Thứ 2, 25/11/2024, 08:22[GMT+7]

Vũ Thư: Sớm lo đê điều trước mùa mưa lũ

Thứ 2, 20/05/2019 | 08:43:32
1,018 lượt xem
Với khoảng 100km đê các loại, huyện Vũ Thư nằm trong tốp đầu của tỉnh về chiều dài đê trên địa bàn. Trong điều kiện hệ thống đê ngày càng xuống cấp, thiên tai diễn biến khó lường, bước vào mùa mưa lũ năm nay, huyện và các địa phương chủ động kiểm tra, rà soát, nâng cấp, tu bổ hệ thống đê điều trên địa bàn.

Xã Hiệp Hòa ( Vũ Thư) giải tỏa, phát quang khu vực cống Nang (cống dưới đê hữu Trà Lý).

Ông Nguyễn Văn Huyến, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê huyện Vũ Thư cho biết: Địa bàn huyện hiện có 58km đê cấp I, II, hơn 14km đê cấp IV, còn lại là đê bối với 2 tuyến đê chính là đê hữu Trà Lý và đê tả Hồng Hà II. Về chất lượng các tuyến đê, qua kiểm tra cho thấy một số đoạn trên tuyến đê tả Hồng Hà II còn thiếu chiều cao so với quy định, chiều rộng mặt đê tại một số đoạn trên cả 2 tuyến đê này đều hẹp hơn từ 2 - 3m so với quy định. Mặt đê hầu hết đã được láng nhựa nhưng do thời gian cùng với tác động của mưa, bão, đặc biệt là các phương tiện giao thông khiến nhiều đoạn đã xuống cấp như đoạn K156+600 đến K159+600, đoạn K166+460 đến K168+800 (đê tả Hồng Hà II). Nhiều đoạn trên thân đê có chứa các tổ mối, lỗ rỗng, xuất hiện thẩm lậu, rò rỉ nước. Trên các tuyến đê này hiện có 22 kè hộ đê và 31 cống dưới đê, chất lượng các công trình này cơ bản đảm bảo, tuy vẫn còn 9 trọng điểm xung yếu II cần quan tâm tu bổ, nâng cấp như kè, sủi Đông Phú (Song Lãng), bãi lở kè Mễ Sơn (Tân Phong)... Trước thực trạng này, bước vào mùa mưa lũ năm nay, huyện và các địa phương đặc biệt quan tâm đến công tác kiểm tra, rà soát, tu bổ, nâng cấp các công trình đê điều, nhằm bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.


Tuyến đê hữu Trà Lý, đoạn từ K5+500 đến K8+800 qua địa bàn thôn Phương Cáp, xã Hiệp Hòa là tuyến đê cấp I, tuy nhiên nhiều năm qua đoạn đê này chưa được cứng hóa, mặt đê xuống cấp nhiều ổ gà, lầy lội về mùa mưa, gây khó khăn cho giao thông, sinh hoạt của nhân dân. Cao trình mặt đê mới đạt từ 6,6 - 6,8m, thiếu so với tiêu chuẩn quy định từ 0,4 -  0,6m; chiều rộng mặt đê thực tế đạt từ 4 - 5m, trong khi tiêu chuẩn quy định mặt đê rộng 7m. Ông Nguyễn Trường Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Hiệp Hòa cho biết: Nhiều năm qua, bước vào mùa mưa bão, cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương rất lo lắng cho công tác hộ đê, tuy nhiên cũng chỉ có kinh phí để thực hiện phần phát quang cỏ dại trên đê. Bước vào mùa mưa bão năm nay, được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư đắp áp trúc, cứng hóa mặt đê, nâng cấp tuyến đê qua địa bàn bảo đảm theo tiêu chuẩn quy định, cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương rất phấn khởi. Hiện công trình đang trong giai đoạn thi công, dự kiến đến tháng 6/2019 sẽ hoàn thành. Cùng với đó, xã huy động máy móc phát quang cỏ dại, vệ sinh trên thân đê để phát hiện, phòng ngừa tổ mối gây hại thân đê. Đê được tu bổ, nâng cấp, bảo đảm vững chắc là yếu tố quan trọng góp phần bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân khi có mưa lũ xảy ra.


Ông Phạm Văn Khảng, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Những năm gần đây huyện rất nỗ lực tranh thủ các nguồn kinh phí, trung bình mỗi năm hàng chục tỷ đồng nâng cấp, sửa chữa, tu bổ các tuyến đê, ưu tiên cho những tuyến đê có nhiều trọng điểm xung yếu. Điển hình như năm 2018 huyện huy động được tổng kinh phí 76,4 tỷ đồng xây dựng, tu bổ các công trình đê điều như đắp mở rộng, cứng hóa mặt đê, làm kè đá hộ bờ, khoan phụt vữa gia cố thân đê, xử lý tổ mối trong thân đê... Bước vào mùa mưa bão năm nay, huyện đã rà soát, kiểm tra lại toàn bộ hệ thống công trình đê điều, trong đó nhiều đoạn mặt đê xuống cấp nghiêm trọng và còn 9 công trình trọng điểm xung yếu II. Đối với 9 công trình này, huyện đã xây dựng phương án xử lý, tu bổ, nâng cấp từng công trình. Đến nay, trước mùa mưa lũ, hầu hết các công trình đã và đang được khẩn trương thi công, với mục tiêu chủ động bảo vệ đê, bằng mọi phương án, giữ vững an toàn toàn bộ tuyến đê khi bão, lũ xảy ra.

Thi công nâng cấp mở rộng, cứng hóa tuyến đê hữu Trà Lý đoạn K5+500 đến K8+800.


Ông Nguyễn Văn Huyến, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê huyện Vũ Thư cho biết thêm: Cùng với nâng cấp, tu bổ các công trình đê điều, huyện sẽ tăng cường công tác quản lý đê điều. Hạt Quản lý đê huyện thường xuyên phối hợp với các địa phương tổ chức kiểm tra đê, kè để sớm phát hiện diễn biến hư hỏng của các công trình đê điều; phối hợp xử lý, giải tỏa, ngăn chặn các trường hợp, bến bãi vi phạm hành lang bảo vệ đê; tham mưu với UBND huyện chỉ đạo các địa phương tích cực vào cuộc để làm tốt công tác chuẩn bị đầy đủ vật tư, nhân lực, phương tiện phục vụ cho công tác ứng cứu, hộ đê trong mùa mưa lũ. Thiên tai diễn biến khó lường, việc chủ động nâng cấp, tu bổ hệ thống đê điều, sẵn sàng công tác hộ đê là cần thiết nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản của nhân dân khi có mưa lũ xảy ra.


Quỳnh Lưu




Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày