Chủ nhật, 28/07/2024, 07:16[GMT+7]

Ngành Kiểm sát thực hiện hiệu quả công tác cải cách tư pháp

Thứ 2, 24/12/2018 | 08:44:29
2,504 lượt xem
Cải cách tư pháp là một nhiệm vụ quan trọng nhằm xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc. Năm 2018, tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp giai đoạn 2016 - 2021, viện kiểm sát nhân dân hai cấp tỉnh đã tổ chức thực hiện hiệu quả công tác cải cách tư pháp với nhiều kết quả nổi bật.

Cán bộ, kiểm sát viên Viện Kiểm sát huyện Vũ Thư trao đổi nghiệp vụ.

Đồng chí Lại Hợp Mạnh, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh cho biết: Ngay từ đầu năm, ngành Kiểm sát đã xác định công tác trọng tâm, đột phá là nâng cao chất lượng kháng nghị, kiến nghị trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp và triển khai thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao toàn diện chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh phối hợp với cơ quan điều tra thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật; kiểm sát chặt chẽ việc tiếp nhận, phân loại, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố; phân công kịp thời kiểm sát viên chủ động kiểm sát chặt chẽ từ khi tiếp nhận, thụ lý, ban hành yêu cầu kiểm tra, xác minh 100% tin báo. Chủ động phối hợp với cơ quan điều tra, MTTQ cùng cấp thực hiện kiểm sát, kiểm tra, giám sát công tác tiếp nhận tố giác, tin báo tội phạm tại 125 đơn vị công an cấp xã và tiến hành kiểm sát trực tiếp 12 cuộc tại cơ quan điều tra hai cấp. Qua kiểm sát đã ban hành 32 kiến nghị yêu cầu khắc phục các vi phạm; thụ lý kiểm sát 681 tin, tăng 52 tin (8,2%); đã giải quyết 566 tin, đạt 83,1%. Việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật.

Chủ động triển khai thực hiện các quy định mới của các đạo luật về tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị kiểm sát chặt chẽ hoạt động điều tra ngay từ giai đoạn xác minh, khởi tố vụ án và trong suốt quá trình điều tra; thường xuyên phối hợp rà soát, đánh giá toàn diện các chứng cứ, tài liệu, kịp thời đề ra các yêu cầu điều tra để nâng cao chất lượng điều tra, bảo đảm thu thập đầy đủ chứng cứ buộc tội và gỡ tội. Kiểm sát chặt chẽ việc bắt, tạm giữ, tạm giam; chủ động phối hợp phân loại trước khi tạm giữ nên tỷ lệ người bị tạm giữ hình sự chuyển khởi tố đạt 99,46%. Toàn ngành đã thụ lý kiểm sát điều tra 1.119 vụ, 1.810 bị can; cơ quan điều tra kết thúc điều tra đề nghị truy tố 853 vụ, 1.468 bị can. Viện kiểm sát nhân dân hai cấp đã truy tố 817 vụ, 1.392 bị can, đình chỉ 2 vụ và 3 bị can, tỷ lệ giải quyết án đạt 95,9%; chủ trì phối hợp xác định 70 vụ án trọng điểm để tập trung giải quyết phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương. Tiến độ giải quyết án được đẩy nhanh, chất lượng hồ sơ bảo đảm, tỷ lệ án trả hồ sơ để điều tra bổ sung được hạn chế ở mức 1,07%.

Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đã phối hợp với Tòa án nhân dân tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả quy chế phối hợp liên ngành trong việc tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm và phiên tòa xét xử lưu động; đã tổ chức 171 phiên tòa rút kinh nghiệm, 34 phiên tòa lưu động để rèn luyện kỹ năng thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử của kiểm sát viên và tuyên truyền pháp luật. Toàn ngành thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm 819 vụ, 1.437 bị cáo, giảm 84 vụ và 63 bị cáo; kiểm sát xét xử phúc thẩm 72 vụ, 86 bị cáo, giảm 23 vụ và 93 bị cáo. Tại các phiên tòa, kiểm sát viên đã nắm chắc hồ sơ, chủ động tham gia xét hỏi, đối đáp tranh luận dân chủ, khách quan với luật sư, người tham gia tố tụng; đường lối truy tố, xử lý vụ án của viện kiểm sát bảo đảm có căn cứ, đúng pháp luật, giúp hội đồng xét xử ra bản án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Viện kiểm sát nhân dân hai cấp đã phối hợp kiểm sát chặt chẽ 100% các bản án, quyết định của tòa án; qua kiểm sát đã ban hành kháng nghị phúc thẩm đối với 3 vụ án, 5 bị cáo.

Viện kiểm sát nhân dân hai cấp tích cực thực hiện các giải pháp trong từng khâu công tác nhằm nâng cao toàn diện chất lượng công tác kiểm sát hoạt động tư pháp. Công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự tập trung thực hiện có hiệu quả kiểm sát việc bắt, tạm giữ, tạm giam hàng ngày, kiểm sát định kỳ, đột xuất nơi giam giữ. Tiến hành trực tiếp kiểm sát 36 cuộc, trong đó có 8 cuộc kiểm sát đột xuất nhà tạm giữ; kiểm sát 100% hồ sơ, thủ tục và việc thực hiện chế độ đối với 943 người bị tạm giữ và 1.452 người bị tạm giam bảo đảm đúng pháp luật (đạt 100%); không để xảy ra việc quá hạn giam, giữ. Kiểm sát 68 hồ sơ xét giảm thời hạn tù, đề nghị và được hội đồng giảm án, tha tù trước thời hạn tỉnh không xét giảm đối với 2 phạm nhân do không đủ điều kiện; tham gia phiên họp xét rút ngắn thời gian thử thách của án treo đối với 77 bị án và xét giảm thời hạn chấp hành án cải tạo không giam giữ đối với 12 bị án. Chủ động nắm chắc số bị án để đôn đốc thi hành; trực tiếp xác minh, kiểm sát chặt chẽ việc tạm đình chỉ, hoãn chấp hành án phạt tù, góp phần hạn chế số bị án phạt tù chưa thi hành. Chủ động nắm chắc, theo dõi chặt chẽ tất cả các trường hợp chưa thi hành án dân sự; tiến hành trực tiếp xác minh việc phân loại điều kiện thi hành án đối với 234 việc, kịp thời kiến nghị yêu cầu khắc phục đối với 13 việc phân loại chưa chính xác; kiểm sát 787 việc định giá, giao tài sản, kê biên tài sản. Tích cực phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự rà soát, tham mưu đề xuất các biện pháp và có kế hoạch giải quyết dứt điểm một số việc thi hành án phức tạp, kéo dài.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác cải cách tư pháp trong ngành Kiểm sát hiện nay cũng có những mặt còn hạn chế. Đó là cơ sở vật chất bảo đảm cho thực hiện chức năng, nhiệm vụ chưa đáp ứng yêu cầu; vướng mắc về một số văn bản pháp luật trong quá trình triển khai. Bên cạnh đó, năng lực, trình độ, tinh thần trách nhiệm của một số kiểm sát viên, kiểm tra viên, công chức có những mặt còn hạn chế... 

Để đẩy mạnh cải cách tư pháp, thời gian tới, ngành Kiểm sát tiếp tục thực hiện nghiêm các đạo luật mới về tư pháp vừa được Quốc hội thông qua. Chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm về cải cách tư pháp trong ngành giai đoạn 2011 - 2020. Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên, công chức. Chú trọng việc thực hiện đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự, nhất là công tác thực hành quyền công tố kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Chú trọng nâng cao chất lượng công tác kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại... Kiên quyết ban hành các kiến nghị, kháng nghị khi phát hiện vi phạm của các cơ quan tư pháp.

Nguyễn Tùng

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày