Thứ 6, 27/12/2024, 09:56[GMT+7]

Kiến Xương: Không chủ quan trước bệnh dịch tả lợn châu Phi

Thứ 3, 12/03/2019 | 08:26:11
1,102 lượt xem
Trước diễn biến phức tạp của bệnh dịch tả lợn châu Phi đang có nguy cơ cao lây lan trên diện rộng, các cấp, các ngành, các địa phương của huyện Kiến Xương đang rốt ráo thực hiện các giải pháp ngăn ngừa, phòng, chống.

Người chăn nuôi chú trọng công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại.

Bà Bùi Thị Minh Thành, phụ trách Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Kiến Xương cho biết: Tính đến cuối tháng 2/2019, tổng đàn lợn trên địa bàn huyện gần 105.000 con của 12.405 hộ chăn nuôi. Hiện nay, huyện đã chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp ngăn chặn, sẵn sàng ứng phó kịp thời với bệnh dịch tả lợn châu Phi để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm. UBND huyện đã thành lập một đội kiểm tra lưu động, 4 chốt kiểm dịch động vật tại km5 đường 39B (thuộc địa phận xã Vũ Ninh), tại bến phà Cồn Nhất (thuộc địa phận xã Hồng Tiến), tại ngã ba xã Vũ Thắng (điểm giáp ranh với xã Vũ Vinh, huyện Vũ Thư) và tại cầu Trà Giang (thuộc địa phận xã Trà Giang). Đồng thời, yêu cầu 11 xã (Vũ Bình, Vũ Hòa, Vũ Tây, An Bình, Trà Giang, Hồng Thái, Hồng Tiến, Minh Tân, Bình Thanh, Vũ Lễ, An Bồi) lập chốt tại các bến đò, phà, cầu, điểm giáp ranh với các tỉnh, huyện khác. Thành lập chốt kiểm dịch tạm thời tại tất cả các xã, thị trấn và thực hiện trực 24/24 giờ trong ngày, kể cả ngày nghỉ và ngày lễ.

Công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng cũng được các địa phương thực hiện thường xuyên, tích cực tại các khu vực chăn nuôi, nơi có nguy cơ cao, địa điểm công cộng, cửa ngõ giao thông trên địa bàn huyện. Từ tháng 1/2019 đến nay, các địa phương đã chuẩn bị 22.775kg vôi bột; tiếp nhận 7.398 lít hóa chất do tỉnh và huyện hỗ trợ thực hiện công tác phòng, chống dịch; ra quân đồng loạt thực hiện tuần vệ sinh, tiêu độc, khử trùng phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. 

Huyện cũng đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rõ sự nguy hiểm của bệnh dịch tả lợn châu Phi; khi chưa có dịch xảy ra cần thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để chủ động chống dịch trong trường hợp có dịch xảy ra. Thực hiện đồng bộ các giải pháp kiểm soát tốt đàn lợn trên địa bàn, phát hiện dịch sớm để khoanh vùng, xử lý kịp thời. Trong xử lý ổ dịch, cần nghiêm túc thực hiện các biện pháp kỹ thuật đã được ngành chuyên môn khuyến cáo. Thông tin, truyền thông sâu rộng để người chăn nuôi, người buôn bán, giết mổ, vận chuyển và cả xã hội cùng thực hiện nghiêm túc “5 không” (không giấu dịch; không mua bán; không giết mổ, mua bán lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý làm cám cho lợn), từ đó cùng vào cuộc kiểm soát tốt, không để dịch bệnh lây lan. Tuyên truyền để người tiêu dùng hiểu được bệnh dịch tả lợn châu Phi không lây sang người, vì vậy không nên quay lưng với các sản phẩm thịt lợn an toàn và bảo đảm chất lượng.

Trang trại của gia đình ông Nguyễn Ngọc Ánh ở thôn Nam Đường Đông, xã Nam Cao thường xuyên nuôi hơn 100 con lợn nái, lợn thịt và lợn con. 

Ông Ánh lo lắng: Bệnh dịch tả lợn châu Phi chưa có vắc-xin tiêm phòng nên tôi rất sợ lây lan vào địa bàn, ảnh hưởng đến đàn lợn của gia đình. Để chủ động phòng ngừa dịch bệnh, tôi đã nghiêm túc thực hiện việc vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại với tần suất 1 lần/ngày; hạn chế tối đa người ra, vào khu vực chăn nuôi; chú trọng công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, bổ sung các vitamin và khoáng chất vào chế độ dinh dưỡng hàng ngày để tăng sức đề kháng, giúp đàn lợn khỏe mạnh, kháng cự được dịch bệnh.

Hy vọng với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp ngăn ngừa sự xâm nhiễm của bệnh dịch tả lợn châu Phi, huyện Kiến Xương sẽ bảo vệ an toàn đàn lợn, tránh thiệt hại cho người chăn nuôi.

Thanh Huyền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày