Thứ 6, 15/11/2024, 13:15[GMT+7]

Nhập khẩu, phát tán tôm hùm nước ngọt có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Thứ 3, 04/06/2019 | 18:48:07
2,078 lượt xem
Theo Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (có hiệu lực từ ngày 1/2/2017), tại Điều 43 của Nghị định này có nhiều quy định về khung hình phạt đối với hành vi vi phạm các quy định về kiểm soát loài ngoại lai xâm hại.

Tôm hùm nước ngọt có thể đào hang sâu 1 - 2m, đe dọa tới công trình thủy lợi, nông nghiệp và thủy sản. Ảnh minh họa.

Sự nguy hại khó lường của tôm hùm nước ngọt

Theo bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản thì tôm hùm nước ngọt (còn gọi là tôm hùm đỏ, tôm hùm đất) có tên khoa học là Procambarus clarkii có nguồn gốc từ Bắc Mỹ. Tôm hùm nước ngọt được nhập vào Việt Nam từ Trung Quốc với mục đích nuôi thử nghiệm ở diện hẹp. Năm 2008, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cho phép Viện Nuôi trồng thủy sản I thực hiện đề tài: “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật nuôi thương phẩm tôm hùm nước ngọt (Procambarus clarkii) ở các tỉnh miền Bắc phục vụ phát triển vùng nguyên liệu xuất khẩu” và dự án nhập công nghệ sản xuất giống tôm hùm nước ngọt Procambarus clarkii phục vụ phát triển vùng nguyên liệu xuất khẩu ở các tỉnh miền Bắc. Kết quả nghiên cứu cho thấy: Tôm hùm nước ngọt có khả năng sinh trưởng và phát triển tại miền Bắc nước ta do chúng là loài thủy sinh vật dễ nuôi, ít dịch bệnh. Tuy nhiên giá trị kinh tế không cao, tỷ lệ thịt so với khối lượng cơ thể thấp, cỡ thương phẩm nhỏ (30 - 50g), có nhiều đặc tính của sinh vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại như: ăn tạp, phàm ăn, cạnh tranh thức ăn, có thể chiếm nơi sống của loài bản địa, có khả năng gây hại sinh vật bản địa, đào hang hốc (sâu đến 2m) và có thể gây hại cho các công trình thủy sản, đê điều nếu thoát ra ngoài... Ảnh hưởng đến nông nghiệp và thủy sản của loài này đã được ghi nhận ở nhiều nơi như tại Trung Quốc, Nhật Bản, Ai Cập, Ý, Tây Ban Nha và Hoa Kỳ. Vì vậy, Viện đã khuyến cáo không nên phát triển nuôi đối tượng này ngay sau khi kết thúc nghiên cứu vào năm 2010.

Nhập khẩu, phát tán tôm hùm nước ngọt có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ảnh minh họa.

Quản lý chặt chẽ và xử lý nghiêm

Ông Hoàng Văn Vĩnh, Phó Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh cho biết: Tại Nghị định số 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ, loài tôm hùm nước ngọt không có tên trong danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam nên việc kinh doanh, tiêu thụ loài này là vi phạm quy định của pháp luật. Theo Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (có hiệu lực từ ngày 1/2/2017), tại Điều 43 của Nghị định này có nhiều quy định về khung hình phạt đối với hành vi vi phạm các quy định về kiểm soát loài ngoại lai xâm hại.

Cụ thể, hành vi nhập khẩu loài động vật, thực vật ngoại lai xâm hại bị xử phạt với mức phạt thấp nhất từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng (đối với tang vật vi phạm trị giá dưới 10 triệu đồng). Khung phạt tiền cao nhất đối với hành vi này lên tới từ 920 triệu đồng đến 1 tỷ đồng (đối với tang vật vi phạm trị giá từ 230 triệu đồng đến dưới 250 triệu đồng). Đối với hành vi nuôi, lưu giữ, vận chuyển loài ngoại lai xâm hại (ngoài phạm vi khu bảo tồn) bị xử phạt như sau: Phạt tiền với mức thấp nhất từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng (đối với hành vi gây thiệt hại trị giá đến dưới 10 triệu đồng); cao nhất từ 560 triệu đồng đến 640 triệu đồng (đối với hành vi gây thiệt hại trị giá từ 140 triệu đồng đến dưới 150 triệu đồng).

Cũng theo ông Vĩnh, người nào cố tình nhập khẩu, phát tán loại tôm hùm nước ngọt này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 246 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 về tội nhập khẩu phát tán các loài ngoại lai xâm hại.

Khoản 1, Điều 246 Bộ luật Hình sự 2015  quy định về tội nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại như sau:
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Nhập khẩu trái phép loài động vật, thực vật ngoại lai xâm hại hoặc loài động vật, thực vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại trong trường hợp vật phạm pháp trị giá từ 250.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc trong trường hợp vật phạm pháp trị giá dưới 250.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm;
b) Phát tán loài động vật, thực vật ngoại lai xâm hại hoặc loài động vật, thực vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại, gây thiệt hại về tài sản từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.


Phan Anh