Thứ 5, 21/11/2024, 20:28[GMT+7]

Tô Thị Phương Nghị lực vượt lên số phận

Thứ 6, 08/11/2013 | 08:07:14
2,852 lượt xem
Ở cương vị và hoàn cảnh nào, Tô Thị Phương cũng luôn là tấm gương sáng để những người khuyết tật noi theo.

Chị Tô Thị Phương hướng dẫn kỹ thuật may cơ bản cho người khuyết tật.

 “Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những hy sinh, gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy...”. Xin mượn lời của nhà văn Nguyễn Khải trong tác phẩm Mùa lạc để nói về Tô Thị Phương, người con gái khuyết tật thôn Riêm Trì (xã Tây Phong, Tiền Hải) đã vượt lên số phận, tận tâm dạy nghề cho những người cùng cảnh ngộ.

Gặp người con gái nhỏ bé ấy, không ai nghĩ rằng Phương có nhiều thành tích đến vậy. Nhiều năm liên tiếp Phương được Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh tặng giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi; được UBND huyện Tiền Hải tặng giấy khen vì thành tích xuất sắc trong công tác hội và phong trào thanh niên; được Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh chứng nhận là tấm gương tiêu biểu có những đóng góp xuất sắc cho tuổi trẻ và cộng đồng.

Dù bị khuyết tật vẹo cột sống, bản thân hay đau ốm, thế nhưng bằng sức mạnh nội lực của mình, Phương đã vượt lên tất cả, trở thành “cô giáo”, tiếng gọi thân thương mà lớp lớp học trò dành tặng bởi Phương đã dạy và đào tạo thành nghề may mặc cho hàng trăm người – không chỉ có người khuyết tật mà có những người bình thường. Chuyện đời, chuyện trở thành nữ “giáo viên” của Phương như một cuốn hồi ký đầy cảm xúc, khiến mọi người vừa thương, vừa cảm phục cô gái nhỏ bé nhưng tràn đầy nghị lực sống.

Sinh ra vốn lành lặn như bao bạn bè cùng trang lứa, thế nhưng sự hồn nhiên của tuổi thơ đã khép lại khi Tô Thị Phương được bác sĩ thông báo mắc bệnh vẹo cột sống năm 8 tuổi. Dù gia đình đã chạy chữa khắp nơi nhưng bệnh của Phương ngày càng trầm trọng, người cứ teo dần còn cột sống thì vẹo hơn. Phương tâm sự: “Lúc ấy, nhìn bạn bè đi học, chạy nhảy, vui chơi, tôi toàn đứng nép sau cánh cửa âm thầm khóc một mình. Tủi thân lắm”. Thế giới tâm hồn Phương bị bủa vây bởi sự mặc cảm, tự ti. Sức khỏe yếu dần cùng với khó khăn về kinh tế của gia đình, Phương quyết định ở nhà phụ giúp cha mẹ sau khi học hết THCS.

Mối nhân duyên nghề nghiệp đến với Phương vào năm 2002, khi Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh mở lớp dạy nghề cắt may cho phụ nữ nghèo và khuyết tật. Sau 2 tháng nỗ lực học nghề, Phương trở về quê phụ giúp tiệm may của người cô ruột. Khi tay nghề tiến bộ hơn, Phương tự nhận hàng sửa chữa và may đo quần áo. Vòng xoáy công việc giúp Phương quên đi những mặc cảm, tự ti. Sức sống của tuổi mười tám, đôi mươi trỗi dậy, yêu đời và thân thiện với mọi người hơn, Phương trở lại là chính mình.

 Năm 2007, Phương được mời tham gia dạy nghề tại Trung tâm Dạy nghề Nam Thái (Kiến Xương). Được 3 năm, do điều kiện sức khỏe và đi lại khó khăn, cô mở cơ sở dạy nghề Nam Phương 2 tại quê nhà. Sau 5 năm, Phương đã đào tạo nghề cho hơn 200 lượt người ở Kiến Xương và các xã Tây Phong, Tây Tiến, Namon> Chính, Namon> Hồng (Tiền Hải), nhiều người đã có việc làm tại các xưởng may, công ty. Là người khuyết tật, Phương luôn có sự đồng cảm với những người cùng cảnh ngộ. Ai có nhu cầu học nghề, Phương đều giúp đỡ và dạy nghề miễn phí.

Đến nay, Phương đã đào tạo nghề may cho 15 người khuyết tật trên địa bàn huyện Tiền Hải. Sau khi tham gia khóa đào tạo tại cơ sở của Phương, một số học viên khuyết tật đã trở thành những công nhân lành nghề, có thu nhập để tự nuôi bản thân, như em Tạ Thị Sim làm việc tại Công ty Global với mức thu nhập từ 2,5 triệu đến 3 triệu đồng/tháng; em Đinh Văn Chiểu làm việc tại Công ty Khánh Hà (Kiến Xương) với mức thu nhập 3 triệu đồng/tháng…

Từ kết quả bước đầu của bản thân, sự đồng cảm với những người có cùng hoàn cảnh như mình, Phương nghĩ rằng cần phải có một tổ chức cho những người khuyết tật hoạt động. Phối hợp với Hội Liên hiệp Thanh niên huyện, Phương đi vận động và tập hợp những người khuyết tật tham gia vào Câu lạc bộ Thanh niên khuyết tật huyện Tiền Hải. Với cương vị là Chủ nhiệm Câu lạc bộ, Phương thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các thành viên, liên hệ với các cơ sở dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật. Ở cương vị và hoàn cảnh nào, Tô Thị Phương cũng luôn là tấm gương sáng để những người khuyết tật noi theo. “Dù thân hình có nhỏ bé, tật nguyền nhưng đừng bao giờ để tinh thần bị khiếm khuyết” - đó là lời tâm sự mà Phương chia sẻ với chúng tôi lúc chia tay. Thật cảm phục một con người giàu nghị lực sống như Phương.

Hoàng Lanh

  • Từ khóa