Thứ 7, 23/11/2024, 11:59[GMT+7]

Sẵn sàng phương án khi vừa ứng phó với thiên tai và dịch Covid-19

Thứ 5, 22/07/2021 | 17:16:02
774 lượt xem
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Nguyễn Văn Tiến đề nghị các địa phương chủ động rà soát các phương án ứng phó cụ thể với các tình huống thiên tai có thể xảy ra trên địa bàn trong bối cảnh dịch bệnh, đặc biệt là phương án sơ tán dân. Đồng thời, chuẩn bị các trang thiết bị cần thiết cho công tác phòng chống thiên tai, dịch bệnh; đảm bảo an toàn về sức khỏe, tính mạng của người dân và an toàn cho lực lượng phòng chống thiên tai.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Nguyễn Văn Tiến phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: NH)

Sáng 22/7, Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) tổ chức Hội nghị tập huấn trực tuyến toàn quốc Hướng dẫn xây dựng xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai trong bối cảnh dịch COVID-19. 

Hội nghị có sự tham gia của các chuyên gia về phòng chống thiên tai, chuyên gia y tế, chuyên gia truyền thông; lãnh đạo, cán bộ làm công tác phòng chống thiên tai. Hội nghị được kết nối tới 1.000 điểm cầu cấp tỉnh, huyện, xã với 550 quận, huyện, gần 6.000 xã trên toàn quốc với khoảng 15.000 đại biểu tham dự tại các đầu cầu.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Nguyễn Văn Tiến cho biết, tình hình thiên tai diễn biến rất phức tạp trên thế giới và tại Việt Nam thời gian gần đây. Công tác phòng chống thiên tai sẽ càng khó khăn, áp lực và nhiều thách thức hơn trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.

Ngay từ năm 2020, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai đã ban hành các văn bản hướng dẫn các địa phương chủ động rà soát, chuẩn bị phương án ứng phó với thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh. Tại Hội nghị về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành - Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã chỉ đạo các địa phương tập trung triển khai việc rà soát, hoàn thiện phương án ứng phó với từng tình huống thiên tai cụ thể có thể xảy ra trên từng địa bàn, đặc biệt cần rà soát phương án sơ tán dân phù hợp trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Chính vì vậy, việc hướng dẫn cho các địa phương xây dựng kế hoạch Phòng, chống thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 có ý nghĩa quan trọng, giúp các địa phương rà soát, xây dựng phương án ứng phó với thiên tai, vừa đảm bảo mục tiêu chống dịch. Từ đó, giúp các địa phương chủ động xây dựng được kế hoạch, phương án ứng phó với từng kịch bản thiên tai phù hợp với diễn biến dịch bệnh COVID-19.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh An, Quyền Trưởng Chương trình Chính sách Xã hội và Quản trị - tổ chức UNICEF tại Việt Nam, thiên tai và tác động của biến đổi khí hậu đã trở thành gánh nặng kép làm trầm trọng hơn tác động của COVID-19 đối với các hộ gia đình, đặc biệt hộ gia đình có trẻ em thuộc nhóm dân số dễ bị tổn thương. Trong đó, hạn hán nghiêm trọng và xâm nhập mặn tại 13 tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã làm trầm trọng thêm vấn đề thiếu nước sạch cho hầu hết các nhóm dân số thiệt thòi với gần 100.000 hộ gia đình thiếu nước uống và nước sinh hoạt an toàn trong đợt hạn hán năm 2020; 1/3 trường học tại những khu vực này không có nước sạch. Tất cả những yếu tố này ảnh hưởng nghiêm trọng tới tới thực hành vệ sinh của các hộ gia đình và trẻ em trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn ra phức tạp. Bà Nguyễn Thị Thanh An đánh giá cao vai trò của Hội nghị nhằm tạo ra những tác động tích cực với mục đích cuối cùng là giúp cho người dân và trẻ em được an toàn nhất.

Tại Hội nghị, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã đưa ra một số hướng dẫn để các địa phương tham khảo khi vừa tiến hành phòng chống thiên tai vừa phòng chống dịch bệnh. Cụ thể, trong công tác chuẩn bị khu sơ tán, cần xác định nhu cầu sơ tán về số hộ, số người để tiến hành bố trí. Lựa chọn các công trình có sức chống chịu với thiên tai, đủ diện tích giãn cách theo quy định phòng, chống dịch COVID-19, công trình phụ,…thuận tiện cho việc chăm sóc các đối tượng yếu thế và công tác tiếp tế.

