Thứ 7, 23/11/2024, 09:05[GMT+7]

Hiệu quả từ liên kết trong sản xuất nông nghiệp

Thứ 2, 11/03/2019 | 08:47:03
3,546 lượt xem
Sản xuất nông nghiệp thường gặp nhiều rủi ro do thời tiết, sâu bệnh, cùng với đó là việc không chủ động được về đầu ra cho sản phẩm của nông dân... Vì vậy, liên kết sản xuất được coi là một trong những giải pháp quan trọng giúp người dân có thu nhập ổn định, hướng đến phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa mang lại giá trị tăng cao.

Xác định được điều này, những năm gần đây, xã Quỳnh Thọ (Quỳnh Phụ) luôn quan tâm, khuyến khích nông dân phát triển những mô hình liên kết trong sản xuất.
Với mục tiêu giúp người dân nâng cao thu nhập, những năm qua, xã Quỳnh Thọ đã triển khai thực hiện có hiệu quả việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, trong đó, chú trọng đưa giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Đồng thời, thu hút doanh nghiệp liên kết với người nông dân để đầu tư phát triển sản xuất, bao tiêu sản phẩm thông qua HTX DVNN. 

Với diện tích đất nông nghiệp khoảng 300ha, xã Quỳnh Thọ ưu tiên phát triển các loại cây trồng chủ lực như: lúa, khoai tây, dưa xuất khẩu, ngô ngọt và một số loại rau màu khác với tổng diện tích có liên kết, bao tiêu sản phẩm đạt trên 300ha/năm. Thông qua việc liên kết sản xuất năng suất, hiệu quả kinh tế của cây trồng đã tăng lên đáng kể. Những sản phẩm này được một số doanh nghiệp liên kết bao tiêu sản phẩm như: Công ty TNHH An Đình, Công ty Cổ phần Chế biến nông sản - thương mại dịch vụ Thanh Nhàn, Viện Nghiên cứu ngô (trực thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam).

Ông Nguyễn Công Khiển, thôn Bắc Sơn là một trong những hộ dân tham gia mô hình liên kết sản xuất lúa Nhật cho biết, gia đình ông có mượn ruộng, đầu tư máy móc để sản xuất với diện tích 10 mẫu, trong đó 100% diện tích cấy lúa Nhật bán cho công ty. Nhờ có đầu ra ổn định, gia đình ông yên tâm đầu tư sản xuất, giá bán cao hơn thóc chất lượng tương ứng ngoài thị trường lại không mất công phơi, hạn chế rủi ro do thời tiết sau thu hoạch. Nếu không có liên kết, những nông dân như ông không đủ tự tin để thuê, mượn ruộng sản xuất quy mô lớn.


Ông Ngô Doãn Đô, Giám đốc HTX DVNN xã Quỳnh Thọ cho biết: Từ nhiều năm nay, các doanh nghiệp đã đầu tư ứng trước một phần giống, vật tư, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất để bà con nông dân trong xã trồng lúa, dưa xuất khẩu, ngô giống và thực hiện bao tiêu sản phẩm. Mô hình liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và người nông dân đã và đang khẳng định những ưu điểm trong phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, việc tiêu thụ sản phẩm thuận lợi hơn. 

Đặc biệt với cây lúa Nhật, diện tích liên kết đạt 300ha/năm, thu hút nhiều hộ sản xuất với quy mô lớn tham gia như hộ ông Nguyễn Đức Minh, thôn Đức Chính (12 mẫu), Nguyễn Viết Kha, thôn Minh Đức (13 mẫu), Nguyễn Đạt Bình, thôn Minh Đức (15 mẫu)... bởi lúa được mua tươi tại ruộng, không mất công phơi, loại bỏ ảnh hưởng xấu của thời tiết sau thu hoạch. Mỗi năm, trên địa bàn xã, việc liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm đạt gần 2.000 tấn/năm và đang có xu hướng tăng dần đối với cây lúa Nhật. Vụ xuân năm 2019, diện tích cấy lúa Nhật có liên kết là 50ha, giá bán theo hợp đồng từ đầu vụ là 7.400 đồng/kg thóc tươi.

Do thiếu lao động trong nông nghiệp, diện tích cây màu có liên kết giảm dần. Tuy nhiên, nhu cầu liên kết trong sản xuất lúa ngày càng tăng bởi sự xuất hiện ngày càng nhiều nông dân với quy mô sản xuất hàng héc-ta. Vụ mùa năm 2019, Quỳnh Thọ tiếp tục triển khai liên kết với doanh nghiệp sản xuất 50ha lúa Nhật. Việc liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân hiện được xem là giải pháp tối ưu trong việc tổ chức sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho người sản xuất, là định hướng lâu dài cho sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp một cách hiệu quả trên địa bàn xã Quỳnh Thọ.

Ngân Huyền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày