Thứ 5, 21/11/2024, 20:01[GMT+7]

Người cựu chiến binh bỏ phố về quê làm kinh tế

Thứ 6, 06/12/2013 | 08:03:44
1,634 lượt xem
Đã gần 7 năm nay, cựu chiến binh Phạm Đình Như bỏ phố về quê làm kinh tế. Vốn là người gốc phường Hoàng Diệu, Thành phố Thái Bình nhưng cuộc sống gấp gáp nơi đô thị không giữ được chân ông ở lại. Năm 2005, ông cùng vợ về vùng đất ven đê xã Trà Giang (Kiến Xương) để định cư và làm kinh tế.

Anh Phạm Đình Như bên đầm cá của gia đình.

Sinh năm 1955, 21 tuổi vào quân ngũ. Năm 1983, anh xuất ngũ về quê  với thương binh hạng 4/4. Ngày ấy cuộc sống khó khăn vất vả, cơm không đủ ăn, chỉ biết quẩn quanh với mấy sào ruộng và mảnh vườn. Cuối năm 1983, anh Phạm Đình Như quyết định đi buôn. Nay Yên Bái, mai Lào Cai, Sơn La, Điện Biên, với đủ loại mặt hàng như: chổi đót, gỗ, chè, măng… Có thời điểm anh đi khắp trong Namon> ngoài Bắc để buôn hàng.

Tuy nhiên thời điểm này, đất nước vẫn trong thời kỳ bao cấp, các hoạt động buôn bán tư nhân bị kiểm soát chặt chẽ. Tới khi nhà nước phá bỏ kinh tế bao cấp chuyển sang kinh tế thị trường, những người đi buôn như anh mới có của ăn, của để. Chắt chiu bao năm buôn bán, anh có chút vốn liếng mua đất, làm nhà. Những tưởng gắn bó với cái nghề kinh doanh buôn bán này cho tới lúc già, thế nhưng anh Như lại chọn hướng khác. “Người ta khi có của ăn, của để thì ung dung ngồi hưởng thụ. Đằng này mình lại muốn về với ruộng vườn, ao cá. Cũng do cái sở thích muốn thỏa sức vùng vẫy chốn thôn quê thanh bình nên tôi mới làm vậy. Lúc đầu vợ con phản đối nhưng rồi ai cũng ủng hộ tôi”. Anh Phạm Đình Như cho biết thêm.

Năm 2005, anh quyết định dừng việc kinh doanh buôn bán, đi khắp các huyện Hưng Hà, Đông Hưng, Thái Thụy, Tiền Hải “chọn đất gửi vàng”, cuối cùng hai vợ chồng cũng tìm cho mình được nơi ưng ý. Mảnh đất rộng 5ha nằm nép mình bên đê Trà Giang, ngay cạnh dòng sông Trà Lý rất lý tưởng cho những người muốn chăn nuôi. Sau khi đã chọn chỗ ưng ý, anh gặp chính quyền địa phương làm thủ tục thuê đất. Anh Như chia sẻ: “Khi tôi rời phố về đây lập nghiệp, người dân của xã này đều lắc đầu ngán ngẩm.

Cả vùng bãi bạt ngàn chỉ có bèo tây với cỏ lau. Tôi phải thuê người về vớt bèo bồng. Đầu tư 120 triệu để cải tạo đầm, trồng cây xung quanh. Ngày ấy 120 triệu đồng có giá lắm nhưng đã làm là phải quyết tâm làm đến cùng”. Sau hơn 2 năm lặn ngụp với bùn đất nơi vùng bãi, một cơ ngơi khang trang, quy mô dần hiện ra. Hiện nay, vợ chồng anh Như đã có 7 đầm cá với tổng diện tích hơn 9 mẫu. Mỗi năm thu hoạch 2 vụ cá, mỗi ao thu từ 5 – 7 tấn cá, chủ yếu là cá chim, trắm, trôi, mè, chép… Bên cạnh đó, anh đầu tư hơn 10 ô chuồng nuôi hơn 60 con lợn thịt. Tận dụng không gian chuồng trại, anh đầu tư nuôi thêm gà thả vườn, bồ câu Pháp.

Chăn nuôi thuận lợi và hiệu quả nhưng lựa chọn cây trồng phù hợp trên vùng đất bãi không đơn giản, anh Như tâm sự: “Lúc đầu tôi trồng quất cảnh, lấy giống từ phường Hoàng Diệu, sau đó trồng thêm bạch đàn, keo tai tượng và mây. Tuy nhiên những cây này không phù hợp với đất bãi. Cuối cùng tôi chuyển sang trồng chuối. Cây chuối phát triển tốt, năng suất cao lại dễ trồng”. Sau 2 năm trồng chuối, anh bắt đầu thu lãi. Mỗi năm trừ chi phí, gia đình anh thu về hơn 250 triệu đồng. Năm nào không có bão gió, năng suất chuối cao gia đình anh thu về hơn 300 triệu đồng. Mặc dù sức khỏe không được tốt nhưng chính niềm vui từ lao động đã giúp anh vượt qua bệnh tật.

Khu trang trại của gia đình anh lớn nhất nhì khu chuyển đổi ngoài đê của xã Trà Giang, tự hào hơn khi chính anh là người đầu tiên đặt chân đến khai phá vùng này và tạo việc làm cho 7 – 8 lao động địa phương với mức thu nhập 60.000 - 80.000 đồng/ngày. Một vụ cá nữa lại đến, vườn chuối bạt ngàn đang hứa hẹn cái tết sung túc.

Tất Đạt

  • Từ khóa