Thứ 6, 17/05/2024, 18:14[GMT+7]

Hội Làm vườn huyện Đông Hưng: Đồng hành cùng hội viên phát triển kinh tế VAC

Thứ 6, 11/01/2019 | 08:33:55
1,003 lượt xem
Thời gian qua, Hội Làm vườn huyện Đông Hưng tích cực cung cấp thông tin, giới thiệu, hướng dẫn hội viên đưa cây trồng, vật nuôi mới có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, từng bước giúp hội viên nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, góp phần xây dựng nông thôn mới tại các địa phương.

Chăm sóc đào tết tại xã Hồng Việt (Đông Hưng).

Theo ông Đỗ Tiến Lâm, Chủ tịch Hội Làm vườn huyện: Để tạo điều kiện cho hội viên phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo bền vững, thời gian qua, Hội tập trung đẩy mạnh phong trào thi đua làm kinh tế vườn, ao, chuồng (VAC) rộng khắp ở các chi hội. Từ năm 2013 đến năm 2018, các cấp hội đã phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức 440 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 22.000 lượt hội viên. Hội Làm vườn huyện phối hợp tổ chức chương trình “Nhịp cầu nhà nông”, 650 đại biểu tham gia chương trình đã được tiếp cận với khoa học kỹ thuật tiên tiến, được giao lưu trực tiếp với 5 chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành. Tổ chức cho chủ tịch hội làm vườn các xã tham quan học tập kinh nghiệm một số mô hình làm ăn hiệu quả trong và ngoài tỉnh.
Xã An Châu nhiều năm nay luôn trong tốp dẫn đầu huyện về sản xuất nông nghiệp. Toàn xã có trên 110 hội viên xây dựng thành công mô hình kinh tế VAC, trong đó có 10 trang trại lớn, thu nhập vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng mỗi năm. Ông Nguyễn Bỉnh Ngoạn, Chủ tịch Hội Làm vườn xã cho biết: Muốn phát triển kinh tế, thông tin vô cùng quan trọng, vì thế, thời gian qua, Hội Làm vườn xã đã giúp hội viên cập nhật thông tin bằng nhiều hình thức: tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng, trừ sâu bệnh cho cây trồng, vật nuôi; tổ chức cho hội viên đi tham quan các mô hình làm ăn hiệu quả; dự báo về giá cả thị trường, hướng hội viên lựa chọn cây, con để nuôi trồng. Có thông tin, hội viên áp dụng vào nuôi gà đẻ, lợn thương phẩm, trồng rau an toàn, chuyển từ chăn nuôi thủ công sang nuôi công nghiệp, tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi. Vì thế, đời sống của hội viên ngày càng được nâng cao, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã từ 6% (2017) xuống 3,2% (2018).

Với sự hỗ trợ tích cực của các cấp hội, hội viên hội làm vườn đã tích cực cải tạo vườn tạp, đưa cây trồng có giá trị cao, thị trường ưa chuộng vào sản xuất như mít Thái Lan, bưởi Diễn, chuối Tiêu Hồng, thanh long ruột đỏ, cam canh, cây dược liệu...; hình thành các vùng chuyên canh ươm cây giống, trồng hoa, đào, quất như Hồng Việt, Minh Tân, vùng chuyên rau màu như An Châu, Đông Xá, Lô Giang... Các tiến bộ khoa học kỹ thuật, những kinh nghiệm hay đúc rút từ thực tiễn cũng đã được các hội viên học tập, ứng dụng vào vườn, ao, chuồng của gia đình như: kỹ thuật ghép mắt, kỹ thuật chăm sóc cho cây ra sai hoa, đậu quả trái vụ, chất lượng ngon, nghệ thuật cắt tỉa, tạo hình cây cảnh... Hàng năm, các cấp hội cũng tổ chức cho hội viên tham gia tết trồng cây đầu xuân được hàng vạn cây phân tán, cây lấy gỗ, cây bóng mát... tạo cảnh quan, cải thiện môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, Hội Làm vườn huyện tiếp nhận và triển khai hiệu quả dự án trồng thâm canh chuối tiêu hồng tại một số xã, xây dựng 4 vườn cây tình nghĩa.

Chăn nuôi là thế mạnh của nông nghiệp Đông Hưng với tổng đàn trâu trên 3.700 con, 151.000 con lợn, gần 2 triệu con gia cầm. Chăn nuôi của huyện đang phát triển theo hướng giảm chăn nuôi nhỏ lẻ, tăng chăn nuôi gia trại, trang trại. Đa số các chủ trang trại, gia trại năng động, nhạy bén tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh. Quy trình chăn nuôi an toàn sinh học theo tiêu chuẩn VietGAP và chăn nuôi hữu cơ đang được các hộ quan tâm ứng dụng. Bên cạnh đó, phần lớn diện tích nuôi trồng thủy sản cũng được chuyển từ nuôi quảng canh sang bán thâm canh và thâm canh, ngoài những giống cá truyền thống các hộ đã đưa các giống con có năng suất cao vào nuôi như: cá rô phi đơn tính, trắm đen 3 máu, ếch Thái Lan, ba ba gai...
Từ phong trào phát triển kinh tế VAC đã xuất hiện nhiều điển hình làm kinh tế giỏi. Điển hình như ông Đặng Văn Đông (xã Hồng Châu) đã mạnh dạn thuê thêm đất, mở rộng gia trại của gia đình thành trang trại rộng 13.000m2 nuôi lợn, gà, vịt, cá, trồng bưởi diễn, mít Thái Lan. Ông Đông cho biết: Để tận dụng diện tích mặt nước, tận dụng phân gia súc, gia cầm làm thức ăn cho cá, góp phần bảo vệ môi trường, tôi xây chuồng nổi trên mặt ao nuôi 50 con lợn thịt, vài trăm con gà, vịt. Tích hợp nuôi cá với dịch vụ câu cá ngay tại trang trại của gia đình. Doanh thu của trang trại từ 700 - 800 triệu đồng/năm. Ông Đông còn giúp 7 hộ kinh nghiệm làm ăn, con giống và vốn chuyển từ mô hình phát triển kinh tế nhỏ lên vừa, có thu nhập khá.

Thời gian tới, Hội Làm vườn huyện Đông Hưng tiếp tục đẩy mạnh phong trào phát triển kinh tế VAC, phấn đấu 100% diện tích vườn, ao, chuồng của hội viên được cải tạo, đầu tư thâm canh đạt hiệu quả. Mỗi cơ sở hội hàng năm tổ chức ít nhất 3 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên, thành lập mới ít nhất 3 câu lạc bộ chuyên ngành, tổ hợp tác liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Thu Hiền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày