Thứ 6, 22/11/2024, 18:05[GMT+7]

Đẩy mạnh phát triển công nghiệp, nghề và làng nghề

Thứ 2, 10/12/2018 | 14:17:25
1,443 lượt xem
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, những năm qua, ngành Công Thương tập trung chỉ đạo phát triển công nghiệp nông thôn, dịch vụ thương mại. Các nhiệm vụ trọng tâm là phát triển nghề và làng nghề; phát triển sản xuất kinh doanh trên địa bàn nông thôn, các cụm công nghiệp, góp phần quan trọng tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.

Ảnh minh họa.

Để thực hiện hiệu quả các các nhiệm vụ trọng tâm trên, ngành đã hoàn thành xây dựng quy hoạch phát triển công nghiệp, quy hoạch phát triển thương mại, quy hoạch phát triển điện lực, quy hoạch phát triển chợ, quy hoạch phát triển cụm công nghiệp tỉnh Thái Bình, theo từng giai đoạn, phù hợp với tình hình thực tế.

Đến nay, nghề và làng nghề trên địa bàn tỉnh được duy trì và phát triển. Toàn tỉnh có 247 làng nghề, tăng 28 làng nghề so với năm 2008. Tổng số lao động khoảng 150.000 người. Thu nhập bình quân người lao động 2- 2,5 triệu đồng/tháng. Tỉnh đã quy hoạch 50 cụm công nghiệp với tổng diện tích 2.578,6 ha; trong đó 38 cụm công nghiệp đi vào hoạt động, tổng diện tích là 331 ha; có 294 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký là 7.482 tỷ đồng, thu hút 31.550 lao động. Nghề và làng nghề được duy trì và phát triển với 247 làng nghề. Tổng số lao động trong khu vực làng nghề khoảng 150.000 người; thu nhập bình quân  của người lao động đạt từ 2 - 2,5 triệu đồng/tháng; giá trị sản xuất nghề và làng nghề chiếm khoảng 20% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh.

Đến nay, Thái Bình có hơn 6.000 doanh nghiệp tại các khu, cụm công nghiệp thu hút 190.743 lao động, trong đó các huyện có 2.035 doanh nghiệp, thu hút 101.635 lao động tham gia. Số hộ sản xuất kinh doanh phát triển mạnh với 134.550 cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể phi nông nghiệp, thu hút 236.311 lao động, trong đó các huyện có 2.035 doanh nghiệp, thu hút 208.481 lao động. Từ năm 2008 đến nay, trên địa bàn tỉnh có tổng số 258 doanh nghiệp đăng ký thành lập có ngành nghề kinh doanh chính trong lĩnh vực nông nghiệp, tăng 163%  so với năm 2008; 92 dự án đăng ký đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 5.271 tỷ đồng.

Để chuyển dịch mạnh cơ cấu lao động nông thôn, ngành Công Thương đã phối hợp với các ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp huy động mọi nguồn lực đào tạo nghề cho người lao động. Trong 10 năm 2008 - 2017, tổng kinh phí hỗ trợ cơ sở vật chất, hỗ trợ các đơn vị đào tạo nghề và lao động nông thôn học nghề 152,8 tỷ đồng, đã dạy nghề cho 77.077 người. Sau đào tạo, số lao động học nghề phi nông nghiệp có việc làm đạt tỷ lệ 75%; số lao động nông nghiệp được đào tạo nghề có năng suất lao động cao hơn so với trước.

Sản xuất công nghiệp và kinh doanh dịch vụ thương mại trên địa bàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho trên 400.000 lao động với thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/tháng. 

Giờ đây về các vùng quê của Thái Bình nhịp sống công nghiệp hiện rõ. Công nghiệp về làng đang làm thay đổi căn bản cách nghĩ, cách làm, đời sống của người dân được nâng lên, nhiều nơi làng nhộn nhịp như phố. Việc phát triển mạnh công nghiệp tiểu thủ công nghiệp theo phương châm “ly nông không ly hương” là nhân tố quyết định góp phần quan trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, cơ cấu lao động ở nông thôn,  tăng thu nhập cho nông dân, đặc biệt là xây dựng phát triển và đổi mới bộ mặt nông thôn hiện nay.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý bổ sung Khu công nghiệp phục vụ nông nghiệp diện tích 200ha tại huyện Quỳnh Phụ vào quy hoạch phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 và phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung  xây dựng Khu kinh tế Thái Bình tạo điều kiện triển khai các nhiệm vụ tiếp theo theo quy định… chắc chắn sẽ tạo thêm điểm nhấn cho bức tranh nông thôn Thái Bình.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết  Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, thời gian tới, ngành Công Thương tiếp tục tham mưu UBND tỉnh kịp thời điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển công nghiệp, quy hoạch phát triển thương mại, quy hoạch phát triển điện lực, quy hoạch phát triển chợ, quy hoạch phát triển cụm công nghiệp tỉnh Thái Bình, phù hợp với sự phát triển kinh tế xã hội từng thời kỳ. Nghiên cứu chính sách phát triển nghề và làng nghề phù hợp Nghị định số: 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn để kịp thời có cơ chế hỗ trợ khuyến khích duy trì và phát huy hiệu quả nghề và làng nghề. Tiếp tục khuyến khích phát triển cơ sở sản xuất kinh doanh công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ ở khu vực nông thôn, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất công nghiệp và doanh nghiệp thương mại ở làng nghề, xã, phường, thị trấn.

Cùng với đó, ngành ưu tiên kinh phí khuyến công, khuyến thương hỗ trợ phát triển công nghiệp nông thôn với các hoạt động: Tư vấn lập đề án thành lập doanh nghiệp; tập huấn nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý kinh doanh cho cán bộ các doanh nghiệp, HTX, quỹ tín dụng nhân dân; đào tạo nghề; tập huấn vận hành, bảo dưỡng và sửa chữa máy cơ khí nông nghiệp cho nông dân; hỗ trợ ứng dụng máy móc dây chuyền đồng bộ trong sản xuất công nghiệp; phát triển thương mại điện tử; phát triển thị trường tiêu thụ, hội chợ, liên kết tiêu thụ sản phẩm, đưa hàng Việt về nông thôn tiêu thụ sản phẩm…

Mạnh Cường
 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày