Thứ 4, 22/01/2025, 11:29[GMT+7]

Châu Âu trải qua 5 mùa hè nóng nhất trong 2 thập kỷ

Thứ 4, 20/07/2022 | 10:56:30
3,714 lượt xem
Đợt nắng nóng thứ hai bao trùm các nước Tây Âu trong chưa đầy 1 tháng đang làm bùng phát các đám cháy rừng lớn và đe dọa tiếp tục phá vỡ các kỷ lục ghi nhận ở Anh và Pháp.

Người dân giải nhiệt cạnh đài phun nước Quảng trường Trafalgar trong đợt nắng nóng kỷ lục, London, Anh, ngày 19/7/2022. Ảnh: REUTERS

Chỉ trong hơn 2 thập kỷ, châu Âu đã trải qua 5 mùa hè nóng nhất kể từ năm 1500.
Các đợt nắng nóng thường xuyên và kéo dài ở châu Âu đang là vấn đề được quan tâm nhất, đặc biệt sau những trận cháy rừng tàn khốc và nhiệt độ oi bức được dự báo sẽ tiếp tục ghi nhận các mức kỷ lục ở Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Italia trong tuần này.

Ngày 18/7, Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo rằng hơn một nửa lãnh thổ của Liên minh châu Âu (EU) gồm 27 nước có nguy cơ bị hạn hán do thiếu lượng mưa và nhiệt độ như thiêu đốt.

Tình trạng nắng nóng được dự báo kéo dài càng gây khó khăn cho việc kiểm soát cháy rừng đang lan rộng tại nhiều nước, cũng như ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt.

Năm 2022: Hai đợt nắng nóng trong chưa đầy 1 tháng

Đợt nắng nóng thứ hai bao trùm các nước Tây Âu trong chưa đầy 1 tháng đang làm bùng phát các đám cháy rừng lớn và đe dọa tiếp tục phá vỡ các kỷ lục ghi nhận ở Anh và Pháp.

Trong vài ngày qua, cháy rừng ở Pháp, Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đã buộc hàng nghìn người dân và khách du lịch phải đi sơ tán, hàng trăm người già, mắc bệnh nền thậm chí đã tử vong do sốc nhiệt.

Nước Anh ghi nhận nhiệt độ cao nhất mọi thời đại là 40 độ C, thậm chí có thời điểm hơn 40 độ C. Vùng Brittany ở Pháp cũng ghi nhận mức nhiệt độ tương tự trong những ngày qua.

Các cảnh báo về thời tiết liên tục được đưa ra sau đợt nóng thiêu đốt vào cuối tháng 6. Nhiều nơi ở châu Âu, từ Tây Ban Nha đến Đức, nhiệt độ cao trái với quy luật, lên tới 40-43 độ C.

Năm 2021: Nóng nhất từ trước đến nay

Theo cơ quan giám sát biến đổi khí hậu châu Âu Copernicus, năm 2021, được ghi nhận là mùa hè nóng nhất.
Từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 8/2021, Hy Lạp đã trải qua đợt nắng nóng tồi tệ nhất trong hơn 30 năm, với nhiệt độ lên tới 45 độ C ở một số khu vực.

Tại Tây Ban Nha, có thời điểm nhiệt độ lên tới 47 độ C ở các vùng phía nam. Nắng nóng và hạn hán làm bùng phát các đám cháy rừng lớn dọc Địa Trung Hải, từ Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp đến Italia và Tây Ban Nha.
Năm 2019: Miền bắc châu Âu ngột ngạt

Theo Trung tâm Nghiên cứu về thảm họa thiên tai thuộc Đại học Louvain của Bỉ, với 2 đợt nắng nóng kỷ lục, mùa hè năm 2019 đã khiến khoảng 2.500 người tử vong.

Tại Pháp, nhiệt độ đạt mức kỷ lục 46 độ C vào ngày 28/6 ở thị trấn Verargues, miền nam nước này. Hàng nghìn trường học phải đóng cửa.

Ngày 24 và 25/7, miền bắc châu Âu như rơi vào “chảo lửa” khi nhiệt độ cao kỷ lục, với 42,6 độ C là mức nhiệt được ghi nhận tại Lingen ở tây bắc Đức; 41,8 độ C ở Begijnendijk phía bắc Bỉ và 38,7 độ C ở thành phố Cambridge, miền đông nước Anh.
2017: Nhiều tháng oi bức nhất

Phần lớn châu Âu, đặc biệt là phía nam, tình trạng nắng nóng, oi bức kéo dài từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 8.
Tây Ban Nha ghi nhận mức nhiệt cao kỷ lục 47,3C vào ngày 13/7 tại thị trấn Montoro, miền nam nước này. Hạn hán dai dẳng làm bùng phát cháy rừng ở Bồ Đào Nha.

2003: 70 nghìn người chết

Anh, Pháp, Italia, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đều trải qua những đợt nắng nóng đặc biệt trong nửa đầu tháng 8, với mức nhiệt kỷ lục 47,3 độ C tại Amareleja.

Theo 1 nghiên cứu của EU thực hiện trên 16 quốc gia, số người tử vong liên quan đến đợt nắng nóng kỷ lục trong năm 2003 tại châu Âu lên tới 70 nghìn người, trong đó Pháp và Italia có số ca tử vong cao nhất với lần lượt là 15 nghìn và 20 nghìn người.

Dù không ghi nhận các mức nhiệt cao kỷ lục, năm 2007, nắng nóng đã gây ra cháy rừng thảm khốc tại Hy Lạp.

Miền trung và nam châu Âu trải qua mùa hè khô hạn trong suốt tháng 6 và tháng 7, gây ra hàng loạt vụ cháy rừng ở Italia, Bắc Macedonia và Serbia. Tại Hungary, ít nhất 500 người chết liên quan đến nắng nóng.

Trong khi đó, năm 2018, tình trạng hạn hán đã rút cạn nước sông Danube. Sông Danube giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 100 năm ở một số khu vực.

Nửa cuối tháng 7 và đầu tháng 8/2018, nhiệt độ cao trên hầu hết các nước châu Âu và nhiều con sông đã cạn kiệt do hạn hán. Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha phải vật lộn với những đám cháy rừng có sức hủy diệt khủng khiếp.

Năm 2015, châu Âu liên tiếp đối mặt với các đợt sóng nhiệt. Tình trạng nắng nóng kéo dài suốt mùa hè năm 2015 khiến khoảng 1.700 người tử vong tại Pháp.

Tại Anh, nhiệt độ cao khiến nhiều đoạn phố nóng chảy, thậm chí nhiều chuyến tàu phải hoãn trong tháng 7. Tại sân bay Heathrow, nhiệt độ lên tới 36,7 độ C.

Theo Nhân Dân