Thứ 3, 23/07/2024, 19:18[GMT+7]

Bệnh sĩ

Chủ nhật, 03/02/2019 | 16:35:54
4,261 lượt xem
Tôi còn nhớ hồi bé thỉnh thoảng cứ nghe người lớn bảo “bệnh sĩ chết trước bệnh tim” nghe mà không hiểu và cũng không lý giải được. Nhiều khi tò mò hỏi người lớn thì chỉ nhận được câu trả lời “lớn khắc biết”. Thế rồi, cùng với thời gian càng lớn tôi càng hiểu tính nguy hiểm của bệnh sĩ.

Đã vài ba tháng nay, cả làng, cả xã tôi thậm chí lan sang cả các xã bạn đều ầm lên chuyện Tuấn bán toàn bộ khu đất gồm 8 lô mới mua được chưa đầy một năm. Để mua được 8 lô đất này, Tuấn đã phải mua lại diện tích đất của năm nhà đang cấy lúa đã lên xanh, nhưng để được việc cho mình Tuấn trả tiền bồi thường cho từng gia đình phá lúa để làm móng xây trung tâm thương mại. Bây giờ cần bán Tuấn phát giá chỉ bằng giá mua đất ban đầu, với thông báo rất gọn gàng ai có nhu cầu mua đến gặp là có thể lấy được ngay chỉ cần chồng đủ tiền gốc, tiền làm móng cho luôn. Biết là rẻ thậm chí rất rẻ, ấy vậy mà ở cả khu vực này không ai có đủ tiền mua, với tôi một doanh nghiệp nhỏ trong làng nhưng cũng được Tuấn vài ba lần gọi điện gạ bán. Nghe Tuấn tâm sự, tôi nhớ lại cái ngày sau gần 10 năm mất hút, Tuấn về làng như một anh hùng hảo hán, như rơi từ trên trời xuống. Tuấn mời tất cả các bạn cùng trang lứa đã một thời mò cua bắt ốc với nhau ở trong xã, trong huyện rồi gọi cả những bạn đang sinh sống làm việc ở huyện ngoài, tỉnh ngoài về chiêu đãi gọi là “ôn nghèo kể khổ”. Tuấn bảo, vất vả chán rồi bây giờ có tí thì phải nhớ đến các bạn. Tuấn mổ bò, giết lợn ăn luôn ba bốn ngày, bạn gần, bạn quý ăn tới năm bảy bữa, người ít cũng một vài bữa, vui với nhau thì đến ăn “rượu vào lời ra”, mọi người thi nhau “ôn nghèo kể khổ”, ấy vậy mà hết bữa này qua bữa khác, ngày này sang ngày khác mà không ai nghe được chính xác Tuấn bây giờ đang làm gì, ở đâu, hoàn cảnh gia đình thế nào và làm sao mà giàu thế? Vì vậy, khi Tuấn đi rồi, những tiếng đồn vẫn ở lại,  mỗi người một kiểu, người thì bảo nó đào được vàng, buôn thuốc phiện, người bảo nó chuyên chạy vật tư cho mấy doanh nghiệp ở khu công nghiệp, lại có người nói nó lấy được cô vợ con ông lớn ở trên thành phố. Dẫu sao thì tin đồn vẫn là tin đồn, còn Tuấn sau ít ngày mắc bệnh sĩ giờ chắc đã chết nặng hơn người mắc bệnh tim.

Nghe tôi kể chuyện ở quê mình, anh bạn nhà báo từ đầu lặng lẽ ngồi nghe giờ bỗng lên tiếng, anh bảo bệnh tim thì có người mắc nhiều người không, nhưng người mắc bệnh sĩ thì khá cao, có ông cán bộ nhân ngày sinh nhật vợ ông mua hẳn ô tô tặng em nhưng cái sĩ ở đây là ông còn chụp ảnh chiếc xe đưa lên facebook kèm theo lời chúc thật ngọt ngào xem ảnh ngắm xe, có người bảo chắc ông ấy “buôn chổi đót” nên mới có tiền mua xe tặng vợ.

Người mắc bệnh sĩ thì nhiều và triệu chứng ở mỗi người lại khác nhau, không ít người mắc bệnh mà không biết đến khi biết thì đã quá muộn. Chuyện Thái là một ví dụ, sau bảy năm sống và làm việc ở nước ngoài, khi về nước anh mang theo mấy kiện hàng, mỗi kiện ba bốn khối, riêng xe máy simson có tới gần hai chục chiếc. Về nhà chưa đầy một tháng anh cho bốc bảy chiếc xe simson lên hai chiếc xe công nông chở đi đổi lấy một chiếc xe DD của Nhật Bản mà anh gọi là “nữ hoàng đỏ”. Hàng ngày nhìn Thái chở cô bạn gái mới quen lướt xe trên đường làng nhiều người thán phục. Sinh ra ở nông thôn, bố mẹ đều là nông dân nhưng đi nước ngoài về cuộc sống của Thái khác hẳn, một thời gian dài anh luôn tiếp khách bằng rượu ngoại và thuốc lá ba số 5, khách đến nhà cũng chủ yếu là bạn đã cùng sống, làm việc với nhau ở nước ngoài, họ ăn uống nhậu nhẹt hát hò đàn đúm nhảy nhót từ sớm đến tối khuya ầm ĩ cả một góc làng. Cùng với thời gian, chiều cao núi hàng Thái mang về cũng thấp dần, chuyện ăn nhậu cùng bạn bè cũng giảm theo, hơn một năm sau thì anh bán lại xe cho người hàng xóm và xin vào làm công nhân ở khu công nghiệp. Còn người hàng xóm mua xe của Thái cũng chỉ là một nông dân, không có được cái duyên đi xuất khẩu lao động nhưng anh lại có cái duyên làm giàu, xuất phát điểm chỉ với hai bàn tay trắng và vài sào ruộng khoán, anh cần mẫn lam lũ làm ăn, đọc báo, nghe đài, xem ti vi, rồi cơm nắm, cơm gói đi đây đi đó để học cách làm giàu, có được đồng lãi anh lại dành dụm năm thì mua phương tiện phục vụ sản xuất, năm thì đấu thầu thêm ruộng để xây dựng trang trại mở rộng kinh doanh. Thời gian không phụ lòng người, chẳng mấy chốc anh đã trở thành tỷ phú, với mức thu lãi hàng năm nhiều trăm triệu đồng, vợ đẹp con khôn, nhà cao cửa rộng, tất cả đều từ hai bàn tay trắng cộng với tính chịu khó lam làm. Ngồi với vợ chồng anh trong căn nhà ấm cúng giữa mùa đông, tôi lại nhớ câu chuyện với anh cách đây vài chục năm, anh bảo cánh đi tây về giàu vậy nhưng không biết giữ thì chỉ vài ba năm là “tiếp đất”. Còn mình cứ cần mẫn làm ăn, cộng với sức khỏe thì chẳng mấy chốc, nhà của họ xe của họ sẽ trở thành của mình. Vì giàu nhanh không giữ được sẽ xuống nhanh “bệnh sĩ mà”. Còn mình cảnh nghèo với nhau như ong làm tổ, như kiến tha mồi rồi cái gì đến sẽ đến. Thời gian là cái mốc để người ta nhìn lại và suy ngẫm, riêng với tôi thời gian đã giúp tôi hiểu và lý giải được tại sao “bệnh sĩ chết trước bệnh tim”, ước gì đây sẽ là bài học không chỉ của một người.

Tú Anh