Thứ 7, 23/11/2024, 04:38[GMT+7]

Các địa phương, đơn vị phòng, chống bão số 2

Thứ 7, 12/06/2021 | 16:47:07
4,084 lượt xem

Nông dân xã Vũ Phúc chăm sóc cây màu sau mưa lớn. Ảnh: Minh Nguyệt

* Thành phố 

Để chủ động phòng, chống bão số 2, Ban Chỉ huy PCLB thành phố Thái Bình đã chỉ đạo các địa phương tập trung tuyên truyền nông dân huy động máy móc, nhân lực thu hoạch lúa xuân với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”. Đến chiều ngày 12/6, nông dân thành phố đã cơ bản thu hoạch xong lúa xuân.

Các phường, xã, các ngành, đơn vị đã chủ động kiểm tra xây dựng phương án về nhân lực, vật tư, phương tiện phục vụ công tác phòng, chống lụt, bão theo phương châm “4 tại chỗ”; xây dựng phương án bảo đảm an toàn cho người, tài sản, phương tiện và công trình đang thi công. Hệ thống đài truyền thanh tăng thời lượng tuyên truyền về diễn biến cơn bão để nhân dân biết, chủ động phòng tránh. Điện lực thành phố có phương án bảo đảm cấp điện ổn định, an toàn cho công tác phòng, chống bão, xử lý kịp thời các sự cố về điện do bão gây ra. Các lực lượng công an, quân sự thực hiện phương án bảo đảm an ninh trật tự, chuẩn bị vật tư, phương tiện và bố trí cán bộ chiến sĩ sẵn sàng xử lý các tình huống khi được huy động. Cùng với đó, các thành viên Ban Chỉ huy PCLB thành phố, lãnh đạo các phòng, ban căn cứ nhiệm vụ được phân công tổ chức trực ban, thường xuyên kiểm tra hiện trường để chủ động xử lý các tình huống do mưa bão gây ra.

* Quỳnh Phụ

Do ảnh hưởng của bão số 2, trên địa bàn huyện Quỳnh Phụ đầu giờ chiều ngày 12/6 đã xuất hiện mưa lớn. 

Đặc biệt, tại khu vực xã An Vũ, vào khoảng 13 giờ 15 phút, mưa giông xuất hiện lốc xoáy  khiến cơ sở vật chất của nhiều trụ sở bị hư hại. Theo báo cáo của UBND xã An Vũ, lốc xoáy đã làm bay hệ thống tường bao, cổng dậu phía trước trụ sở UBND xã, tốc 200m2 mái tôn nhà làm việc khu đoàn thể, gẫy 4 cột điện và nhiều cây cối trong khuôn viên. Tại Trường Mầm non xã, tốc mái nhà để xe, khu vui chơi của học sinh, mái tôn nhà hiệu bộ, cùng nhiều vật chất. Trường Tiểu học và THCS An Vũ đổ 400 m tường bao, bay toàn bộ mái tôn chống nóng khu nhà 10 phòng học, sập lán xe, nhiều cây to gãy đổ… Ước tính tổng thiệt hại trên 2,4 tỷ đồng.

Ngay sau khi xảy ra sự việc, lãnh đạo huyện Quỳnh Phụ đã có mặt tại hiện trường chỉ đạo công tác tìm kiếm, cứu nạn, khắc phục sự cố thiên tai. Ban Chỉ huy Quân sự huyện huy động 20 cán bộ, nhân viên phối hợp cùng lực lượng tại chỗ nhanh chóng khắc phục hậu quả, đến 16 giờ 30 công tác thu dọn hiện trường tại các địa điểm đã cơ bản hoàn tất. 

Nhiều cây xanh tại xã An Vũ gãy, đổ do ảnh hưởng của bão số 2. 

Trường Tiểu học và THCS An Vũ, xã An Vũ bị thiệt hại do ảnh hưởng của bão số 2. 

Cán bộ, chiến sỹ Ban Chỉ huy Quân sự huyện Quỳnh Phụ khắc phục hậu quả thiên tai tại xã An Vũ. Ảnh: Trịnh Cường 

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Quỳnh Phụ chỉ đạo các địa phương khẩn trương triển khai các phương án ứng phó với bão số 2, huy động lực lượng ứng trực 24/24 sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ. Trong đó, rà soát, kiểm tra toàn bộ các công trình đang thi công, hệ thống đê, kè, cống. Tập trung chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học, chú ý các hộ dân sống trong nhà không bảo đảm an toàn, khu vực nuôi trồng thuỷ sản ven sông…

Hiện tại, huyện Quỳnh Phụ đã cơ bản hoàn thành thu hoạch lúa xuân, 700/1.000 ha cây màu xuân đang cho thu hoạch, huyện yêu cầu các địa phương rà soát, khẩn trương đôn đốc nông dân tập trung nhân lực, phương tiện thu hoạch diện tích lúa xuân còn lại và hoa màu đến kỳ thu hoạch để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của bão số 2.

* Hưng Hà 

Đến nay, huyện Hưng Hà còn hơn chục ha lúa xuân chưa thu hoạch. Bên cạnh đó, nông dân trong huyện đã gieo trồng trên 2.800ha cây màu hè trên đất lúa; trên 1.500ha ha cây màu trên đất bãi ở 14 xã duyên giang, chủ yếu là rau, đậu, đỗ, dưa các loại... Trước ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão, huyện Hưng Hà đã chỉ đạo các địa phương trong huyện chủ động ứng phó với diễn biến của bão số 2.

Nông dân Hưng Hà khẩn trương thu hoạch lúa xuân. Ảnh: Mai Thư 

Tiến hành kiểm tra, rà soát, đôn đốc việc cắt tỉa cành cây, chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học, bệnh viện và các lồng bè nuôi trồng, đánh bắt thủy sản ven sông. Xây dựng phương án sẵn sàng di dời số lao động nuôi trồng thủy sản và các hộ dân sinh sống trong khu vực nguy hiểm, các vùng bãi thấp vào nơi an toàn. Các địa phương chủ động chuẩn bị đẩy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện theo phương án đã phê duyệt tại các trọng điểm xung yếu đê, kè, cống để kịp thời xử lý khi có sự cố xảy ra. Các đơn vị liên quan kiểm tra hệ thống công trình đê điều và thủy lợi. Đặc biệt là các trọng điểm xung yếu, khu vực thấp, trũng. Đồng thời, chủ động điều tiết mực nước trong hệ thống, khơi thông dòng chảy, bảo đảm phục vụ sản xuất và phòng mưa lớn gây ngập úng. Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện để xử lý kịp thời các tình huống xảy ra nhằm bảo vệ an toàn cho người, tài sản và hoạt động sản xuất.

* Kiến Xương 

Để chủ động ứng phó với bão số 2, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Kiến Xương đã có công điện khẩn gửi ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp, các ngành, các xã, thị trấn thực hiện các biện pháp chủ động ứng phó với bão.

Cống Dục Dương trên tuyến đê hữu Trà Lý thuộc địa phận xã Quốc Tuấn (Kiến Xương) bảo đảm cho công tác phòng, chống lụt bão. Ảnh: Thu Thủy 

Theo đó, các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền để bà con nông dân khẩn trương thu hoạch lúa xuân còn lại và diện tích hoa màu đã đến kỳ thu hoạch với phương châm “Xanh nhà hơn già đồng” đề phòng mưa to, gió lớn gây thiệt hại. Nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi từ 12 giờ 00 phút ngày 12/6, khẩn trương kêu gọi, kiểm đếm sắp xếp và hướng dẫn tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn không để xảy ra va chạm và chìm tàu tại nơi neo đậu. Đôn đốc các địa phương tổ chức cắt tỉa cành cây, chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học, bệnh viện và các lồng bè, trang trại nuôi trồng thủy sản. Kiểm tra, rà soát phương án bảo vệ các trọng điểm đê, kè, cống xung yếu, nếu phát hiện thấy công trình không bảo đảm an toàn thì phải chủ động huy động lực lượng, phương tiện, vật tư để xử lý, củng cố ngay. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời triển khai ứng cứu khi có yêu cầu; tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên tổng hợp, báo cáo về Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện.

* Thái Thụy 

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Thái Thụy, tính đến 16h ngày 12/6, toàn bộ số lượng tàu, thuyền hoạt động khai thác thủy sản trên địa bàn huyện với 529 phương tiện/1.827 lao động đã vào nơi tránh trú an toàn. Các địa phương ven biển đã thực hiện di dời 234 lao động đang làm việc tại 251 chòi trông coi ngao vào nơi an toàn.  

Tàu thuyền của ngư dân Thái Thụy neo đậu vào nơi an toàn. Ảnh: Trần Tuấn 

Để chủ động ứng phó với cơn bão số 2, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Thái Thụy đã họp khẩn để chỉ đạo công tác phòng, chống; các đồn Biên phòng đóng trên địa bàn huyện đã liên lạc, thông báo cho chủ các phương tiện đang hoạt động trong vùng nguy hiểm biết các thông tin về cơn bão để chủ động ứng phó; yêu cầu chủ các phương tiện nhanh chóng thoát ra hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm; chủ động tìm nơi tránh trú an toàn, quản lý chặt chẽ hoạt động của tàu thuyền. Ngoài ra, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện chỉ đạo các xã, thị trấn khẩn trương thu hoạch toàn bộ diện tích lúa xuân còn lại và diện tích hoa màu đã đến kỳ thu hoạch; Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện kiểm tra, rà soát các công trình thuỷ lợi, chủ động điều tiết nước trên hệ thống, đề phòng mưa lớn gây ngập úng lúa, hoa màu và vùng trũng thấp…           

* Vũ Thư

Thời điểm này, huyện Vũ Thư còn trên 10 ha lúa xuân chưa thu hoạch. Nông dân đã thu hoạch xong cây màu xuân, còn gần 2.500 ha cây màu vụ hè, trên 50ha đang trong giai đoạn mới gieo trồng hoặc đang bắt đầu cho thu hoạch. Toàn huyện có 112 lồng cá trên các sông Hồng và Trà Lý, trên 1.000 ha nuôi trồng thuỷ sản dễ bị ảnh hưởng, thiệt hại nếu mưa bão lớn xảy ra. Nhận được thông tin áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão, trong ngày 12/6, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Vũ Thư đã ban hành 2 công điện khẩn, chỉ đạo các ngành, đơn vị, địa phương kịp thời chủ động ứng phó với diễn biến của bão số 2.

Nông dân xã Minh Quang che chắn, bảo vệ cây màu hè phòng, chống bão số 2.  

Ngay chiều ngày 12/6, huyện đã thành lập các đoàn trực tiếp kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo các địa phương khẩn trương triển khai các biện pháp phòng ngừa thiệt hại có thể xảy ra do bão số 2 như khẩn trương thu hoạch xong diện tích lúa xuân còn lại, thu hoạch gấp cây màu xuân, hè đến thời kỳ thu hoạch, tiến hành gia cố vững chắc lồng bè, quây chắn ao nuôi bảo vệ thủy sản, cắt tỉa cành cây, chằng chống nhà cửa, bảo vệ cơ sở vật chất cơ quan, đơn vị, trường học.

Xã Bách Thuận huy động lực lượng giải toả dòng chảy khu vực cống Tân Đệ để bảo đảm tiêu thoát nước nhanh phòng chống úng.  Ảnh: Quỳnh Lưu

Dự báo cơn bão số 2 gây ra lượng mưa lớn, huyện chỉ đạo Xí nghiệp Khai thác công trình thuỷ lợi huyện và các địa phương nỗ lực hạ thấp mực nước trong hệ thống đề phòng ngập úng gây hại cây màu vụ hè; tiếp tục khơi thông dòng chảy, sẵn sàng vận hành đóng mở các cống qua đê theo chỉ đạo của huyện. Ngoài ra, Hạt Quản lý đê huyện và các xã duyên giang rà soát, kiểm tra, kịp thời báo cáo mọi tình huống phát sinh nếu có trên hệ thống các tuyến đê quốc gia, đê bối, đê bao toàn huyện; sẵn sàng nhân lực, vật tư hộ đê khi cần thiết.

Cùng với các cơ quan đơn vị, địa phương, huyện tuyên truyền vận động các hộ dân kiểm tra bảo đảm nhà ở an toàn để trú tránh khi bão xảy ra, với các hộ già cả neo đơn, nhà ở không bảo đảm thì cần chủ động phối hợp với chính quyền cơ sở để di dời nếu bão to, mưa lớn xảy ra.

* Đông Hưng 

Để chủ động ứng phó với bão số 2, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Đông Hưng đã đẩy mạnh tuyên truyền, yêu cầu các đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm các công điện của tỉnh, đồng thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo nhằm giảm thấp nhất thiệt hại cho nhân dân khi bão vào địa bàn.

Phụ nữ xã Minh Phú khơi thông dòng chảy phòng, chống ngập úng do bão số 2. 

Đến 18 giờ  ngày 12/6, các đơn vị, địa phương trên địa bàn huyện đã hoàn tất việc cắt tỉa cành cây, chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học, bệnh viện, trạm xá và các lồng bè, trang trại nuôi trồng, đánh bắt thủy sản ven sông. Toàn bộ số lao động nuôi trồng thủy sản và các hộ dân sinh sống ở các khu vực nguy hiểm ngoài đê chính, ngư dân trên các phương tiện đánh bắt thủy sản đã neo đậu trên địa bàn đã được di dời đến nơi an toàn. Các bến đò ngang sông đã tạm dừng hoạt động. Bên cạnh đó, các địa phương cũng tập trung cùng bà con nông dân khẩn trương thu hoạch nhanh gọn cây trồng có thể thu hoạch được, có biện pháp chống úng những diện tích mạ mùa sớm, đặc biệt là ở vùng có khả năng bị ngập úng. Gia cố, xử lý các trọng điểm đê, kè, cống xung yếu. Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện thực hiện đóng các cống tưới, bố trí lực lượng trực 24/24 giờ , tranh thủ mở cống tiêu, triệt để tiêu nước, tổ chức khơi thông dòng chảy trên hệ thống các sông trục, sông dẫn. Các địa phương sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời triển khai ứng cứu khi có yêu cầu.

Trạm bơm Hậu Thượng mở 2 cống tiêu nước phòng, chống úng cho cây trồng. Ảnh: Thu Hiền 

* Bộ CHQS tỉnh

Để chủ động ứng phó với bão số 2, Bộ CHQS tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị trực thuộc thực hiện các biện pháp phòng, chống bão, kiểm tra hệ thống kho tàng, doanh trại, chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng cơ động tham gia phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Lực lượng vũ trang tỉnh sẵn sàng ứng phó với bão số 2 và tham gia tìm kiếm cứu nạn. Ảnh: Tất Đạt 

Bộ CHQS tỉnh duy trì gần 500 cán bộ, chiến sĩ bộ đội thường trực, gần 1.500 chiến sĩ dự bị động viên và lực lượng dân quân tự vệ ở cơ sở cùng 3 xe ô tô các loại, 29 tàu xuồng tìm kiếm cứu nạn, 254 nhà bạt các loại, 4.339 áo phao và các phương tiện, vật chất khác. Bộ CHQS tỉnh đã thành lập các đoàn công tác phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương đi chỉ đạo công tác phòng, chống bão tại các địa phương cơ sở; thường xuyên liên lạc phối hợp với các cơ quan chức năng, ban, ngành nắm chắc tình hình và các đơn vị của Bộ Quốc phòng, Quân khu 3 đứng chân trên địa bàn tỉnh sẵn sàng huy động phương tiện, lực lượng chủ động xử lý các tình huống hạn chế thấp nhất hậu quả do bão gây ra.

* Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, đến 15 giờ ngày 12/6, trên địa bàn hai huyện Thái Thụy và Tiền Hải có 1.011 phương tiện/2.819 lao động đã vào các khu neo đậu an toàn của tỉnh, 39 phương tiện/163 lao động hoạt động ngoài vùng biển Thái Bình đã vào neo đậu an toàn tại các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Đà Nẵng..., 2 phương tiện/20 lao động của tỉnh đang hoạt động tại tỉnh Nghệ An và Đà Nẵng. Hiện còn 112 phương tiện/421 lao động đang hoạt động tại khu vực ven biển Thái Bình. 100% các phương tiện đều liên lạc với gia đình, không có phương tiện hoạt động trong vùng nguy hiểm. Ngoài ra, số lao động tại các chòi canh trong, ngoài đê và các bãi triều nuôi trồng thủy hải sản đang được các đơn vị Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp kêu gọi, vận động vào bờ theo quy định.

Cán bộ Đồn Biên phòng Trà Lý kiểm tra thiết bị liên lạc trên tàu cá của ngư dân. Ảnh: Tất Đạt

Cùng với thực hiện công tác tuyên truyền, vận động, các đơn vị Bộ đội Biên phòng tỉnh đã triển khai lực lượng lập các tổ chốt chặn 24/24 giờ tại các cửa sông, cửa biển, cảng cá, bến cá, kiên quyết không để ngư dân ra khơi trước, trong thời điểm bão đổ bộ vào bờ. Ngoài ra, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 2 theo chỉ đạo của UBND tỉnh; đồng thời, thành lập các tổ công tác tăng cường xuống địa bàn hai huyện Thái Thụy và Tiền Hải để chỉ đạo, nắm tình hình và sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện ứng phó với bão.

* Công an tỉnh

Ban Chỉ huy ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Công an tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm túc các công điện của Văn phòng Bộ Công an, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ. Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị phối hợp với cấp ủy, chính quyền cơ sở khẩn trương chỉ đạo kiểm tra, rà soát việc cắt tỉa cây, chằng chống nhà cửa, kho tàng… di dời toàn bộ số lao động nuôi ngao, nuôi trồng thủy sản, hải sản và các hộ dân sinh sống trong khu vực nguy hiểm, các vùng bãi thấp ven sông, cửa sông, số ngư dân trên các phương tiện làm ăn trên sông, trên biển vào nơi an toàn. Riêng đối với công an hai huyện Tiền Hải và Thái Thụy phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh và chính quyền địa phương, các cơ quan doanh nghiệp vận tải, kêu gọi tàu, thuyền ở khu vực nguy hiểm về nơi tránh, trú an toàn; tổ chức theo dõi, kiểm đếm, kêu gọi, thông báo cho chủ phương tiện tàu, thuyền biết vị trí, hướng di chuyển của bão; quản lý chặt chẽ việc ra khơi, kiểm tra, hướng dẫn việc neo, đậu tàu, thuyền và thực hiện nghiêm lệnh cấm tàu, thuyền ra khơi của UBND tỉnh. Các đơn vị, công an các huyện, thành phố kiểm tra lại phương án phòng, chống lụt bão; sắp xếp hồ sơ tài liệu; chằng chống nhà cửa, kho tàng để chủ động phòng, chống bão và mưa lớn gây ngập lụt, đồng thời khẩn trương kiểm tra lại phương tiện, trang thiết bị, lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh… sẵn sàng bảo đảm phục vụ thường trực chiến đấu, cứu hộ, cứu nạn.

Nhóm phóng viên 



Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày