Chủ nhật, 19/05/2024, 14:43[GMT+7]

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Đầu tư công sửa đổi, Luật Quản lý thuế sửa đổi và Luật Kiến trúc

Thứ 5, 13/06/2019 | 15:52:55
842 lượt xem
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, sáng 13/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội họp toàn thể hội trường, biểu quyết thông qua Luật Quản lý thuế (sửa đổi).

Đại biểu Bùi Quốc Phòng phát biểu tại hội trường.

Audio: 1406_nhunga_quochoi_dautucong_mixdown.mp3

Với 442/453 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 91,32%, Quốc hội chính thức thông qua Luật Quản lý thuế (sửa đổi). Dự thảo Luật gồm 17 chương và 152 điều, quy định việc quản lý các loại thuế, các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước. Luật xác định người nộp thuế bao gồm: Tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế; Tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân nộp các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước; Tổ chức, cá nhân khấu trừ thuế. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020. Đối với quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử của Luật này có hiệu lực từ ngày 01/7/2022. Đối với các khoản thuế được miễn, giảm, không thu, xóa nợ thuế phát sinh trước ngày 01/7/2020 thì tiếp tục xử lý theo quy định của Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 21/2012/QH13, Luật số 71/2014/QH13 và Luật số 106/2016/QH13

Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi) với 439/450 đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành (chiếm 90,70 tổng số đại biểu Quốc hội). Theo đó, Luật Đầu tư công (sửa đổi) quy định việc quản lý nhà nước về đầu tư công; quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư công. Luật được áp dụng đối với cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động đầu tư công, quản lý và sử dụng vốn đầu tư công. Luật Đầu tư công (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020. Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Tiếp đó, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi). Tổng cộng đã có 18 đại biểu phát biểu, 4 đại biểu tranh luận thể hiện sự tán thành với sự cần thiết ban hành luật, tán thành với nhiều nội dung của dự thảo và báo cáo thẩm tra. Các đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát hoàn chỉnh nội dung của dự thảo để đảm bảo tính thống nhất, cụ thể, khả thi. Rà soát chỉnh lý các quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ của dân quân tự vệ đảm bảo mục tiêu của luật là phải giải quyết hài hòa, hợp lý giữa việc xây dưng lực lượng dân quân tự vệ có bản chất là lực lượng vũ trang quần chúng không thoát ly sản xuất, vững mạnh rộng khắp, chú trọng vùng biên giới hải đảo nhưng phải tinh gọn trong tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả, tránh dàn trải nguồn lực. 

Đại biểu Bùi Quốc Phòng - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia phát biểu một số nội dung như: Việc xác định nguồn mở rộng lực lượng dân quân tự vệ; về công dân thực hiện nghĩa vụ tự nguyện tham gia dân quân tự vệ, quản lý dân quân tự vệ, đề nghị bổ sung quy định lồng ghép giữa công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ với tham gia nghĩa vụ quân sự; đề nghị quy định cụ thể chi tiết về tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp;…

Buổi chiều, Quốc hội làm việc tại hội trường nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Kiến trúc và tiến hành biểu quyết thông qua dự thảo Luật Kiến trúc. Tiếp đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi).


Vũ Sơn Tùng

(Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh)


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày