Thứ 6, 03/01/2025, 03:07[GMT+7]

Giải pháp mới để châu Phi tiến bước

Thứ 3, 27/08/2024 | 10:46:56
1,386 lượt xem
Với chủ đề “Đồng sáng tạo giải pháp mới: Cùng châu Phi tiến bước”, Hội nghị quốc tế Tokyo về phát triển châu Phi cấp Bộ trưởng (Hội nghị Bộ trưởng TICAD) vừa diễn ra tại thủ đô của Nhật Bản, tập trung thảo luận về hợp tác giữa hai bên vì thịnh vượng, hòa bình và ổn định của châu Phi. Hội nghị nhấn mạnh, hợp tác quốc tế và hợp tác châu Phi-Nhật Bản là nhân tố quan trọng, giúp châu Phi giải quyết những thách thức đang phải đối mặt.

Các đại biểu dự Hội nghị quốc tế Tokyo về phát triển châu Phi cấp Bộ trưởng chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: myanmaritv

Hội nghị Bộ trưởng TICAD diễn ra trong bối cảnh cạnh tranh địa chiến lược ngày càng rõ nét và mối quan hệ hợp tác giữa Nhật Bản và các nước châu Phi ngày càng phát triển sâu rộng. Châu Phi trở thành đối tác quan trọng đối với Tokyo.

Dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Yoko Kamikawa, hội nghị đã thu hút sự tham dự của bộ trưởng 47 quốc gia châu Phi cùng đại diện của các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp tư nhân và các tổ chức xã hội. Đây là hội nghị quan trọng nhằm chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh quốc tế Tokyo về phát triển châu Phi lần thứ 9 (TICAD-9) dự kiến được tổ chức tại thành phố Yokohama vào tháng 8/2025.

Khuôn khổ TICAD được tổ chức cấp thượng đỉnh lần đầu vào năm 1993 theo sáng kiến của Chính phủ Nhật Bản với mục tiêu hỗ trợ sự phát triển bền vững, ổn định và thịnh vượng của khu vực châu Phi. Giới nghiên cứu nhận định, TICAD là minh chứng tiêu biểu cho chính sách ngoại giao châu Phi của Nhật Bản kể từ năm 1993.

Trải qua tám kỳ hội nghị, sự gắn kết, vai trò và tầm ảnh hưởng của Nhật Bản với châu Phi ngày càng được củng cố, gia tăng và mở rộng. Tại TICAD-6 tổ chức tại Nairobi, Kenya tháng 8/2016 (lần đầu được tổ chức bên ngoài Nhật Bản), Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo tuyên bố, Nhật Bản “có trách nhiệm thúc đẩy sự hợp lưu của Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, châu Á và châu Phi trở thành nơi coi trọng tự do, pháp quyền và nền kinh tế thị trường, không bị cưỡng bức và giúp châu Phi trở nên thịnh vượng”.

Khuôn khổ TICAD được tổ chức cấp thượng đỉnh lần đầu vào năm 1993 theo sáng kiến của Chính phủ Nhật Bản với mục tiêu hỗ trợ sự phát triển bền vững, ổn định và thịnh vượng của khu vực châu Phi. Giới nghiên cứu nhận định, TICAD là minh chứng tiêu biểu cho chính sách ngoại giao châu Phi của Nhật Bản kể từ năm 1993.

Đến TICAD-8 tại Tunisia vào tháng 8/2022, Thủ tướng Kishida Fumio cho biết, Nhật Bản cam kết viện trợ 30 tỷ USD cho châu Phi trong giai đoạn 2022-2025, tập trung đầu tư đào tạo nguồn nhân lực và thúc đẩy tăng trưởng có chất lượng. Cam kết của Thủ tướng Kishida cho thấy quyết tâm duy trì, mở rộng hơn tầm ảnh hưởng của Nhật Bản tại khu vực châu Phi.

Sự đóng góp của Nhật Bản trong sự phát triển chung của châu Phi được đánh giá cao, góp phần quan trọng giúp Lục địa Đen giải quyết các vấn đề phải đối mặt, như thiếu nguồn vốn phát triển, hạn chế về cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, giáo dục, y tế, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trao quyền cho phụ nữ…

Thông qua cơ chế TICAD, Nhật Bản đã có hơn 30 năm đồng hành cùng các quốc gia châu Phi trong việc hỗ trợ khu vực này tự lực vươn lên, cũng như đóng vai trò kết nối giữa châu Phi với cộng đồng quốc tế. Trên cơ sở những kết quả hợp tác tích cực được tích lũy, các cuộc thảo luận tại hội nghị lần này hướng tới một hình ảnh mới cho tương lai châu Phi phát triển năng động hơn với tư cách là một trung tâm tăng trưởng toàn cầu và sẽ được phản ánh đầy đủ tại TICAD-9 vào năm tới.

Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng kết nối chủ đề này với Hội nghị thượng đỉnh Tương lai của Liên hợp quốc và Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vào năm tới, khi Nam Phi đảm nhiệm vai trò chủ tịch. Nhật Bản muốn hỗ trợ các nước châu Phi tìm kiếm các giải pháp mới để giải quyết những thách thức mà Lục địa Đen đang phải đối mặt. Từ định hướng ba trụ cột chính là giải quyết thách thức hướng tới tương lai, thanh niên và phụ nữ, nền tảng kết nối và tri thức, các phiên thảo luận tập trung vào ba lĩnh vực chính là xã hội-kinh tế, hòa bình và ổn định.

Hơn ba thập niên qua, TICAD đã phát triển thành diễn đàn đa phương toàn cầu dưới sự dẫn dắt của Nhật Bản, huy động và duy trì hỗ trợ quốc tế cho châu Phi. Thúc đẩy TICAD là một phần trong chính sách ngoại giao cân bằng của Nhật Bản, không chỉ hỗ trợ nhân đạo, an ninh con người, đồng hành với châu Phi trong phát triển, mà còn giúp hiện thực hóa mục tiêu mở rộng tầm ảnh hưởng của Nhật Bản tại châu lục này, trong bối cảnh nhiều cường quốc trên thế giới coi châu Phi là điểm đến đầu tư, hợp tác giàu tiềm năng.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày