Thứ 7, 23/11/2024, 06:06[GMT+7]

Những con số "giải mã" nguồn cơn bạo động rung chuyển nước Pháp

Thứ 5, 06/12/2018 | 08:30:06
1,463 lượt xem
Các con số về thu nhập bình quân, tỷ lệ thất nghiệp, mức thuế cho người giàu và an sinh xã hội được cho là đã dẫn đến làn sóng biểu tình ở nước Pháp thời gian qua.

Thống kê đầy đủ của tòa Thị chính Paris liệt kê 112 xe hơi bị đốt, 174 bảng quảng cáo bị đập vỡ, 6 tòa nhà bị ném gạch đá. Thiệt hại vật chất khoảng từ 3 đến 4 triệu EUR.

Sau đây là những nguyên nhân dẫn tới các cuộc bạo động căng thẳng trên khắp nước Pháp thời gian qua.

Thu nhập bình quân

Cũng giống như nhiều nước phương Tây khác, khoảng cách giữa những người giàu nhất và những người nghèo nhất tại Pháp rất lớn và ngày càng nới rộng thêm.

1% những người giàu nhất tại Pháp chiếm hơn 20% tài sản của nền kinh tế. Mức thu nhập trung bình hàng tháng tại Pháp khoảng 1.700 EUR. Điều này đồng nghĩa, khoảng 50% người lao động Pháp được trả lương thấp hơn mức này.

Tỷ lệ thất nghiệp

Tốc độ tăng trưởng chậm chạp đã khiến Pháp khó giải quyết một vấn đề hóc búa hơn là tỷ lệ thất nghiệp cao. Hiện tỷ lệ này là 9,1% cao gấp đôi so với Đức. Tổng thống Macron hứa sẽ giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống còn 7% trước năm 2022. Để đạt được mục tiêu trên, kinh tế Pháp cần tăng trưởng ít nhất 1,7% trong 4 năm tiếp theo nhưng viễn cảnh này có vẻ không chắc chắn khi chính phủ vừa phải hạ dự báo tăng trưởng năm nay.

Giảm thuế cho người giàu

Trong năm đầu tại nhiệm, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã quyết định bãi bỏ thuế nhà giàu, tức là mức thuế bổ sung áp dụng với các hộ gia đình có lượng tài sản vượt quá 1,3 triệu EUR để kích thích nền kinh tế. Tuy nhiên, kế hoạch này đã khiến ngân sách Pháp thâm hụt hơn 4 tỷ EUR/năm và dẫn tới chỉ trích là thiên vị người giàu.

An sinh xã hội

Pháp là một trong những mạng lưới an sinh xã hội hào phóng nhất thế giới với chi phí dành cho phúc lợi xã hội chiếm hơn 1/3 GDP. Tuy nhiên, để được hưởng thành quả này, người lao động Pháp phải đóng một số khoản thuế cao nhất tại châu Âu, dao động từ 0 đến 45% thu nhập.

Mặc dù thuế thường được đánh nhiều nhất vào những người có thu nhập cao nhưng Pháp cũng đánh thuế giá trị gia tăng 20% đối với hầu hết hàng hóa và dịch vụ.

Cùng với thuế nhiên liệu, các chính sách đánh thuế này có xu hướng gây khó khăn cho người dân nghèo trong khi giới nhà giàu gần như không mấy quan tâm.

Theo vtv.vn