Thứ 3, 23/07/2024, 01:19[GMT+7]

Nông nghiệp Thái Bình vượt khó giành thắng lợi

Thứ 7, 02/02/2019 | 10:16:21
711 lượt xem
Năm 2018, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng nhờ triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, ngành Nông nghiệp Thái Bình đã giành thắng lợi trên nhiều lĩnh vực. Phóng viên Báo Thái Bình có cuộc trao đổi với đồng chí Phạm Văn Dụng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về vấn đề này.

Nông dân xã Nam Thịnh (Tiền Hải) thu hoạch ngao. Ảnh: Phạm Hưng

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết những kết quả nổi bật trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh năm vừa qua?


Đồng chí Phạm Văn Dụng: Vượt lên những khó khăn do thời tiết, giá cả thị trường biến động, năm 2018, ngành Nông nghiệp đạt được những kết quả đáng khích lệ ở tất cả các lĩnh vực. Giá trị sản xuất toàn khu vực ước đạt 26.994 tỷ đồng, tăng 3,99% so với năm 2017 - vượt kế hoạch năm đề ra (kế hoạch tăng 2,7%). Cụ thể, sản xuất lúa năm 2018 được mùa, được giá, năng suất đạt 130,76 tạ/ha/năm, tăng 9,96% so với năm 2017, cơ cấu giống lúa, phương thức gieo cấy tiếp tục chuyển dịch tích cực. Sản xuất vụ đông có sự chuyển đổi mạnh mẽ sang sản xuất hàng hóa, mở rộng diện tích cây trồng có giá trị kinh tế cao, có hợp đồng bao tiêu, diện tích cây màu vụ đông đạt 36.351ha, tăng 699ha so với cùng kỳ năm trước. Giá trị sản xuất ngành trồng trọt ước đạt 11.611 tỷ đồng, tăng 3,64% so với cùng kỳ năm 2017. Chăn nuôi tiếp tục phát triển theo hướng giảm chăn nuôi nhỏ lẻ, tăng số gia trại, trang trại; công tác thú y được chú trọng, không để xảy ra dịch bệnh nguy hiểm, đặc biệt kiểm soát nguy cơ của bệnh dịch tả lợn châu Phi. Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi ước đạt 9.669 tỷ đồng, tăng 3,22% so với năm 2017. Sản xuất thủy sản đạt kết quả khá, trong đó nuôi cá lồng, tôm thẻ chân trắng công nghệ cao được mở rộng, chủ động trong sản xuất giống ngao, giống cá nước lợ. Giá trị sản xuất ngành thủy sản ước đạt 4.687 tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2017. Xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm chỉ đạo, chương trình nước sạch nông thôn đạt nhiều kết quả tích cực, đến nay 100% hộ dân nông thôn được cung cấp nước sạch bảo đảm tiêu chuẩn.


Phóng viên: Với chỉ số tăng trưởng toàn khu vực đạt 3,99%, ở cả 3 lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản đều có mức tăng trưởng dương, đồng chí có đánh giá như thế nào về kết quả này?


Đồng chí Phạm Văn Dụng: Đạt được kết quả trên phải kể đến sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự tham gia tích cực của người dân. Ngành Nông nghiệp cũng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị trong ngành, hướng dẫn các địa phương tổ chức lại sản xuất, phát triển nông nghiệp theo chiều sâu; chú trọng phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, có thị trường tiêu thụ hoặc liên kết sản xuất theo chuỗi. Nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật được ứng dụng vào sản xuất, bước đầu hình thành nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa, bền vững, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn. Toàn ngành đã làm tốt công tác dự tính, dự báo tình hình thời tiết; phối hợp chặt chẽ với các địa phương chỉ đạo sản xuất, phòng, trừ sâu bệnh nên mang lại hiệu quả cao trong sản xuất. Chương trình cánh đồng lớn tiếp tục phát triển với 128 xã triển khai, diện tích trên 15.000ha, tăng 3.017ha so với năm 2017, trong đó diện tích có hợp đồng bao tiêu sản phẩm đạt 9.092ha. Tích tụ ruộng đất tăng 29,8% so với năm 2017 với diện tích 14.440ha, tạo thuận lợi cho phát triển cơ giới hóa và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.


Phóng viên: Xin đồng chí cho biết mục tiêu của ngành Nông nghiệp trong năm 2019?


Đồng chí Phạm Văn Dụng: Ngành Nông nghiệp Thái Bình đặt mục tiêu năm 2019 giá trị sản xuất nông, lâm và thủy sản tăng 2,5% so với năm 2018; phấn đấu có từ 2 huyện trở lên và 100% số xã (264 xã) được công nhận đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới.
Phóng viên: Để đạt được mục tiêu trên, ngành Nông nghiệp có những giải pháp gì, thưa đồng chí?


Đồng chí Phạm Văn Dụng: Năm 2019, ngành Nông nghiệp tập trung chỉ đạo sản xuất theo các đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt; trước mắt, thực hiện có hiệu quả cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất đã ban hành, bảo đảm thắng lợi vụ đông, vụ xuân 2019. Đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích người dân tích cực thực hiện tập trung, tích tụ ruộng đất, tạo điều kiện phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao. Tiếp tục chuyển một số diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác có lợi thế hơn hoặc nuôi trồng thủy sản; phát triển mạnh sản xuất rau theo hướng hữu cơ, công nghệ cao; thực hiện các giải pháp, áp dụng các quy trình kỹ thuật tiên tiến, ứng dụng cơ giới hóa và phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch; tạo lập các mô hình sản xuất mới theo chuỗi khép kín gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, từng bước hình thành thương hiệu cho nông sản Thái Bình. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp tái đàn gia súc, gia cầm và tái cơ cấu giống vật nuôi; chuyển chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi tập trung quy mô công nghiệp; khuyến khích phát triển chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi VietGAHP; thúc đẩy liên kết, hợp tác chăn nuôi theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm; xây dựng vùng an toàn dịch bệnh để hướng tới xuất khẩu. Phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng tăng trưởng cao, bền vững; đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng vùng nuôi thủy sản tập trung. Duy trì và mở rộng diện tích nuôi tôm công nghệ cao; phát triển nuôi cá lồng theo quy hoạch; tuyên truyền, hướng dẫn người nuôi áp dụng quy trình nuôi trồng thủy sản tốt (VietGAP) vào sản xuất, đa dạng hóa các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao. Đẩy mạnh khai thác xa bờ gắn với bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản.


Đối với xây dựng nông thôn mới, với phương châm lấy người dân làm chủ thể, chú trọng đổi mới phương thức sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Thực hiện lồng ghép các nguồn lực hỗ trợ của nhà nước kết hợp với việc huy động nguồn lực xã hội hóa đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn. Rà soát, hoàn thiện đồng bộ các tiêu chí phù hợp với khả năng, nguồn lực của địa phương. Thực hiện tốt chủ trương hỗ trợ xi măng, hỗ trợ bằng tiền cho các xã, huyện đăng ký về đích theo quy định.


Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Lưu Ngần

(Thực hiện)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày