Thứ 2, 20/05/2024, 13:34[GMT+7]

Vũ Thư: Nhiều địa phương chậm tiến độ cày ải

Thứ 2, 24/12/2018 | 08:46:34
1,414 lượt xem
Giải phóng độc tố tích tụ trong đất và hạn chế nguồn sâu bệnh trên đồng ruộng là những lợi ích thiết thực do cày ải phơi đất mang lại. Tuy nhiên, sau thu hoạch lúa mùa gần 3 tháng, tiến độ cày ải vụ đông xuân năm 2018 - 2019 trên địa bàn huyện Vũ Thư vẫn khá “ỳ ạch”.

Nông dân xã Song An (Vũ Thư) cày lật đất.

Trong nắng hanh, các cánh đồng của xã Vũ Tiến trải rộng một màu nâu bạc của đất. Các thửa ruộng đã được cày sớm, hầu hết đã được vạc bờ cuốc góc gọn gàng, cỏ dại, gốc rạ được bà con thu gom, vệ sinh sạch sẽ. 

Ông Trần Văn Thành, Giám đốc HTXNN xã Vũ Tiến cho biết: Xã có hơn 20 máy cày các loại. Từ 2 tháng trước, HTXNN đã phối hợp với các thôn đôn đốc chủ máy cày đưa máy xuống đồng. Năm nay, thời tiết mưa nhiều cũng gây khó khăn cho việc cày lật đất, tuy nhiên, tích cực huy động, đến nay, xã đã cày lật đất được 90% trong tổng số 300ha đất sản xuất. Những diện tích còn lại ở chân ruộng trũng, lại gặp đợt mưa vừa qua nên ruộng bết dính, rất khó làm đất. Tuy nhiên, HTXNN cũng đang vận động các chủ máy hoàn thành việc cày lật đất. Cày lật đất sớm để phơi ải sẽ giúp đất được “thở”, thải loại các độc tố trong đất và diệt cỏ dại, diệt trừ nguồn lây truyền sâu bệnh từ vụ trước sang vụ sau. Ý thức được điều này, địa phương không chần chừ, chủ quan mà đẩy nhanh tiến độ làm đất từ sớm.

Tuy nhiên, Vũ Tiến chỉ là một trong số ít các địa phương của huyện Vũ Thư có tiến độ cày lật đất nhanh, còn lại rất nhiều xã vẫn “đủng đỉnh”, chưa tập trung chỉ đạo khâu cày lật đất. 

Ông Phạm Khắc Bỉnh, Giám đốc HTXNN xã Hiệp Hòa chia sẻ: Trước kia, ít máy móc, hầu hết các hộ sử dụng sức kéo trâu bò, thậm chí cuốc tay, thế nhưng hộ nào cũng mau mải tập trung, tranh thủ tiến hành cày, cuốc lật đất ngay sau khi thu hoạch lúa mùa, mục đích để ruộng nhà mình được phơi ải theo đúng phương châm “một nắm đất nỏ bằng một giỏ phân”. Vì vậy, trước kia không có máy móc nhưng đất được cày cuốc sớm, phơi ải “thấu”, đồng ruộng ít sâu bệnh. Hiện nay, cả xã Hiệp Hòa có hàng chục máy cày lớn nhỏ các loại, tuy nhiên vì có máy móc nên người dân có tâm lý “ỷ lại” vào chủ máy, các chủ máy thì dù chính quyền, HTXNN có đôn đốc, vận động, họ vẫn đủng đỉnh, khi nào thích thì mới đưa máy xuống đồng. Hơn nữa, các chủ máy tính e ngại cày lật đất sớm, nếu gặp phải thời tiết mưa quá nhiều, đất cày rồi lại bị dính bết trở lại, họ sẽ phải mất công, chi phí để cày lật đất lượt 2 cho bà con. Thậm chí, một số chủ máy thường lợi dụng địa phương, nông dân không đôn đốc, đợi đến khi đổ nước sản xuất vụ xuân, mới đưa máy xuống ruộng để kết hợp cày và bừa một lúc, chủ máy sẽ giảm chi phí nhưng ruộng bị bỏ qua giai đoạn cày ải, phơi đất. HTXNN cũng tích cực đôn đốc nhưng đến gần hết tháng 12, xã mới cày lật đất được gần 50% diện tích trong số 360,85ha đất. Đây không chỉ là một khó khăn trước mắt mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây dịch bệnh trên đồng ruộng ở sản xuất vụ xuân 2019.

Ông Đỗ Văn Đồng, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vũ Thư cho biết: Vụ mùa năm 2018, bệnh lùn sọc đen phát triển rất phức tạp. Trong điều kiện này thì việc cày ải, phơi đất càng có vai trò quan trọng, là biện pháp chính góp phần tiêu diệt, hạn chế việc lây lan nguồn sâu bệnh, nhất là tàn dư của bệnh lùn sọc đen, rầy lưng trắng trên đồng ruộng từ vụ mùa năm 2018 sang vụ xuân năm 2019. Xác định rõ điều đó, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo, quán triệt các địa phương khẩn trương đẩy nhanh tiến độ làm đất, cày ải. Tính đến nay, Phòng đã tham mưu cho UBND huyện ban hành 3 lượt văn bản chỉ đạo, đôn đốc các địa phương tiến hành làm đất. Không kể máy cày tay và sức kéo trâu bò, hiện toàn huyện hiện có gần 170 chiếc máy cày công suất lớn, trung bình mỗi xã có từ 5 - 7 máy cày lớn, các thửa ruộng hiện nay đều khá to rộng, thuận lợi cho việc cày lật đất. Tuy nhiên, sau gần 3 tháng thu hoạch lúa mùa, đến ngày 20/12, toàn huyện mới chỉ cày lật đất được 2.700ha, tương đương với 40% diện tích sản xuất. Nguyên nhân chủ yếu là do cấp ủy, chính quyền các địa phương chưa vào cuộc chỉ đạo quyết liệt công tác cày ải, phơi đất. Ngoài một vài HTXNN như Song Lãng, Vũ Hợp có máy làm đất, còn lại các máy làm đất do các hộ gia đình, nhóm, cá nhân tự đầu tư máy để làm thuê, các HTXNN chỉ có thể tuyên truyền, vận động, chứ không thể chỉ đạo, cưỡng chế các chủ máy xuống đồng để cày lật đất sớm. Khó nhất là nhiều nông dân hiện có tâm lý chủ quan, lơ là với đồng ruộng, bỏ mặc ruộng cho các chủ máy, chỉ cần đến mùa có ruộng gieo cấy lúa là được mà không cần quan tâm đến cày lật đất sớm hay muộn. 

Trước thực trạng này, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện sẽ tham mưu cho UBND huyện tiếp tục chỉ đạo quyết liệt hơn để đẩy nhanh tiến độ làm đất ở các địa phương. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nông dân để bà con cùng vào cuộc, đôn đốc, nhắc nhở các chủ máy tranh thủ thời gian để cày lật đất, phơi ải. Đây là một trong các yếu tố chính góp phần giải phóng độc tố tích tụ trong đất và diệt trừ nguồn sâu bệnh lưu trú trên gốc rạ, cỏ dại, tránh lây truyền nguồn bệnh sang vụ xuân năm 2019.

Quỳnh Lưu

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày