Bảo vệ môi trường làng nghề cần những giải pháp thiết thực
Những năm qua, việc phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề luôn nhận được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh xuống cơ sở. UBND tỉnh đã triển khai thực hiện việc bảo tồn, phát triển làng nghề như: hỗ trợ xây dựng thương hiệu, tổ chức các lớp dạy nghề, hỗ trợ một phần thiết bị sản xuất...
Toàn tỉnh có 247 làng nghề, 100% số xã đều có nghề, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho hàng nghìn lao động. Nhiều làng nghề thu hút trên 60% tổng số lao động địa phương vào các hoạt động sản xuất phi nông nghiệp, với mức thu nhập từ 2 - 5 triệu đồng/người/tháng. Nhưng mặt trái của sự phát triển đó là tình trạng ô nhiễm môi trường, trong đó chủ yếu là ô nhiễm môi trường không khí, nước, đất...
Hiện nay chưa có làng nghề nào được công nhận đã bảo đảm các điều kiện về bảo vệ môi trường theo quy định. Ngoài các làng nghề thủ công mỹ nghệ ít gây ô nhiễm môi trường thì một số làng nghề phát sinh lượng chất thải lớn như nước thải làng nghề dệt nhuộm xã Thái Phương, huyện Hưng Hà; làng nghề bún bánh Vũ Hội, huyện Vũ Thư; làng nghề miến xã Đông Thọ, thành phố Thái Bình; làng nghề chế biến thủy sản Thụy Hải, huyện Thái Thụy... Xã Thái Phương nổi tiếng với nghề dệt khăn. Làng nghề đã tạo việc làm ổn định cho trên 3.000 lao động, với thu nhập 4 - 5 triệu đồng/người/tháng và gần 20.000 lao động vệ tinh khắp các xã trong huyện.
Nức tiếng là “làng tỷ phú” nhờ nghề dệt truyền thống, song cùng với sự hưng thịnh của làng nghề, người dân Thái Phương cũng phải đối mặt với nạn ô nhiễm môi trường. Vào đến đầu làng, cảnh tượng đầu tiên chúng tôi bắt gặp là rác thải nằm ngổn ngang khắp các sông, mương máng. Những rãnh dẫn nước thải đen đặc kịt, bốc mùi hôi thối, không khí ngột ngạt, khó thở. Đó là hệ quả tất yếu của làng nghề, bởi toàn xã có tới 75% số hộ và gần 100% số hộ làng Phương La gắn bó với nghề dệt, trong khi đó, hầu hết nước thải từ nghề dệt nhuộm đều được xả thải trực tiếp ra môi trường. Mặc dù hệ thống xử lý nước thải tập trung làng nghề Phương La đã được đầu tư xây dựng từ năm 2015, tuy nhiên đến nay vẫn chưa đưa vào hoạt động. Vì vậy, nước thải của các cơ sở, doanh nghiệp tại làng nghề vẫn ngày đêm xả thải trực tiếp ra môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của người dân trong và ngoài xã. Xã Đông Thọ nổi tiếng với nghề làm miến dong.
Những năm gần đây, nghề này đã đem lại cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/hộ/năm. Đồng thời tạo việc làm thường xuyên cho 400 - 500 lao động địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Nhưng cùng với đó, môi trường sống của người dân ngày càng ô nhiễm. Hầu hết các cơ sở sản xuất ở đây đều chưa có hệ thống xử lý nước thải, hoặc có cũng chỉ là hình thức. Nước thải được xả trực tiếp ra cống rãnh, trong khi hệ thống thoát nước với các con sông, rạch ngày càng bị thu nhỏ.
Để bảo vệ môi trường làng nghề được tốt hơn trong thời gian tới, các cấp chính quyền cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT) làng nghề để các hộ, cơ sở sản xuất trong làng nghề biết và thực hiện. Bên cạnh đó, việc nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở về trách nhiệm đối với công tác BVMT; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về BVMT; kiên quyết đình chỉ hoạt động của các cơ sở, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường; xử lý trách nhiệm của người đứng đầu địa phương nơi để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường gây bức xúc trong nhân dân. Đồng thời, lồng ghép BVMT làng nghề vào chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của địa phương. Rà soát cơ chế, chính sách hiện có để nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm khuyến khích, hỗ trợ cho công tác BVMT như hỗ trợ kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng, quy hoạch xây dựng các khu, cụm làng nghề có lắp đặt, xây dựng hệ thống xử lý chất thải, nước thải và các bãi chôn lấp chất thải rắn; hỗ trợ kinh phí nghiên cứu, khuyến khích các cơ sở sản xuất trong các làng nghề áp dụng công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường, các giải pháp sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng để hỗ trợ tích cực cho công tác BVMT, xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề.
Đức Dũng
Tin cùng chuyên mục
- Phân loại rác thải tại nguồn: Khó trước mắt - lợi lâu dàiKỳ II: Còn nhiều lúng túng, bất cập 22.11.2024 | 08:43 AM
- Đông Hưng: Bãi rác tự phát gây ô nhiễm môi trường 18.10.2024 | 20:24 PM
- Xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi 13.09.2024 | 08:59 AM
- Cần sớm xử lý vi phạm bến bãi khu vực cầu NghìnKỳ 1: Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa 05.09.2024 | 08:52 AM
- Phát triển kinh tế gắn với bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường 23.08.2024 | 08:13 AM
- Thành phố: Xử lý ô nhiễm từ các bãi rác tự phát sau phản ánh của Báo Thái Bình 15.08.2024 | 14:59 PM
- Thành phố: Nhiều bãi rác tự phát gây ô nhiễm môi trường 03.08.2024 | 19:08 PM
- Bàn giao máy băm phụ phẩm nông nghiệp và thùng đựng rác cho hội viên, nông dân 17.06.2024 | 18:06 PM
- Tiền Hải: Chỉ đạo di dời khu xử lý rác thải sinh hoạt tập trung ở xã Nam Trung 17.05.2024 | 08:51 AM
- Công ty Điện lực Thái Bình: Tổ chức lễ phát động hưởng ứng Giờ Trái đất 22.03.2024 | 15:50 PM
Xem tin theo ngày
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh
- Nhân lên truyền thống “tôn sư, trọng đạo”