Thứ 2, 16/09/2024, 16:12[GMT+7]

Trắc trở tiến trình hòa bình ở Colobia

Thứ 7, 03/08/2024 | 11:16:17
1,213 lượt xem
Chính phủ Colombia vừa quyết định chấm dứt lệnh ngừng bắn với hầu hết các đơn vị thuộc nhóm vũ trang Estado Mayor Central (EMC), do nhóm này có các hành động khủng bố nhằm vào binh sĩ và dân thường. Dù thỏa thuận lịch sử hồi năm 2016 giữa Chính phủ và Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC) đã khích lệ các nhóm vũ trang khác ngồi vào bàn đàm phán, tiến trình thiết lập hòa bình bền vững ở quốc gia Nam Mỹ vẫn còn nhiều gian nan.

Cuộc họp báo công bố về vòng đàm phán hoà bình giữa chính phủ Colombia và nhóm ELN, tại Caracas (Venezuela) ngày 21/1/2023. (Ảnh Reuters)

Trong thông điệp trên mạng xã hội X, Bộ Quốc phòng Colombia thông báo chính phủ nước này quyết định chấm dứt lệnh ngừng bắn với hầu hết các đơn vị thuộc nhóm vũ trang EMC, ngoại trừ ba nhóm phiến quân là Gentil Duarte, Jorge Suarez Briceno và Raul Reyes. Bộ Quốc phòng chỉ thị các đơn vị quân đội nhanh chóng triển khai hoạt động tấn công EMC. Chính phủ chấm dứt lệnh ngừng bắn với EMC do một số nhóm phiến quân thuộc lực lượng này đã vi phạm lệnh ngừng bắn trong những tháng gần đây, với các hành động khủng bố nhằm vào binh sĩ và dân thường. Là nhóm vũ trang tách ra từ FARC, EMC hiện có khoảng 3.500 thành viên, hoạt động tại 23 trên tổng số 32 tỉnh của Colombia. 

Các cuộc đàm phán hòa bình với nhóm EMC rơi vào bế tắc, song không thể phủ nhận rằng chính phủ của Tổng thống Colombia Gustavo Petro đã đạt nhiều kết quả tích cực trên hành trình tìm kiếm hòa bình cho quốc gia Nam Mỹ, với nỗ lực thúc đẩy đối thoại với các nhóm vũ trang và triển khai chính sách phát triển kinh tế, đẩy lùi bạo lực. 

Mới đây, Chính phủ Colombia và nhóm vũ trang Segunda Marquetalia, nhóm tách ra từ FARC, đã đạt được thỏa thuận về các biện pháp nhằm giảm leo thang xung đột. Hai bên nhất trí thành lập một tiểu ban kỹ thuật chịu trách nhiệm thiết lập các khu vực nhóm Segunda Marquetalia hiện diện và triển khai loạt biện pháp để sớm bồi thường cho các nạn nhân của xung đột. 

Hồi tháng 5/2024, Chính phủ Colombia và nhóm vũ trang Quân đội giải phóng quốc gia (ELN) cũng đã ký thỏa thuận về sự tham gia của xã hội trong đàm phán hòa bình. 

Thỏa thuận này được các bên nhận định là “bước tiến lịch sử và chưa có tiền lệ” trong quá trình đối thoại giữa chính phủ với nhóm ELN. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc gần đây cũng đánh giá cao sự quan tâm của giới chức Colombia đối với việc cải cách nông thôn, ghi nhận các bước tiến của chính phủ về phân bổ đất đai cho nông dân và cộng đồng thổ dân, cũng như triển khai chương trình tái hòa nhập toàn diện đối với các cựu thành viên FARC.

Tuy nhiên, dù một số nhóm vũ trang đã nhất trí về thỏa thuận ngừng bắn với chính phủ thì rất khó để bảo đảm các bên nghiêm túc tuân thủ thỏa thuận. Việc Chính phủ Colombia phải đình chỉ lệnh ngừng bắn với hầu hết các đơn vị thuộc nhóm vũ trang EMC với cáo buộc các đơn vị này vi phạm lệnh ngừng bắn là một thí dụ. 

Tiến trình hòa bình do Tổng thống Gustavo Petro khởi xướng cũng đối mặt khó khăn khi các nhóm vũ trang lợi dụng lệnh ngừng bắn để mở rộng ảnh hưởng, chiếm thêm địa bàn, tuyển mộ thành viên mới... 

Reuters cho biết, cuộc giao tranh giữa ba nhóm vũ trang ở khu vực tây nam Colombia đã làm ảnh hưởng đến khoảng 5.000 người dân. Nhiều người trong số họ thiệt mạng, phải chạy trốn hoặc bị giam giữ. Theo Văn phòng Ðiều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA), tỷ lệ các cuộc tấn công nhằm vào nhân viên nhân đạo tại Colombia từ tháng 1 đến tháng 4/2023 đã tăng 133% so với cùng kỳ năm trước đó. Gần đây, các băng đảng từ Mexico và Venezuela tràn vào Colombia, làm trầm trọng thêm tình trạng bạo lực. Cùng với xung đột kéo dài, Colombia là địa bàn hoạt động của nhiều tổ chức tội phạm ma túy lớn.

Tiến trình hòa bình ở Colombia đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi bạo lực. Tuy nhiên, dư luận vẫn bày tỏ hoan nghênh và tin tưởng vào nỗ lực thúc đẩy đối thoại của chính phủ nước này. 

Đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký Liên hợp quốc kiêm Trưởng Phái bộ giám sát thực thi thỏa thuận hòa bình tại Colombia Carlos Ruiz Massieu nhận định, thách thức vẫn ở phía trước, nhưng những nỗ lực của giới chức Colombia trong xây dựng hòa bình là “rất đa dạng” và mang lại nhiều kết quả hứa hẹn.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày