Chủ nhật, 12/01/2025, 09:06[GMT+7]

Nuôi tôm nước lợ - tiềm năng và thách thức (Kỳ 1)

Thứ 2, 08/04/2019 | 08:50:29
3,977 lượt xem
Trong nuôi trồng thủy sản nước lợ của tỉnh, tôm là con nuôi chủ lực chiếm khoảng 83% diện tích nuôi trồng thủy sản nước lợ. Những năm gần đây, đầu ra cho tôm thương phẩm ổn định đã tạo đà cho phong trào nuôi tôm phát triển. Tuy nhiên, hiện nay do khí hậu diễn biến phức tạp, thời gian chính vụ nuôi tôm liên tục có mưa, bão lũ kéo dài đòi hỏi người nuôi trong tỉnh cần có những biện pháp mới, cách làm hay mới có thể phát triển nghề nuôi tôm hiệu quả, bền vững.

Kỳ 1: Những cách làm hay

Với tổng diện tích nuôi tôm 2.988ha, tập trung chủ yếu ở hai huyện Tiền Hải và Thái Thụy,  trên địa bàn tỉnh hiện nay chủ yếu thả nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Sản lượng tôm hàng năm đạt trên 3.300 tấn, chiếm gần 35% tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản nước lợ; giá trị ước đạt 320 tỷ đồng, chiếm gần 50% tổng giá trị nuôi nước lợ. Có được kết quả trên là nhờ nghề nuôi tôm thường xuyên nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh và sự phối hợp, kết hợp chặt chẽ của các cấp, ngành trong tổ chức thực hiện. Đặc biệt là có sự vào cuộc tích cực của người nuôi tôm, nhất là trong việc tìm tòi, học hỏi và áp dụng những cách làm hay vào việc nuôi tôm. 

Sinh năm 1983, anh Vũ Văn Của, thôn Bạch Đằng, xã Thái Thượng (Thái Thụy) đã sở hữu khối tài sản hàng chục tỷ đồng, với 7 ao nuôi tôm theo hướng công nghệ cao và 4 ao nuôi tôm giống và dự trữ, điều hòa nguồn nước. 

Theo anh Của, việc nuôi tôm theo hình thức quảng canh chỉ được 1 - 2 vụ/năm mà năng suất lại thấp. Thêm vào đó là chịu ảnh hưởng nhiều của thiên nhiên, năm nào bão về hoặc dịch bệnh bùng phát thì coi như mất trắng. 

Nuôi tôm từ năm 2011 nhưng mãi đến năm 2015, khi có điều kiện anh Của mới có thể đầu tư cải tạo các đầm theo hướng trải bạt lót nền đáy ao và dựng khung nhà bạt ở các đầm nuôi. Cách làm này giúp chủ động giữ được nhiệt độ ở các ao nuôi cũng như hạn chế tối đa tác động của môi trường bên ngoài đối với tôm. Định kỳ, anh Của cập nhật những thông số về nhiệt độ, mực nước, màu nước và những thay đổi của con tôm, qua đó giúp anh nắm được những thay đổi bất thường của tôm cũng như môi trường nước để có biện pháp xử lý khi tôm bị bệnh. Với cách làm mới, nắm được nhu cầu của thị trường, mỗi năm trang trại 3,5ha nuôi tôm công nghiệp đem về cho anh Của lợi nhuận trên 4,5 tỷ đồng; tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động và 10 lao động làm việc thời vụ với thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng. 

Thu hoạch tôm tại ao nuôi của anh Nguyễn Văn Nhàn (thôn Đức Cường, xã Nam Cường, huyện Tiền Hải).

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao được xây dựng đầu tiên ở huyện Tiền Hải do Công ty TNHH Một thành viên xuất nhập khẩu Thái Bình thực hiện tại xã Nam Thịnh. Trên diện tích hơn 100ha, mô hình được xây dựng quy mô khép kín, quy trình vận hành khoa học với số vốn đầu tư ban đầu trên 50 tỷ đồng (hiện Công ty đang nuôi thả 50ha). 

