Thứ 7, 23/11/2024, 01:47[GMT+7]

Xử phạt nặng để hạn chế vi phạm giao thông

Thứ 5, 16/05/2019 | 08:54:43
873 lượt xem
Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị định số 46 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, các cơ quan chức năng đã kéo giảm và kiềm chế số vụ tai nạn giao thông.

Lực lượng công an lập biên bản người vi phạm giao thông.

Thượng tá Phí Văn Tuyến, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh cho biết: Nghị định số 46 có nhiều sửa đổi, bổ sung quan trọng so với các nghị định trước đây, trong đó điều chỉnh theo hướng xử phạt nặng những hành vi là nguyên nhân trực tiếp gây mất trật tự an toàn giao thông (TTATGT). Bên cạnh việc tăng mức phạt tiền đối với một số hành vi, Nghị định còn tăng thêm thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề... Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Nghị định số 46, việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm TTATGT, ý thức của người tham gia giao thông từng bước được nâng lên. Lực lượng thanh tra giao thông đã tập trung kiểm tra, cương quyết xử lý 5.000 trường hợp vận chuyển hàng hóa quá tải, quá khổ, quá chiều dài thùng xe, tự ý thay đổi kích thước thành thùng xe; 3.000 trường hợp vi phạm về vận chuyển hành khách chủ yếu là dừng, đón trả khách không đúng nơi quy định; dừng, đậu không đúng nơi quy định; không đóng cửa lên xuống khi xe đang chạy; chở quá số người quy định... Công an tỉnh đã lập biên bản, xử lý 90.977 trường hợp vi phạm, phạt tiền trên 70 tỷ đồng, tước giấy phép lái xe 10.924 trường hợp, tạm giữ 3.949 ô tô, 6.317 mô tô. Trong đó, xe ô tô khách vi phạm chiếm 2%, ô tô tải chiếm 10%, ô tô con chiếm 8%, còn lại 80% là vi phạm của xe mô tô, xe thô sơ...

Thiếu tá Nguyễn Ngọc Khánh, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông - trật tự, Công an thành phố Thái Bình đánh giá: Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông đa phần có lỗi chủ quan của người điều khiển phương tiện như: dừng, đậu phương tiện không đúng quy định, vi phạm về nồng độ cồn, vi phạm tốc độ, vượt đèn đỏ, đi sai làn đường, đi ngược chiều, chuyển hướng, quay đầu không đúng nơi quy định... Tình trạng vi phạm các quy định của pháp luật về bảo đảm TTATGT của một bộ phận không nhỏ người dân dễ trở thành thói quen tùy tiện gây mất ATGT. Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần nâng mức độ, đa dạng hình thức xử phạt để xóa bỏ thói quen nguy hiểm này. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tăng mức phạt, thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép lái xe và quy định tạm giữ phương tiện đối với hành vi không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông, hiệu lệnh hướng dẫn của người điều khiển phương tiện giao thông hoặc kiểm soát giao thông; tăng mức phạt đối với hành vi vi phạm về đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy từ 100.000 - 200.000 đồng lên 200.000 - 400.000 đồng; bổ sung chế tài xử phạt đối với hành vi buông cả 2 tay khi điều khiển mô tô... Mức xử phạt từ 1 - 3 triệu đồng đối với hành vi chở hàng rời, chất thải, vật liệu xây dựng dễ rơi vãi có mui, bạt che đậy nhưng vẫn để rơi xuống mặt đường gây mất ATGT và mất vệ sinh môi trường như hiện nay là chưa đủ sức răn đe; phải tăng mức phạt đối với những trường hợp vi phạm trong thành phố, thị trấn. Bên cạnh đó, cần bổ sung những chế tài xử phạt đối với các chủ cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, chủ doanh nghiệp, kho bãi... không chấp hành quy định về tải trọng khi bốc xếp hàng hóa lên ô tô. Nếu các cơ sở sản xuất này không chấp hành thì hình thức xử lý nghiêm là thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, đình chỉ hoạt động nếu tái phạm.

Thời gian tới, Công an tỉnh tiếp tục phối hợp với các cấp, các ngành đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm TTATGT để người dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông. Lực lượng công an từ tỉnh đến các huyện, thành phố triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhất là các trường hợp khi tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm, không có giấy phép lái xe, chở quá số người quy định, chạy quá tốc độ, vượt đèn tín hiệu, chở hàng hóa quá khổ quá tải, sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ...

Nguyễn Tùng