Đừng để người chăn nuôi thêm lao đao vì bệnh dịch tả lợn châu Phi
Phóng viên Báo Thái Bình đã về huyện Đông Hưng, nơi “tâm bão” bệnh dịch tả lợn châu Phi của tỉnh để nắm tình hình. 44/44 xã, thị trấn của huyện có lợn bị bệnh với số lợn phải tiêu hủy hơn 49.000 con, tổng trọng lượng gần 2.500 tấn, cao nhất tỉnh. Đến nay, người chăn nuôi trên địa bàn huyện đã kiệt quệ vì bệnh dịch, nhưng giờ lại phải đối mặt với nỗi lo lớn hơn là người tiêu dùng e dè, thậm chí quay lưng lại với thịt lợn.
Bà Vũ Thị Thư, xã Đông Xuân cho biết: Đã hơn 1 tháng nay gia đình tôi không ăn thịt lợn và chuyển sang dùng các thực phẩm khác vì thấy lợn bị bệnh chết nhiều quá. Tôi cũng nghe thông tin bệnh dịch tả lợn châu Phi không lây sang người song vẫn thấy sợ thịt lợn.
Không chỉ bà Thư mà nhiều người dân hiện nay cũng tạm dừng không ăn thịt lợn, khiến việc tiêu thụ thịt lợn “ảm đạm” hơn bao giờ hết.
Bà Trần Thị Kim Rinh, tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Nội, xã Đông Xuân cho biết: Tôi bán thịt lợn ở chợ này đã 18 năm nay, chứng kiến nhiều đợt dịch bệnh ở lợn như tai xanh, lở mồm long móng nhưng chưa bao giờ việc buôn bán thịt lợn lại ế ẩm, bế tắc như hiện nay. Trước đây, một ngày gia đình tôi giết mổ 2 đến 3 con lợn, ngày cao điểm 5 con, chủ yếu bán buôn cho các quầy bán thịt lợn khác trong chợ, còn lại một phần để bán lẻ. Nhưng hiện nay, mỗi ngày gia đình chỉ giết mổ 1 con mà bán cũng không hết. Có quầy thịt lợn ở chợ này cả buổi sáng chỉ bán được khoảng 2-3 kg thịt, mặc dù đã chào mời đon đả, thịt tươi ngon nhưng bà con vẫn thờ ơ đi qua.
Bà Rinh cho biết thêm: Chợ Nội là chợ Lifsap, các tiểu thương chủ yếu bán thịt lợn cho bà con quen biết nhau cả nên bảo đảm nguồn cung chất lượng. Lợn mua về mổ đều có dấu kiểm dịch của cơ quan chức năng, bảo đảm khỏe mạnh. Tôi mong người tiêu dùng không nên quay lưng lại với thịt lợn mà chọn cơ sở có uy tín, nguồn gốc rõ ràng, thịt lợn tươi ngon để mua về sử dụng hàng ngày.
Cũng là một tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Nội, ông Vũ Văn Quân, cho biết: Trước kia gia đình tôi mỗi ngày giết mổ 2 con lợn để bán, hơn 1 tháng nay mỗi ngày chỉ giết 1 con mà thịt bán không hết. Lợn tôi mua ở trang trại có uy tín, rõ nguồn gốc, 3 ngày sau khi bắt lợn bảo đảm vẫn khỏe, ăn uống bình thường mới trả tiền cho người cung cấp và mới giết mổ. Tôi mong muốn các cấp, các ngành cùng vào cuộc đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rõ, hiểu đúng thông tin về bệnh dịch tả lợn châu Phi, không quay lưng lại với thịt lợn, để người chăn nuôi bớt khổ.
Chính tâm lý e dè của người dân mà hiện nay sức mua thịt lợn ở chợ Nội giảm 70% - 80%, cả chợ có 40 quầy bán thịt lợn thì nay còn chưa đầy 10 quầy.
Tại chợ thị trấn Đông Hưng, nơi tập trung lượng lớn cư dân mua bán song tình hình buôn bán thịt lợn của các tiểu thương cũng không khả quan hơn. Ai cũng than thở mong mỏi “cơn bão” bệnh dịch tả lợn châu Phi sớm qua đi.
Bà Nguyễn Thị Chinh, tiểu thương tại chợ thị trấn Đông Hưng cho biết: Để có nguồn hàng bảo đảm chất lượng, chúng tôi phải đi mua nguồn thịt ở lò mổ bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, thịt có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có dấu kiểm dịch, nhưng tâm lý lo sợ bệnh dịch nên nhiều khách hàng vẫn chuyển sang mua các thực phẩm khác không ăn thịt lợn. Trước đây, tôi bán được ba phần giờ giảm còn một phần, giá thịt lợn cũng giảm khoảng 10.000 đồng/kg nhưng cũng rất ít người mua.
Nhiều người dân vẫn chọn mua thịt lợn.
Dù hiện nay người dân có tâm lý e dè với thịt lợn nhưng vẫn có nhiều người khi hiểu đúng về bệnh dịch vẫn lựa chọn thịt lợn là thức ăn chính hàng ngày của gia đình.
Anh Đỗ Văn Lễ, sinh sống tại Hà Nội về thị trấn Đông Hưng công tác chia sẻ: Qua các phương tiện thông tin đại chúng, ngành chức năng nói rõ bệnh dịch tả lợn châu Phi không lây sang người nên gia đình tôi vẫn sử dụng thịt lợn bình thường. Về chợ thị trấn Đông Hưng, tôi thấy thịt lợn ở đây rất tươi ngon nên tin tưởng mua về sử dụng. Tôi nghĩ rằng trong lúc bệnh dịch như thế này, người chăn nuôi thiệt hại nặng nề nhất, nếu người dân không nắm rõ thông tin mà vội vàng quay lưng với thịt lợn càng khiến người chăn nuôi lao đao hơn.
Chung suy nghĩ như anh Lễ, bà Nguyễn Thị Loan, xã Đông Quang chia sẻ: Gia đình tôi chế biến các loại thức ăn từ thịt lợn bán cho khách hàng nên hàng ngày tôi vẫn mua thịt. Bảo đảm chất lượng thực phẩm, tôi đều chọn mua ở những cửa hàng thịt lợn có uy tín, chọn thịt tươi ngon, chế biến cẩn thận nên khách hàng của tôi rất yên tâm. Tôi mong mọi người hãy là những người tiêu dùng thông thái, ủng hộ, mua thịt lợn trong lúc khó khăn như thế này sẽ góp phần giảm bớt thiệt hại cho người chăn nuôi.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện còn 76.524 con lợn thịt, riêng huyện Đông Hưng còn 7.400 con lợn thịt đến kỳ xuất bán. Thời gian qua, cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc với người chăn nuôi để phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi và thêm nhiệm vụ nặng nề hơn là tiêu thụ số lợn thịt còn khỏe chưa mắc bệnh. Tỉnh ủy, UBND tỉnh và ngành chuyên môn đã đưa ra nhiều giải pháp để giúp người chăn nuôi tiêu thụ lợn thịt đến kỳ xuất bán. Chưa bao giờ việc giết mổ, tiêu thụ thịt lợn được quan tâm đặc biệt và kiểm soát chặt chẽ về thú y như hiện nay. Thế nhưng, khó khăn nhất hiện nay là tâm lý e dè, thậm chí quay lưng lại với thịt lợn của chính người dân bất chấp khuyến cáo của các nhà khoa học, ngành chuyên môn là bệnh dịch tả lợn châu Phi không lây sang người và sẽ an toàn khi thịt được chế biến ở nhiệt độ hơn 80 độ C. Do đó, nếu người tiêu dùng quay lưng lại với thịt lợn, người chăn nuôi càng thiệt hại nặng nề hơn, ngành chăn nuôi của tỉnh sẽ vô cùng khó khăn, không biết đến bao giờ mới có thể khôi phục và phát triển được.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của bệnh dịch tả lợn châu Phi, người tiêu dùng vẫn có thể yên tâm sử dụng thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn. Quan trọng nhất là mỗi người khi mua thịt lợn hãy chọn các cơ sở, cửa hàng có uy tín, thịt có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và được kiểm định bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Cùng với đó, các địa phương, ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát tại các trạm kiểm dịch, cơ sở giết mổ, trang trại chăn nuôi bảo đảm nguồn cung thịt lợn an toàn, góp phần thúc đẩy tiêu thụ thịt lợn, giúp người chăn nuôi và ngành chăn nuôi vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Nhóm phóng viên
Tin cùng chuyên mục
- Xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi 13.09.2024 | 08:59 AM
- Kiến Xương: Chủ động phòng, chống lũ lụt, sẵn sàng khôi phục sản xuất sau bão 11.09.2024 | 16:09 PM
- Quỳnh Phụ: Tập trung tiêu thoát nước bảo vệ lúa, rau màu 09.09.2024 | 15:49 PM
- Thái Thụy: Khó khăn tiêu úng cho lúa ngập sau bão 08.09.2024 | 18:31 PM
- 63.276ha lúa mùa được phun trừ sâu bệnh 26.08.2024 | 11:30 AM
- Chủ động khoanh vùng, xử lý sớm sâu bệnh trên lúa xuân 13.04.2024 | 08:32 AM
- Quỳnh Phụ: Triển khai cơ chế, chính sách về tích tụ đất đai 07.12.2023 | 16:09 PM
- Thái Thụy: Chủ động tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp 27.09.2023 | 18:15 PM
- Phòng, trừ sâu bệnh hại lúa mùa cuối vụ 14.09.2023 | 17:05 PM
- Mật độ sâu cuốn lá nhỏ cao gấp nhiều lần so với cùng kỳ nhiều năm 15.08.2023 | 15:45 PM
Xem tin theo ngày
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh