Thứ 6, 22/11/2024, 21:56[GMT+7]

Chăm sóc, phòng bệnh cho đàn gia cầm

Thứ 5, 18/04/2019 | 09:37:02
1,123 lượt xem
Thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi, trời nắng, nóng xen kẽ mưa ẩm khiến sức đề kháng của đàn gia cầm giảm, dễ mắc các bệnh do vi rút, vi khuẩn gây ra. Để bảo đảm sức khỏe và hạn chế dịch bệnh xảy ra trên đàn gia cầm, người chăn nuôi các địa phương đang chủ động các biện pháp chăm sóc, phòng bệnh.

Chuồng trại chăn nuôi bảo đảm luôn khô ráo, thông thoáng, đủ ánh sáng, che chắn tránh mưa tạt, gió lùa.

Gắn bó với nghề nuôi gà từ nhiều năm nay, gia trại của gia đình ông Trần Hữu Trượng ở thôn Ba, xã Song Lãng (Vũ Thư) có thời điểm nuôi đến 5.000 con gà đẻ và gà con làm giống. Đàn gà là cả tài sản của gia đình nên ông luôn chú trọng việc chăm sóc, bảo vệ, đặc biệt là trong thời điểm giao mùa như hiện nay. 

Ông Trượng cho biết: Đàn gà đẻ mỗi tuần cho thu từ 7.000 - 8.000 trứng, tôi chọn những quả đủ tiêu chuẩn đem đến các cơ sở ấp, nở để lấy con giống. Ngoài chế độ chăm sóc bảo đảm dinh dưỡng cho đàn gà thì nhiệt độ chuồng nuôi cũng ảnh hưởng lớn đến số lượng và chất lượng trứng. Nhiệt độ chuồng nuôi phù hợp nhất cho gà đẻ là từ 21 - 250C. Với nền nhiệt từ 25 - 310C như hiện nay thì gà sẽ ăn ít dẫn đến năng suất trứng giảm. Vì vậy, tôi phải cải tạo, sửa chữa chuồng trại bảo đảm thoáng mát đồng thời giãn mật độ nuôi. Tôi cũng tuân thủ nghiêm việc tiêm các loại vắc-xin phòng bệnh cho đàn gà theo quy định. Đối với đàn gà con mới nở, thân nhiệt chưa ổn định tôi phải chuẩn bị chuồng úm chu đáo. Chuồng úm được vệ sinh sạch sẽ, sát trùng, che kín, tránh gió lùa, có đèn sưởi để giữ ấm cho đàn gà khi nhiệt độ ban đêm xuống thấp.  

Cũng chăn nuôi gia cầm với số lượng lớn, gia đình ông Cao Đăng Thành ở thôn Vân Động, xã Vũ Lạc (thành phố Thái Bình) nuôi khoảng 800 con ngan thịt và 500 con vịt đẻ. 

Ông Thành cho biết: Để chăm sóc, bảo vệ đàn ngan, vịt trong thời điểm giao mùa, tôi thường xuyên vệ sinh chuồng trại thông thoáng, che chắn tránh mưa hắt, luôn giữ chất độn chuồng khô sạch; hàng ngày vệ sinh máng ăn, máng uống, không để thức ăn thừa qua các lần cho ăn đồng thời bổ sung vitamin A, D, E vào chế độ dinh dưỡng. Tiêm vắc-xin phòng dịch tả, viêm gan do vi rút, cúm gia cầm; định kỳ hàng tuần phun hóa chất để tiêu độc, khử trùng chuồng trại, phòng bệnh nấm phổi cho ngan, vịt.

Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 13,3 triệu con gia cầm. Theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, người chăn nuôi cần chủ động thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia cầm thời điểm giao mùa. Đối với việc chuẩn bị con giống, người dân nên mua giống ở những cơ sở uy tín, có giấy phép kinh doanh và chứng nhận an toàn dịch bệnh. Con giống mới mua về phải nuôi ở khu vực cách ly từ 2 - 3 tuần, nếu không có biểu hiện của bệnh mới cho nhập vào khu chăn nuôi. Khu vực chăn nuôi phải được rào kín, có chuồng nuôi phù hợp cho vật nuôi ở độ tuổi khác nhau. Chuồng trại chăn nuôi bảo đảm luôn khô ráo, thông thoáng, đủ ánh sáng, che chắn tránh mưa tạt, gió lùa; hàng ngày vệ sinh máng ăn, máng uống và các dụng cụ chăn nuôi; thường xuyên thu gom, xử lý phân, rác và chất thải trong chăn nuôi bằng các biện pháp phù hợp; định kỳ tiêu độc, khử trùng khu vực chăn nuôi. Thức ăn, nước uống phải sạch sẽ, hợp vệ sinh, đủ dinh dưỡng cho vật nuôi theo từng giai đoạn phát triển. Người làm việc trong trại chăn nuôi không tiếp xúc với gia cầm ở các trại khác; hạn chế người ra vào khu vực chăn nuôi; thực hiện nghiêm túc quy định về an toàn sinh học trong chăn nuôi; khi gia cầm bị bệnh cần tách ra khỏi đàn, nuôi cách ly để chẩn đoán và chữa trị. 

Ngoài việc thực hiện nghiêm túc quy trình vệ sinh phòng bệnh cho đàn gia cầm, người chăn nuôi cần tuân thủ việc tiêm các loại vắc-xin phòng bệnh theo quy định. Thường xuyên theo dõi tình hình sức khỏe của đàn gia cầm, khi thấy gia cầm chết bất thường phải báo ngay cho cán bộ thú y để có biện pháp xử lý kịp thời.


Thanh Huyền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày