Thứ 4, 22/05/2024, 10:25[GMT+7]

Hưng Hà: Gồng mình chống bệnh dịch tả lợn châu Phi

Thứ 3, 19/03/2019 | 09:32:58
2,190 lượt xem
Bệnh dịch tả lợn châu Phi khiến người chăn nuôi lợn tại huyện Hưng Hà gặp nhiều khó khăn trong việc bảo vệ đàn lợn.

Chốt kiểm dịch tại phà La Tiến (xã Điệp Nông, huyện Hưng Hà).

Nỗ lực phòng, chống

Sau khi phải tiêu hủy hơn 140 con lợn, gia đình ông Hoàng Văn Nhã, xã Tây Đô (Hưng Hà) vẫn còn chưa hết thẫn thờ. Dịch đến nhanh và không có thuốc chữa nên ông Nhã và các hộ chăn nuôi trong xã những ngày qua đã mất đi hơn 540 con lợn. 

Ông Nguyễn Danh Tùng, Trưởng thôn Quang Trung, xã Tây Đô cho biết: Toàn thôn đã tiêu hủy gần 200 con lợn. Mặc dù nhà nước có hỗ trợ người chăn nuôi khi có dịch xảy ra, tuy nhiên đây chỉ là chính sách hỗ trợ chứ không phải đền bù thiệt hại nên người chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong việc tái đàn sau dịch. 

Theo ông Đinh Khắc Nhiên, Chủ tịch UBND xã: Từ cuối tháng 2/2019 đến nay, toàn xã đã sử dụng gần 30.000kg vôi bột và 460 lít hóa chất để tiêu độc, khử trùng đồng  thời tổ chức tổng vệ sinh toàn xã. 

Chúng tôi đã huy động toàn bộ cán bộ địa phương cùng với nhân dân tham gia khống chế bệnh dịch. Tổ chức tổng vệ sinh môi trường, lập các chốt kiểm soát bệnh dịch trực 24/24 giờ, mỗi chốt đều có đủ dụng cụ, phương tiện phòng, chống bệnh dịch. Tuy nhiên, những ngày qua tại địa phương vẫn xảy ra lợn bị ốm chết. Bệnh dịch kéo dài, diễn biến phức tạp nên việc dập dịch gặp nhiều khó khăn, mọi người ai cũng lo lắng.

Đến ngày 14/3, mặc dù trên địa bàn chưa xảy ra tình trạng lợn bị ốm chết song xã Điệp Nông (Hưng Hà) vẫn chủ động phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Xã đã thành lập 4 chốt kiểm dịch, trực 24/24 giờ. Đặc biệt, tại chốt kiểm dịch ở thôn Việt Yên, do có lượng người, phương tiện qua lại đông nên công tác kiểm soát luôn được đặt trong trạng thái nghiêm ngặt. 

Ông Trần Công Bách, công an viên xã Điệp Nông cho biết: Là địa phương tiếp giáp vùng dịch, lại gần tỉnh Hưng Yên nên xã đã lập chốt kiểm dịch tại bến phà La Tiến, duy trì trực 24/24 giờ. Mặc dù điều kiện làm việc tại chốt rất vất vả, nhất là thời tiết mưa ẩm kéo dài như những ngày qua song mọi người vẫn thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ được giao nhằm ngăn chặn việc vận chuyển lợn ra vào địa phương. 

Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã: Trước tình hình bệnh dịch diễn biến phức tạp, xã xác định công tác phòng, chống là nhiệm vụ cấp bách. Hiện toàn xã có trên 10.200 con lợn, trong đó lợn thịt hơn 4.000 con; lợn nái, đực giống gần 1.200 con; lợn choai và lợn sữa gần 5.000 con. Cùng với sự hỗ trợ của tỉnh, huyện, địa phương đã lập các chốt kiểm dịch, duy trì trực 24/24 giờ, sử dụng 12.400kg vôi bột và 142 lít hóa chất tiêu độc, khử trùng, tổ chức vệ sinh môi trường đề phòng bệnh dịch lây lan.

Dịch bệnh vẫn tiếp diễn phức tạp

Tại Đông Đô - địa phương đầu tiên của huyện phát hiện bệnh dịch, trong ngày 10/3 xã đã sử dụng thêm 44kg hóa chất để tiêu độc, khử trùng và 450kg vôi bột rắc tại các đầu mối giao thông trên địa bàn, nơi thực hiện tiêu hủy lợn. Tuy nhiên, theo báo cáo của xã, ngày 10/3, địa phương tiếp tục phát hiện và tiêu hủy thêm 59 con lợn với tổng trọng lượng 3.406kg của 3 gia đình. Ngày 13/3 tiếp tục có 3 hộ có dịch phát sinh với số lợn phải tiêu hủy 30 con. Như vậy, tính đến ngày 14/3, toàn xã có 40 hộ tại 5 thôn có dịch phát sinh, đã tiêu hủy 723 con lợn với trọng lượng trên 54.000kg.

Xã Minh Tân nằm giữa các xã đã có bệnh dịch nên công tác phòng, chống bệnh dịch bệnh được địa phương đặt lên hàng đầu. Xã đã thành lập ban chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; thành lập tổ kiểm đếm, tiêu hủy lợn bị bệnh; tổ chức tiêu độc, khử trùng đường làng ngõ xóm, xử lý vệ sinh môi trường và thành lập các chốt kiểm dịch. Thực hiện tuần vệ sinh, tiêu độc, khử trùng phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, xã đã thực hiện 2 ngày một lần với quy mô toàn xã, diện tích được khử trùng bằng hóa chất 63.500m2, diện tích rắc vôi bột 15.000m2; đồng thời, tổ chức tổng vệ sinh môi trường, khơi thông cống thoát nước, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, xác động vật... 

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND xã, mặc dù công tác phòng, chống bệnh dịch đã được địa phương thực hiện chủ động, tích cực song đến ngày 13/3 trên địa bàn xã cũng đã xuất hiện 1 con lợn bị ốm chết tại gia đình ông Nguyễn Ngọc Bắc, thôn Phụng Công. Nguy cơ bệnh dịch lây lan là rất lớn.

Đến ngày 14/3, toàn huyện Hưng Hà đã sử dụng trên 278.000kg vôi bột, gần 4.900 lít hóa chất để vệ sinh, tiêu độc, khử trùng. Tuy nhiên, bệnh dịch tại địa phương vẫn đang tiếp diễn phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Toàn huyện tính đến ngày 14/3 có 19 xã có lợn bị ốm chết với tổng số trên 2.700 con, trọng lượng tiêu hủy gần 199.000kg. Một số xã có số lượng lợn tiêu hủy nhiều là Đông Đô 723 con, Tây Đô 542 con, Chi Lăng 372 con, Hồng Lĩnh 349 con... Có thể thấy, bệnh dịch vẫn diễn biến phức tạp và lây lan nhanh, sẽ gây thiệt hại rất lớn cho người dân và ngành chăn nuôi. 

Trước tình hình đó, huyện Hưng Hà tiếp tục chỉ đạo các địa phương, ngành chuyên môn khắc phục khó khăn, tăng cường công tác phòng, chống. Ngoài việc quyết liệt phòng, chống bệnh dịch, các địa phương trong huyện cũng đang triển khai nhiều giải pháp nỗ lực kìm hãm dịch bùng phát ra diện rộng. Các đoàn thể cũng tích cực tham gia, điển hình như các cấp hội phụ nữ trong huyện đã có gần 9.000 lượt chị em tham gia vệ sinh môi trường phòng, chống bệnh dịch. Các địa phương cũng chủ động chuẩn bị sẵn sàng các loại hóa chất cùng vôi bột dự trữ để thường xuyên vệ sinh môi trường, chuồng trại. Tích cực tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh dịch đến các hộ chăn nuôi, vận động ký cam kết không vận chuyển, không vứt xác lợn chết ra môi trường, khai báo khi thấy vật nuôi có biểu hiện bất thường... 

Tuy vậy, trong khi đa phần người chăn nuôi chủ động phòng, chống bệnh dịch tại trang trại, gia trại, thực hiện cam kết với cơ quan chức năng thì trên thực tế vẫn còn một bộ phận thương lái, người chăn nuôi chủ quan với việc phòng, chống bệnh dịch. Đây là một trong những nguyên nhân khiến bệnh dịch diễn biến thêm phức tạp, có thể gây tổn thất lớn đối với ngành chăn nuôi địa phương.

Mai Thư

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày