Thứ 7, 21/12/2024, 23:43[GMT+7]

Thái Thụy: Chủ động phòng, chống ngập úng

Thứ 5, 18/07/2019 | 08:38:42
1,549 lượt xem
Thái Thụy là huyện ven biển, đặc điểm địa hình thấp dần về phía biển, có nhiều vùng thấp xen kẽ, úng trũng. Vì vậy, công tác phòng, chống ngập úng trong mùa mưa bão luôn được các cấp, ngành chức năng của huyện quan tâm, triển khai thực hiện nhằm giảm thiểu thiệt hại do mưa, lũ gây ra.

Công nhân trạm bơm Hệ, xã Thụy Ninh (Thái Thụy) vớt bèo bồng giải phóng dòng chảy.

Các diện tích úng trũng trên địa bàn huyện Thái Thụy được phân thành 2 lưu vực khu Nam và khu Bắc huyện với tổng diện tích thường xuyên ngập úng là 1.473ha. Trong đó, lưu vực khu Nam huyện khoảng 770ha, tập trung ở các xã: Thái Thuần, Thái Hồng, Thái Thủy và vùng Bà Đa (Thái Hưng); lưu vực khu Bắc huyện khoảng 703ha, tập trung ở lưu vực sông Sinh thuộc các xã: Thụy Chính, Thụy Ninh, Thụy Duyên, Thụy Dân, Thụy Phúc, Thụy Lương, Thụy An, Thụy Trình, Thụy Dũng. Ngoài ra, toàn huyện có 1.010ha nuôi trồng thủy sản ngoài đê chính gần khu ven biển đa số có địa hình thấp, trũng. Đặc biệt, tại thị trấn Diêm Điền, dân cư sinh sống từ khu 1 đến khu 5 nằm ngoài đê chính, thường xuyên bị ngập do nước biển dâng khi bão, áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào đất liền gặp triều cường.

Hiện nay, hệ thống công trình phục vụ chống úng trên địa bàn huyện Thái Thụy cơ bản đáp ứng được yêu cầu phòng, chống ngập úng trong mùa mưa bão. Trong đó, hệ thống đường bờ bao vùng trong toàn huyện là hơn 36,8km và 30km đường bờ bao nội vùng để chống úng cho từng khu vực cục bộ ở các xã Thái Hồng, Thái Thủy, vùng đồng Ba Đạc 80 và xã Thái Thuần.  Toàn huyện có 3 trạm bơm tiêu lớn, tổng công suất 107.000m3/h gồm: trạm bơm Thủy Nguyên (Thái Thủy), trạm bơm Hệ (Thụy Ninh) và trạm bơm Khái Lai (Thái Hồng). Ngoài ra còn có các trạm bơm nhỏ ở các xã Thụy Dân, Thụy Ninh, Thụy Chính, Thụy Phúc, Thụy An, Thái Thủy, Thái Thuần... tiêu nước  kết hợp khi có úng cục bộ.

Để bảo đảm việc vận hành và hoạt động ổn định hệ thống công trình phục vụ chống úng, ngay trước mùa mưa bão năm nay, Thái Thụy đã chỉ đạo các ngành, đơn vị, địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng, sửa chữa, nâng cấp và gia cố các công trình thủy lợi, tổ chức nạo vét, khơi thông dòng chảy, cống tiêu thoát nước. 

Ông Lê Ngọc Huyên, Giám đốc Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện cho biết: Trước mùa mưa bão năm nay, Xí nghiệp đã chủ động xây dựng phương án tiêu úng đồng thời tiến hành kiểm tra, sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống trạm bơm tiêu, thường xuyên khơi thông, giải phóng dòng chảy trên hệ thống sông trục do đơn vị quản lý. Tính đến hết tháng 5,  Xí nghiệp và các địa phương trong huyện đã giải phóng dòng chảy được hơn 1,5 triệu m2 rau, bèo, vật cản... tại các sông trục, qua đó bảo đảm dòng chảy luôn thông thoáng và không bị ách tắc.

Theo ông Bùi Huy Tập, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện: Để chủ động phòng, chống úng trong mùa mưa bão năm 2019, UBND huyện đã thành lập tiểu ban phòng, chống úng gồm 11 người do đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện phụ trách lĩnh vực nông nghiệp làm trưởng tiểu ban. Đồng thời, xây dựng và triển khai phương án phòng, chống ngập úng tới các ngành, đơn vị, địa phương. Ngoài ra, huyện còn phối hợp với Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Thái Bình kiểm tra công tác chống úng và việc vận hành cống, trạm bơm tiêu qua đê để sẵn sàng phục vụ công tác chống úng trong mùa mưa bão năm nay.

Mặc dù đã được các cấp, ngành, địa phương tăng cường công tác chỉ đạo, thực hiện nhưng công tác phòng, chống úng trên địa bàn huyện Thái Thụy hiện cũng gặp không ít khó khăn. Trong đó, một số hệ thống cống, đập phục vụ tưới, tiêu lớn trên địa bàn huyện đang bị xuống cấp nghiêm trọng như cống Mai Diêm, cống Láng Quai, cống Thụy Việt 1; hệ thống sông trục, kênh dẫn lớn cần nhiều kinh phí để đầu tư nạo vét, khơi thông dòng chảy; bờ vùng chống úng còn thấp, nhỏ chưa đáp ứng được khoanh vùng chống úng nên còn để xảy ra tình trạng úng lụt cục bộ. Ngoài ra, việc thực hiện phương án phòng, chống thiên tai ở một số địa phương còn mang tính hình thức, tư tưởng chủ quan; sự phối hợp giữa người dân và chính quyền chưa cao, đặc biệt tại các khu vực nuôi trồng thủy sản ngoài đê chính ở các xã ven biển. Vì vậy, thời gian tới, bên cạnh việc phải đầu tư nâng cấp các công trình cống đập đang bị xuống cấp, huyện Thái Thụy cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền người dân chủ động phương án phòng, chống ngập úng tại các vùng nuôi trồng thủy sản. Hướng dẫn hộ nuôi trồng thủy sản thực hiện các biện pháp chống tràn bờ bao, tiêu nước, phòng bệnh cho động vật thủy sản...


Trần Tuấn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày