Thứ 4, 04/12/2024, 00:57[GMT+7]

Trần Thị Lanh Trưởng thôn trẻ làm kinh tế giỏi

Thứ 5, 28/11/2013 | 08:50:33
2,621 lượt xem
“Bản thân là phụ nữ nhưng năng động, nhiệt tình trong mọi phong trào, không chỉ là đoàn viên xung kích, đi đầu trong việc phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho nhiều người mà chị còn đảm nhiệm tốt cương vị trưởng thôn mà bà con tín nhiệm giao phó” - đó là lời nhận xét của chị Bùi Thị Bích Ngọc, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Bình Minh (Kiến Xương) về đoàn viên công giáo Trần Thị Lanh, Trưởng thôn Giáo Nghĩa (xã Bình Minh).

Chị Lanh đang vận hành dây chuyền ép gạch bê tông.

Dáng người nhanh nhẹn, hoạt bát, nụ cười luôn nở trên môi, đó là ấn tượng ban đầu của chúng tôi khi gặp Lanh. Sinh năm 1977, hiện chị là chủ của một cơ sở sản xuất gạch bê tông, tạo công ăn việc làm cho nhiều đoàn viên thanh niên và nhân dân trong xã. Chị còn là một trưởng thôn nhiệt huyết, đầy trách nhiệm trong công việc.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông trên quê hương Giáo Nghĩa, chị Lanh xây dựng gia đình và tham gia lao động sản xuất tại địa phương. Năm 2007, chị bắt đầu mở cơ sở sản xuất gạch bê tông, do chưa có mặt bằng, chị đi thuê mượn diện tích đất trống của những gia đình xung quanh và đầu tư một máy ép gạch thủ công loại nhỏ để sản xuất. Năm 2008, công việc thuận lợi, chị mua thêm 2 máy ép gạch sản xuất theo dây chuyền (1 dây chuyền tự động, 1 dây chuyền bán tự động).

Thời gian này, cơ sở sản xuất gạch bê tông của chị tạo công ăn việc làm cho 6 - 7 nhân công với mức thu nhập 1,5 - 1,7 triệu đồng/người/tháng. Sau 6 năm hoạt động, cơ sở của chị đã đáp ứng được nhu cầu của thị trường, ngày càng phát triển. Nhận thấy mặt bằng sản xuất quá chật hẹp, chị đã làm đơn và được các cấp chính quyền địa phương quan tâm, tạo điều kiện cho đấu thầu mảnh đất có diện tích 1.288 m2 tại thôn Giáo Nghĩa để mở cơ sở sản xuất mang tên Quang Lanh, chuyên sản xuất gạch không nung và làm dịch vụ nông nghiệp. Hiện tại, cơ sở của chị tạo công ăn việc làm cho 18 - 20 nhân công với mức thu nhập 2,4 - 2,5 triệu đồng/người/tháng.

Công việc kinh doanh thành công, trừ tất cả các chi phí, mỗi năm gia đình chị thu nhập khoảng 120 triệu đồng, cuộc sống ổn định, có thêm điều kiện chăm lo cho con cái học hành, xây dựng nhà cửa khang trang, mua sắm các phương tiện, máy móc hiện đại phục vụ cho việc kinh doanh và sản xuất nông nghiệp.

Là người năng động, nhiệt tình trong mọi phong trào của địa phương, nói đi đôi với làm, mặc dù tuổi đời còn trẻ nhưng chị Lanh đã được cán bộ và nhân dân thôn Giáo Nghĩa tín nhiệm bầu giữ chức trưởng thôn. Ở cương vị người khác, bận mải với công việc kinh doanh, có lẽ họ sẽ từ chối, nhưng chị Lanh thì không hề ngần ngại. Với chị, đó như là cơ hội để “thử sức” bản thân. Chỉ mới đảm nhiệm cương vị trưởng thôn từ đầu năm 2013 nhưng chị đã thể hiện được nhiệt huyết và trách nhiệm trong công việc.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ mà không ảnh hưởng đến việc kinh doanh, chị đã lên kế hoạch cụ thể, sắp xếp thời gian hợp lý. Đảm nhiệm cương vị trưởng thôn được ví như việc “làm dâu trăm họ”, trong quá trình công tác cũng gặp phải rất nhiều khó khăn, cũng có người ủng hộ, người không ủng hộ. Điển hình như nhiều người dân chưa đồng thuận trong việc huy động đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng theo tiêu chí nông thôn mới, chị đã lấy khó khăn làm động lực, đi đến tận nơi, gõ cửa từng nhà để tuyên truyền, vận động, phân tích cho mọi người hiểu ý nghĩa to lớn, lợi ích lâu dài của chương trình xây dựng nông thôn mới, từ đó tích cực tham gia.

Khi được hỏi: “Đã khi nào chị cảm thấy mệt mỏi và muốn dừng công việc như người ta vẫn thường nói là “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” chưa?”, chị Lanh cười tươi, chia sẻ: “Là phụ nữ, đảm nhiệm cùng lúc hai công việc, nhiều khi cũng thấy mình hơi “tham”, cũng có những lúc mệt mỏi nhưng được các thành viên trong gia đình động viên, tạo điều kiện, bà con ủng hộ nên tâm lý cũng thoải mái, yên tâm công tác và luôn tự hứa với bản thân phải thực hiện tốt hơn nữa công việc, trách nhiệm của mình”.

Thanh Huyền

  • Từ khóa