) bảo nhau từ nay cần thường xuyên quan tâm, giáo dục con em chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ khi tham gia trên đường. Ông chia sẻ: “Chúng tôi làm cha, làm mẹ cũng phải tăng cường nhắc nhở các cháu, chứ không chủ quan các cháu lớn rồi mà bỏ qua được. Bây giờ thanh niên 24, 25 tuổi thật nhưng nhận thức xã hội của các cháu chưa đầy đủ, hơn nữa ý thức các cháu không cao như thời chúng tôi ngày xưa đâu. Thế nên, cứ phải bảo ban từng tí một, đi ra đường thì phải đội mũ bảo hiểm, kiểm tra xe có an toàn không, đi đâu, đến mấy giờ về...“

Nhiều người trở thành nạn nhân của tai nạn giao thông do người khác coi thường, vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Nhưng cũng không ít người trở thành tàn phế, mất mạng do sự chủ quan, bất cẩn của chính mình. Dù ở trường hợp nào, hậu quả của các vụ tai nạn giao thông thật khôn lường. Ngoài thiệt hại về tính mạng, của cải, tai nạn giao thông còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tinh thần của nạn nhân và để lại hậu quả, nỗi đau dai dẳng cho gia đình và xã hội. Để bình yên và hạnh phúc mọi nhà, mỗi người đã và đang tham gia giao thông hãy nêu cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ.

Quỳnh Lưu
(Đài Truyền thanh Vũ Thư)

 

  • Từ khóa