Thứ 7, 23/11/2024, 09:13[GMT+7]

Bão số 2 không gây thiệt hại nghiêm trọng

Chủ nhật, 13/06/2021 | 13:15:37
3,312 lượt xem
Sáng nay, bão số 2 có tên quốc tế là KOGUMA, sau khi đi vào khu vực từ Thái Bình đến phía Bắc Nghệ An đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Do ảnh hưởng của hoàn lưu sau bão, trong sáng nay trên địa bàn tỉnh vẫn có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7. Các khu vực trong tỉnh vẫn có mưa vừa, mưa to, tổng lượng mưa từ ngày 12/6 đến 7 giờ ngày 13/6 phổ biến từ 50 - 110mm, lượng mưa cao nhất tại xã Nam Cường (Tiền Hải) là 117.4mm.

Gia cố đê biển số 8 huyện Thái Thụy trước khi bão số 2 đổ bộ.

Để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới sau mạnh lên thành bão, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh đã khẩn trương tổ chức họp, ban hành các công điện: số 01/CĐ-PCTT hồi 13 giờ 30 phút ngày 11/6/2021, số 02/CĐ-PCTT hồi 06 giờ ngày 12/6/2021, số 03/CĐ-PCTT hồi 10 giờ ngày 12/6/2021; đồng thời, chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị trong tỉnh huy động mọi nguồn lực để ứng phó với bão và hoàn lưu bão gây ra, hạn chế thấp nhất những thiệt hại đối với sản xuất và đời sống nhân dân trong tỉnh.

Tại buổi kiểm tra công tác ứng phó với bão số 2 vào chiều ngày 12/6, đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương đảng, Bí thư Tỉnh ủy đặc biệt nhấn mạnh việc bảo đảm an toàn cho người lao động tại các tàu, thuyền, chòi ngao, bãi đầm nuôi trồng thủy sản; kêu gọi, kiểm đếm, sắp xếp và hướng dẫn các tàu, thuyền vào nơi tránh, trú an toàn. 

Theo báo cáo của Bộ đội Biên phòng tỉnh, trên địa bàn có tổng số 1.164 tàu, thuyền với 3.423 lao động làm ăn trên biển. Tính đến 21 giờ 30 phút ngày 12/6, tất cả các phương tiện đã neo đậu tại các nơi tránh trú an toàn. Trong đó, 48 phương tiện với 348 lao động đang neo đậu các bến ngoài tỉnh; 1.116 phương tiện với 3.075 lao động đã neo đậu tại các bến trong tỉnh. Toàn tỉnh có 1.311 chòi canh với 1.257 lao động canh coi trên các bãi ngao; 1.207 đầm với 1.929 lao động nuôi trồng thuỷ, hải sản ven sông, ven biển tập trung ở các huyện Thái Thuỵ, Tiền Hải, Hưng Hà. Với sự chỉ đạo khẩn trương, quyết liệt từ tỉnh đến huyện, trước khi bão vào, toàn bộ số lao động canh coi chòi ngao và số lao động nuôi trồng thủy, hải sản ven biển đã được di dời đến nơi an toàn. 

Các địa phương cũng đã tập trung phương tiện, nhân lực thu hoạch nhanh, gọn lúa xuân nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lớn. 

Tính đến hết ngày 12/6, diện tích lúa xuân đã thu hoạch đạt 75.015ha, bằng 98,4% tổng diện tích lúa xuân đã gieo cấy. Toàn tỉnh có 586 lồng nuôi cá trên sông, tất cả các hộ nuôi đã được thông tin về bão số 2; thực hiện gia cố thêm các neo, dây buộc, bổ sung dây thép vào phao bè. 

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2 đã làm 568ha rau màu của huyện Vũ Thư, Hưng Hà bị ảnh hưởng, dập nát, hai địa phương đang tập trung chỉ đạo các biện pháp khắc phục; tại huyện Thái Thụy, một số cây ăn quả, cây bóng mát ven đường bị đổ, gãy đang được rà soát, khắc phục.

Nông dân huyện Tiền Hải thu hoạch lúa trước khi bão số 2 đổ bộ.

Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, hai công ty khai thác công trình thủy lợi Bắc, Nam Thái Bình đã khẩn trương tiêu nước, hạ thấp mực nước trong hệ thống. Hồi 7 giờ ngày 13/6, mực nước trong đồng tại Trà Linh là 0,38m (mực nước biển là 0,3m); tại cầu Nguyễn (Đông Hưng) là 0,95m; tại Phúc Khánh (thành phố Thái Bình) là 1,1m. 

Ông Bùi Văn Tuân, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Nam Thái Bình cho biết: Thời gian tới, căn cứ vào diễn biến thời tiết, công ty sẽ có phương án điều tiết nước linh hoạt, hợp lý vừa bảo đảm tiêu nước cho diện tích lúa chưa thu hoạch, vừa giữ nước phục vụ công tác làm đất gieo cấy lúa mùa.

Neo đậu tàu thuyền tại cảng cá Tân Sơn.

Ngoài ra, giông, lốc xảy ra hồi 13 giờ 15 phút ngày 12/6 đã làm một số công trình của Trường Mầm non, Trường Tiểu học, THCS xã An Vũ (Quỳnh Phụ) bị hư hỏng; trụ sở UBND xã An Vũ có 50m tường bao bị đổ, tốc mái 200m2, gãy 04 cột điện, 03 cây xanh; một nhà dân bị tốc mái tôn, biển quảng cáo.

Lưu Ngần

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày