Thứ 4, 04/12/2024, 00:45[GMT+7]

Lương y Ðào Viết Thoàn với bài thuốc chữa bỏng diệu kỳ

Chủ nhật, 01/09/2013 | 10:49:57
7,621 lượt xem
Trong ngôi nhà tại thôn Ðồng Ấu, xã An Quý, huyện Quỳnh Phụ, ông kể cho chúng tôi nghe chuyện ông từ một bệnh nhân chữa bỏng trở thành người chữa bỏng nức tiếng.

Lương y Ðào Viết Thoàn (người bên trái) chữa bỏng cho bệnh nhân tại nhà.

Cái “duyên” đến với nghề y

 

Sinh năm 1959, năm 1976 Ðào Viết Thoàn tình nguyện nhập ngũ và trở thành lính xe tăng. Cuối năm 1979, ông bị thương nặng khi đang làm nhiệm vụ, Ðào Viết Thoàn được đưa về điều trị tại Viện Quân y 103 với những vết thương rất nặng: chấn thương sọ não, vỡ khoét bỏ bánh chè chân phải, gẫy xương sườn bên phải, mất một mắt trái... Ngần ấy vết thương khiến ông phải lên bàn mổ gần chục lần trong suốt hai năm trời. Sau đó, ông đã được các bác sĩ giới thiệu đến sư cụ Thích Ðàm Lương trụ trì Chùa Trắng (thôn Hữu Lê, xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì, Hà Nội) là nơi có tiếng về loại thuốc gia truyền sinh cơ, nuôi thịt điều trị vết thương, vết bỏng. Và rồi, lần bị thương thập tử nhất sinh ấy đã đưa ông đến với nghề y cao quý. Trong thời gian chữa trị tại chùa, ông nhận thấy cái tâm, cái đức của người thầy thuốc đang ngày đêm chăm sóc, thuốc thang cho mình, thâm tâm ông mong muốn được sư cụ truyền nghề chữa bỏng để sau này làm phúc cho đời. Thấy ông là người có tâm, nghị lực, lại chịu khó học hỏi, tham khảo nhiều tài liệu y học, nên khi bày tỏ nguyện vọng, sư cụ đã đồng ý truyền đạt bí quyết chế thuốc và cách chữa bỏng cho ông.

 

Và bài thuốc chữa bỏng diệu kỳ

 

Về quê hương, ông hiểu rằng đối với người Việt Namon>, mỗi  khi trong gia đình có người bị bệnh thì phương thuốc đầu tiên mà họ nghĩ đến chính là những loại thảo mộc gần gũi với cuộc sống thường ngày. Ðối với người bị bỏng, nếu không được cấp cứu, chữa trị kịp thời sẽ dẫn đến tử vong hoặc bị tàn tật suốt đời. Với tấm lòng “Lương y như từ mẫu”, ông đã đồng cảm và chia sẻ nỗi đau, cái khổ, cái nghèo với người bệnh, nhất là những trẻ em nghèo, người tàn tật, người có công với nước.

 

Từng điều trị ở Viện Quân y 103, ông thấy mỗi khi thay băng mặc dù đã được các bác sĩ nhỏ nước muối sinh lý nhưng băng vẫn bị dính vào vết bỏng gây đau đớn cho người bệnh. Từ tháng 1/2008 ông đã tìm tòi, nghiên cứu ra giải pháp mới trong việc điều trị cho người bệnh bằng phương pháp bôi thuốc trên gạc đã tẩm nước muối sinh lý vắt khô thay thế cho phương pháp bôi thuốc trên gạc khô. Nhờ đó, người bệnh sẽ giảm được đau đớn mỗi khi thay băng, ngoài ra còn tiết kiệm được chi phí thuốc điều trị.

 

Từ tháng 2/1982 đến tháng 7/1987, ông đã tìm tòi, tự học ở sách, tài liệu y học, y dược và nhận ra rằng một số loại cây thuốc nam gần gũi với cuộc sống qua sơ chế có tác dụng rất tốt trong việc làm mau lành vết thương, giảm đau cho người bệnh. Từ đó, ông đã sáng tạo ra một bài thuốc gọi là “Mỡ sinh cơ” có tác dụng hút dịch mủ nuôi thịt tạo da mới để điều trị bệnh nhân bị bỏng. Nguyên liệu để bào chế bài thuốc của ông là các cây thuốc nam có sẵn tại địa phương như nghệ, nhựa đu đủ, cây chìa vôi, cây lạc tiên... Nguyên liệu được đem rửa sạch, phơi khô rồi được phối chế theo tỷ lệ, sau đó đem nấu thành cao và đóng lọ sử dụng. Nhiệt độ bảo quản sản phẩm tốt nhất từ 22 - 250C.

 

Theo ông, để bào chế được loại thuốc này, ông phải thực hiện qua nhiều quy trình như: nghiên cứu tính năng, tác dụng của các loại thảo dược; quy trình thu hái, bảo quản; xây dựng công thức phối chế; thử nghiệm sản xuất bằng phương pháp thủ công; thử nghiệm tác dụng điều trị của thuốc; sử dụng điều trị tại cơ sở. Với bài thuốc và phương pháp chữa bệnh mới, khi thay băng, tháo băng, ông không cần phải nhỏ nước muối sinh lý mà vẫn không làm bệnh nhân đau đớn, vết thương, vết bỏng nhanh liền. Ðồng thời, với cách làm này, ông còn hạn chế được lượng thuốc bôi trên vết bỏng, tiết kiệm được chi phí thuốc cho người bệnh. Giải pháp này của ông đã giành được giải nhất Hội thi “Sáng tạo khoa học - công nghệ và kỹ thuật tỉnh Thái Bình lần thứ V”.

 

Suốt 26 năm qua, lương y Ðào Viết Thoàn đã dành tất cả tâm sức để nghiên cứu thuốc chữa bệnh cứu người. Phương pháp điều trị và bài thuốc diệu kỳ của ông đã chữa khỏi bệnh cho hơn 22.000 bệnh nhân. Ngoài ra, ông còn miễn tiền thuốc, tiền công cho trên 1.200 bệnh nhân, chịu toàn bộ chi phí điện, nước cho hơn 10.800 bệnh nhân điều trị nội trú. Chỉ riêng tiền công và thuốc trong những năm qua ông đã miễn cho người nghèo, đối tượng chính sách, người khuyết tật, trẻ mồ côi đã lên tới trên 4 tỷ đồng. Năm 2012, ông đã chữa cho 1.200 bệnh nhân, số tiền miễn cho các đối tượng chính sách và người nghèo hơn 104 triệu đồng. Ðó là điều rất đáng được ghi nhận.

Bài, ảnh: Ngọc Mai

 

 

  • Từ khóa