Thứ 7, 03/08/2024, 03:25[GMT+7]

An toàn giao thông là hạnh phúc của mọi người, mọi nhà Phát triển giao thông đường thủy nội địa

Thứ 5, 30/10/2014 | 08:33:17
2,039 lượt xem
Quy hoạch chi tiết phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa được xem là nhân tố then chốt, tạo khung sườn cho các quy hoạch phát triển hạ tầng. Trong tương lai, hệ thống giao thông đường thủy sẽ kết nối với các phương thức vận tải khác góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Bình nói riêng và cả nước nói chung.

Tàu thuyền ra vào cửa sông Diêm Hộ (Thái Thụy).

Cùng với phát triển giao thông đường bộ, hiện nay việc phát triển giao thông đường thủy nội địa đang là một nhiệm vụ trọng tâm của Thái Bình. Những năm qua, tỉnh đã và đang hoàn thiện đề cương Quy hoạch chi tiết phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa tỉnh Thái Bình giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Quy hoạch chi tiết phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa được xem là nhân tố then chốt, tạo khung sườn cho các quy hoạch phát triển hạ tầng. Trong tương lai, hệ thống giao thông đường thủy sẽ kết nối với các phương thức vận tải khác góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Bình nói riêng và cả nước nói chung.

Thái Bình là tỉnh có mạng lưới sông ngòi dày đặc, với nhiều tuyến sông lớn nên rất thuận lợi cho phát triển giao thông đường thủy. Hiện nay, tỉnh có 4 sông lớn thuộc hệ thống đường thủy nội địa quốc gia chảy qua là sông Hồng, sông Luộc, sông Hóa và sông Trà Lý với tổng chiều dài 268km và 1 tuyến đường biển ven bờ. Nhiều tuyến vận tải đường thủy nội địa có tầm quan trọng đi qua như tuyến vận tải thủy nội địa cấp I: Hà Nội  -  Lạch Giang qua hệ thống sông Hồng; tuyến vận tải thủy nội địa cấp II: Hà Nội - Hải Phòng qua hệ thống sông Hồng, sông Luộc. Hệ thống mạng lưới các sông nội đồng với tổng chiều dài 236km bao gồm sông Diêm Hộ, sông Kiến Giang và 12 nhánh sông con có thể tham gia vào mạng lưới vận tải đường thủy, đặc biệt là phục vụ cho vận chuyển nội bộ trong tỉnh cũng như trung chuyển từ các cảng lớn hơn. Cùng với hệ thống bờ biển kéo dài và sự phát triển của cảng biển Diêm Điền có thể thấy tiềm năng to lớn trong việc khai thác mạng lưới giao thông đường thủy, góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội cũng như giảm áp lực ngày một tăng về nhu cầu giao thông lên mạng lưới giao thông đường bộ.

Tuy nhiên, việc đầu tư cho vận tải đường thủy nội địa còn gặp nhiều khó khăn do việc vận chuyển hiện nay chủ yếu là tự phát, manh mún không theo quy hoạch nên không phát huy hết tiềm năng. Hiện nay, Thái Bình đang được đánh giá là tỉnh có năng lực vận tải biển và tàu khai thác hải sản tương đối mạnh so với cả nước. Ngoài 203 tàu vận tải biển với tổng tải trọng trên 802.000 tấn, toàn tỉnh còn có trên 1.000 tàu sông và 1.122 tàu, thuyền cơ giới khai thác hải sản. Thị trường vận chuyển của các doanh nghiệp vận tải biển vẫn chủ yếu là thị trường nội địa từ miền Bắc đi các tỉnh miền Nam với các mặt hàng chủ yếu là xi măng, clanhke, than, hàng nông sản, thực phẩm, sắt thép và phân đạm... Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống giao thông vận tải tỉnh Thái Bình đến năm 2020, giao thông đường thủy sẽ có thể đảm nhiệm chuyên chở 20 - 25% lượng hàng hóa và 5 - 10% lượng hành khách lưu thông trong toàn tỉnh. Trong đó, vận tải đường thủy nội địa được xác định sẽ đảm nhiệm vận chuyển 50% lượng hàng hóa chuyên chở bằng đường thủy.

Ông Phạm Quang Đức, Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết: Những năm qua, được sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Giao thông vận tải đã phối hợp với Công ty Cổ phần Tư vấn và Xây dựng hạ tầng Hà Nội tiến hành lập Quy hoạch chi tiết phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa tỉnh Thái Bình giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 nhằm phát huy tối đa tiềm năng vận tải thủy của tỉnh và kết nối đồng bộ, hiệu quả với các phương thức vận tải khác. Ngoài ra, Quy hoạch còn làm cơ sở cho việc lập dự án đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa, mua sắm phương tiện, quản lý vận hành phục vụ vận tải đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh. Đến nay, nhiều cảng đường sông quan trọng trên địa bàn tỉnh đã được xác định trong Quy hoạch chi tiết hệ thống cảng đường thủy nội địa khu vực phía Bắc như: cảng Thái Bình, cảng Hiệp, cảng Mỹ Lộc, cảng hành khách Thái Bình... Bên cạnh nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, Sở Giao thông vận tải sẽ huy động, tìm kiếm nguồn vốn đầu tư xây dựng cảng Tân Đệ, cảng Trà Lý, cảng Hiệp, xây dựng cụm cảng phục vụ trung tâm nhiệt điện để phục vụ vận tải đường biển và đường thủy nội địa. Ngoài ra, Sở Giao thông vận tải cũng sẽ trình UBND tỉnh dự án đầu tư nạo vét và xây kè chắn cát ổn định luồng vào cảng Diêm Điền, bảo đảm cho tàu 2.000 - 3.000 tấn ra vào. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất trung ương hỗ trợ kinh phí để cải tạo luồng biển vào các cửa sông Thái Bình, sông Hồng và sông Trà Lý.

Theo định hướng trên, giao thông đường thủy nội địa sẽ được phát triển một cách đồng bộ về luồng tuyến, cảng, thiết bị bốc xếp nhằm đáp ứng yêu cầu vận tải hàng hóa và hành khách với chất lượng ngày càng cao, giá thành hợp lý và an toàn. Đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa gắn kết với mạng lưới giao thông khác tạo thành hệ thống liên hoàn, thông suốt sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Phạm Hưng

  • Từ khóa