Thứ 6, 22/11/2024, 22:14[GMT+7]

Khai trương phần mềm tư vấn pháp luật trực tuyến của Công đoàn Việt Nam

Thứ 5, 14/03/2019 | 08:37:06
1,300 lượt xem
Phần mềm tư vấn pháp luật trực tuyến của Công đoàn Việt Nam đáp ứng nhu cầu rất lớn được tư vấn pháp luật của đoàn viên, người lao động trong điều kiện hạn chế về thời gian, phương tiện, chi phí để trực tiếp tìm đến các trung tâm, văn phòng tư vấn pháp luật, công đoàn các cấp.

Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường bấm nút chính thức khai trương phần mềm - Ảnh: Minh Châu

Chiều 13/3 tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức khai trương phần mềm tư vấn pháp luật trực tuyến cho đoàn viên, người lao động.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam dự và bấm nút chính thức khai trương phần mềm.

Phần mềm tư vấn pháp luật trực tuyến cho đoàn viên, người lao động được cài đặt, tích hợp trên cổng thông tin điện tử của Tổng LĐLĐ Việt Nam tại địa chỉ www.congdoan.vn. Ngoài ra, phần mềm có thể tích hợp trên: ứng dụng phần mềm cài đặt trên điện thoại thông minh, máy tính bảng; hệ thống trang thông tin điện tử của LĐLĐ các tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành trung ương, Công đoàn TCty; các mạng xã hội phổ biến như: Facebook, Zalo, Viber, Twitter; hệ thống tổng đài điện thoại trả lời tự động; các kios trả lời tự động đặt cố định tại các khu công nghiệp, chế xuất, các doanh nghiệp lớn, các khu vực nhà ở, khu vực đông công nhân lao động.

Câu hỏi được tiếp nhận thông qua nhập trực tiếp bằng cách gõ nội dung vào cửa sổ tiếp nhận câu hỏi của Phần mềm qua trình duyệt Internet trên máy tính, điện thoại thông minh. Phần mềm sẽ tự động tiếp nhận câu hỏi của người lao động trên các lĩnh vực của Bộ Luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật An toàn, vệ sinh lao động; tự động phân tích, đưa ra câu trả lời phù hợp với câu hỏi của người lao động.

Theo Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, việc xây dựng hệ thống tư vấn pháp luật trực tuyến xuất phát từ chỉ đạo của Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII; Chương trình “Nâng cao hiệu quả việc thực hiện các nhiệm vụ đại diện cho người lao động, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, giai đoạn 2018 - 2023” của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XII.

Bên cạnh đó, nhu cầu được tư vấn pháp luật của đoàn viên, người lao động là rất lớn trong điều kiện người lao động hạn chế về thời gian, phương tiện, chi phí để trực tiếp tìm đến các trung tâm, văn phòng tư vấn pháp luật, Công đoàn các cấp để được tư vấn.

Ngoài ra, Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với trí tuệ nhân tạo đã mang lại giải pháp hữu hiệu để thực hiện tư vấn pháp luật chính xác, từ xa, nhanh chóng, thuận tiện cho đoàn viên, người lao động tiết kiệm nhân lực, chi phí cho người lao động cũng như tổ chức Công đoàn.

Quá trình đánh giá, nghiên cứu, xây dựng phần mềm, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tìm kiếm, lựa chọn công nghệ tiên tiến nhất, có khả năng tích hợp đa nền tảng, gần gũi, thân thiện, dễ tiếp cận tới số đông người lao động; đơn vị chuyên nghiệp, có nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo; tham vấn Tập đoàn Viettel về kỹ thuật, tính khả thi, khả năng tích hợp, ứng dụng trong các nền tảng/môi trường khác nhau; phối hợp với các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực lao động, công đoàn của các bộ, ngành để xây dựng dữ liệu của phần mềm gồm 200 câu hỏi, tình huống thực tế mà người lao động quan tâm, thường xuyên xảy ra trên thực tế.

Kết quả vận hành bước đầu cũng cho thấy, từ ngày 01/11/2018 đến 11/3/2019, phần mềm đã tiếp nhận và trả lời 46.409 lượt câu hỏi. Trung bình có 393 lượt/ngày, 2.753 lượt/tuần, 11.602 lượt/tháng được phần mềm tự động trả lời với tỷ lệ trả lời chính xác trên 90%. Đáng chú ý, phần mềm đã trả lời số câu hỏi tương đương với 1 tư vấn viên trả lời trong 5 năm. Nếu để hoàn thành trong thời gian như trên phải cần 15 tư vấn viên làm việc liên tục 7,5h/ngày.

Theo dangcongsan.vn