Ông Vũ Văn Hải, đại diện Công ty TNHH Một thành viên xuất nhập khẩu Thái Bình cho biết: Với mô hình nuôi tôm, Công ty chỉ sử dụng khoảng 50% diện tích làm ao nuôi, diện tích còn lại được xây dựng ao ương dưỡng để kiểm soát tôm giống trong 25 - 30 ngày trước khi thả sang ao nuôi, ao lắng, ao xử lý nước... Đặc biệt, các ao nuôi đều có hệ thống bạt ngăn chim và các động vật khác xâm nhập, giữ ổn định nhiệt độ ao nuôi vào mùa đông. Điều này sẽ góp phần tránh cho tôm mang mầm bệnh đốm trắng, bị hoại tử gan tụy, khắc phục tình trạng tôm chết hàng loạt khi mới xuống giống. Nuôi tôm công nghệ cao đạt tỷ lệ thành công trên 90%, năng suất đạt trên 30 tấn/ha tăng gấp nhiều lần so với nuôi ao đất truyền thống. 

Còn theo anh Nguyễn Văn Nhàn, thôn Đức Cường, xã Nam Cường (Tiền Hải) thì điều anh tâm đắc nhất khi áp dụng nuôi tôm công nghệ cao là bảo đảm được điều kiện sống của tôm khi mùa đông, giúp anh thu lợi nhuận cao khi bán ra thị trường những ngày giáp tết Nguyên đán. Năm 2018, anh giành thắng lợi cả 3 vụ tôm liên tiếp trên diện tích nuôi 8 sào tôm theo công nghệ cao, chỉ riêng sản lượng vụ đông đã đạt 4 tấn, giúp anh thu lãi trên 400 triệu đồng.   

Thực tế sản xuất tại các mô hình trên cho thấy, nuôi tôm công nghệ cao đã cơ bản giải quyết vấn đề kiểm soát dịch bệnh, ảnh hưởng của môi trường xung quanh... tới tôm nuôi. Đồng thời giúp người nuôi tăng năng suất, số vụ nuôi, sản lượng, chất lượng tôm từ đó cho hiệu quả kinh tế cao. 

Chính vì vậy, theo ông Hoàng Minh Giang, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản chỉ trong năm 2018, Chi cục Thủy sản đã tổ chức mở 3 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, 2 cuộc hội thảo đầu bờ về nuôi tôm nước lợ cho 350 lượt nông dân. Đồng thời xây dựng thành công mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao để nông dân học hỏi và nhân ra diện rộng, góp phần giúp bà con yên tâm đầu tư và nâng cao hiệu quả kinh tế trong nuôi tôm.


Ông Bùi Đức Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thái Thụy

Những năm gần đây, nhờ có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích, người dân ở các xã Thái Thượng, Thụy Trường, Thụy Hà, Thụy Xuân, Thái Đô... của huyện Thái Thụy chuyển nuôi tôm thẻ từ quảng canh sang thâm canh và ứng dụng nuôi tôm công nghệ cao trong nhà bạt. Đến nay, toàn huyện có 45ha nuôi tôm thẻ chân trắng theo hình thức công nghệ cao nuôi từ 3 - 5 vụ/năm. Với năng suất trung bình đạt từ 6 - 8 tấn/ha/vụ, cá biệt có hộ đạt từ 12 - 14 tấn/ha/vụ, lợi nhuận đạt từ 600 - 800 triệu đồng/ha/vụ.

Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiền Hải

Huyện Tiền Hải hiện có 1.882,5ha nuôi tôm, trong đó có 1.600,5ha thả nuôi tôm sú, 282ha nuôi tôm thẻ chân trắng, sản lượng  ước đạt hơn 2.300 tấn/năm. Trong đó có 60ha nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao 3 vụ/năm với tổng diện tích gần 60ha tại các xã Đông Minh, Nam Thịnh, Nam Phú, Nam Cường, Đông Hoàng. Thời gian tới, Tiền Hải chú trọng quy hoạch các vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao để thu hút các tổ chức, cá nhân có năng lực về tài chính vào đầu tư. Đây cũng là một trong những giải pháp quan trọng góp phần thực hiện thành công cơ cấu lại ngành Nông nghiệp trên địa bàn.


(còn nữa)

Phan Lợi


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày