Thứ 3, 23/07/2024, 15:26[GMT+7]

Xử lý việc dựng rạp dưới lòng đường - vẫn còn nể nang

Thứ 6, 29/11/2019 | 08:11:33
2,939 lượt xem
Sau một thời gian đi vào quy củ, hiện nay tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường để dựng rạp đám cưới, đám tang, giỗ chạp, tổ chức sự kiện... lại tái diễn ở nhiều nơi. Điều này không chỉ làm mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn giao thông (ATGT).

Rạp cưới dựng dưới lòng đường (ảnh chụp tại xã Vũ Phúc, thành phố Thái Bình ngày 23/11/2019).

Thời gian qua, tại một số địa phương trong cả nước đã xảy ra các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng khi người dân đang tổ chức các hoạt động như đám tang, đám cưới dưới lòng, lề đường... Một phần nguyên nhân của tai nạn do lái xe bất cẩn, một phần xuất phát từ việc người dân tổ chức các hoạt động dưới lòng, lề đường nhưng không có phương án bảo đảm ATGT. Trên địa bàn tỉnh ta tuy chưa xảy ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng liên quan đến việc người dân dựng rạp gây cản trở giao thông, tuy nhiên cũng đã xảy ra ùn tắc giao thông và va quệt nhẹ. Để ngăn chặn tình trạng này, ngày 25/1/2019, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 05 về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm ATGT trên địa bàn tỉnh. Trong đó, yêu cầu UBND các huyện, thành phố tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 04, ngày 8/3/2017 của UBND tỉnh về giải tỏa, chống lấn chiếm, sử dụng trái phép vỉa hè, lòng, lề đường, hành lang an toàn giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh đồng thời yêu cầu xử lý tình trạng lấn chiếm lòng đường, hè phố. Sau khi có chỉ đạo của UBND tỉnh, các địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, quyết liệt xử lý những trường hợp vi phạm, do đó không để xảy ra tình trạng người dân dựng rạp dưới lòng đường. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng này lại tái diễn ở một số nơi, gây cản trở giao thông, tiềm ẩn những tai nạn, rủi ro. Qua khảo sát của phóng viên cho thấy: Sáng ngày 20/11/2019, trên đường Lê Đại Hành, phường Kỳ Bá (thành phố Thái Bình) - khu vực gần điểm giao nhau với đường Lê Quý Đôn, người dân vô tư dựng rạp cưới lấn chiếm lòng đường. Ngày 21/11/2019, tại đường Lê Thánh Tông, phường Bồ Xuyên (thành phố Thái Bình), một chiếc rạp cũng được dựng lên chiếm hết đường, các phương tiện di chuyển qua đây phải quay đầu đi lối khác, hành vi trên đã gây bức xúc cho rất nhiều người lưu thông qua đây. Ngày 23/11/2019, tại đoạn đường khu vực gần cầu Đen, xã Vũ Phúc (thành phố Thái Bình), một chiếc rạp cưới dài vài chục mét được dựng lên chiếm hết một làn đường, phía làn đối diện thì dùng để xe máy, ô tô làm cho giao thông ở đây ùn tắc cục bộ. Sáng ngày 24/11/2019, tại khu vực thôn Thái, xã Nguyên Xá (Vũ Thư), một rạp cưới dựng lấn gần hết lòng đường làm cho phương tiện giao thông đi lại rất khó khăn.

Ông Hoàng Quang Thanh, trú tại xã Vũ Phúc (thành phố Thái Bình) bức xúc: Địa phương chúng tôi không thiếu gì chỗ để thực hiện các công việc hiếu, hỷ một cách văn minh, an toàn mà không gây phiền hà, cản trở cho bất kỳ ai. Nhà nào tổ chức đám cưới, đám tang nếu không có sân nhà thì có thể tới nhà văn hóa thôn chứ cứ vô tư dựng rạp ra đường thế này thì rất nguy hiểm.

Có thể thấy, đối với những khu vực giao thông phức tạp, trục đường chính có đông phương tiện qua lại thì việc dựng rạp đã gây cản trở lối đi vô cùng nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Bởi chỉ cần xảy ra va chạm hoặc sự cố giao thông như xe hỏng phanh, mất lái, người điều khiển không bảo đảm tốc độ... thì hậu quả sẽ khôn lường. Việc chiếm dụng lòng, lề đường sử dụng vào việc riêng là hành vi tùy tiện và vi phạm pháp luật, gây cản trở giao thông và tạo ra nguy cơ tai nạn giao thông lớn. Luật sư Nguyễn Văn Hải, Văn phòng Luật sư Thái Bình cho biết: Điều 203, Bộ luật Hình sự đã nêu rõ: Việc đặt trái phép chướng ngại vật gây cản trở giao thông đường bộ; lấn chiếm, chiếm dụng vỉa hè, lòng đường; lấn chiếm hành lang bảo vệ đường bộ... là một trong những hành vi cản trở giao thông đường bộ. Nếu những hành vi này gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác thì bị phạt tiền từ 5 - 30 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 - 36 tháng. Nếu việc cản trở giao thông đường bộ tại các đèo, dốc và đoạn đường nguy hiểm; gây hậu quả rất nghiêm trọng; phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, có thể bị phạt tù từ 5 - 10 năm.

Quy định là vậy nhưng trên thực tế nhiều địa phương chưa quyết liệt xử lý, do tâm lý nể nang nên làm ngơ trước những vi phạm. Để xử lý dứt điểm tình trạng người dân lấn chiếm lòng, lề đường dựng rạp, thiết nghĩ các xã, phường, thị trấn cần chỉ đạo cán bộ chuyên trách, phối hợp với các thôn, tổ dân phố đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ. Các cơ quan chức năng cần tiếp tục xử lý nghiêm đối với những trường hợp cố tình vi phạm.

Nguyễn Tùng

  • Từ khóa