Về tổ chức di chuyển sơ tán, chú ý bố trí nhóm người vào các khu phải hợp lý, trong đó, lưu ý nếu có F1, có triệu chứng nghi mắc COVID-19 cần cho vào khu cách ly. Với nhóm có nguy cơ thấp, không có triệu chứng của bệnh sẽ di chuyển vào khu sơ tán. Đồng thời, nên tổ chức di chuyển trước khi thiên tai ập đến, vào ban ngày. Lưu ý tại các vị trí đường không an toàn (ngập, hố sâu, …) cần có những chốt trực hướng dẫn.

Tại cửa vào, cần đo thân nhiệt, nộp khai báo y tế. Đặc biệt, cần có người chỉ huy chung trong công tác này. Ngoài ra, trong khu sơ tán, cần cố gắng đảm bảo về vấn đề an toàn thực phẩm; đảm bảo đủ nước uống cho mọi người.

Nhấn mạnh tới vai trò của công tác truyền thông trong phòng chống thiên tai và dịch bệnh, tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Thúy Ái – Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thiên tai cộng đồng (Tổng cục Phòng chống thiên tai) cho rằng, cần phải đảm bảo thông tin phải đi trước một bước, phải nhanh hơn thiên tai, bão lũ, dịch bệnh và đến được với tất cả mọi người.

Đáng chú ý, theo bà Ái, tại các xã vùng sâu, vùng xa, trong bối cảnh xảy ra thiên tai và dịch bệnh, lúc này hệ thống loa phát thanh của xã khả năng sẽ chịu ảnh hưởng, vì vậy, lúc này, có thể sử dụng đến phương án thông tin bằng loa truyền thanh di động cầm tay. Thực tế, qua việc khảo sát cho thấy việc người dân nhận được thông tin qua loa truyền thanh di động được lãnh đạo các thôn, ban, ngành đến từng xóm, khu vực tuyên truyền đạt hiệu quả cao.

Bên cạnh đó, thực tế đối với những vùng khó khăn, miền núi, nếu chỉ phụ thuộc vào loa phát thanh sẽ không thể đến được với toàn thể người dân. Chính vì vậy, bà Ái cho rằng, có thể cung cấp thông tin cho người dân thông qua cán bộ y tế, cán bộ xã, bà con lối xóm bằng hình thức truyền miệng, trực tiếp.

Kết luận Hội nghị, ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai đề nghị các địa phương cần chấp hành và thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch bệnh COVID-19, chung tay cùng cả nước chống dịch, dập dịch COVID-19 khẩn trương, hiệu quả. Để nếu khi thiên tai xảy ra, chúng ta chỉ còn phải tập trung phòng, chống thiên tai theo các kế hoạch, phương án và kịch bản đã chủ động xây dựng.

Bên cạnh đó, chủ động rà soát các phương án ứng phó cụ thể với các tình huống thiên tai có thể xảy ra ở địa phương trong bối cảnh dịch bệnh, đặc biệt phương án sơ tán dân, rà soát các địa điểm sơ tán, chuẩn bị các trang thiết bị cần thiết cho công tác phòng chống thiên tai, dịch bệnh; đảm bảo an toàn về sức khỏe, tính mạng của người dân và an toàn cho lực lượng phòng chống thiên tai.

Ông Nguyễn Văn Tiến đề nghị các địa phương cần trang bị kịp thời các trang thiết bị cho lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã; bổ sung các phương án ứng phó phòng chống thiên tai của địa phương đảm bảo thiết thực hiệu quả. Đặc biệt là việc tổ chức tập huấn kỹ năng cho lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã. Hiện nay, Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai đã xây dựng xong tài liệu tập huấn cho lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã và đang in ấn để phát xuống địa phương. Trong thời gian này, các địa phương có thể tải tài liệu phục vụ tập huấn trên trang website của Tổng cục Phòng chống thiên tai.

Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Tiến yêu cầu căn cứ vào điều kiện cụ thể của các địa phương để xem xét tổ chức diễn tập phương án phòng chống thiên tai trong bối cảnh COVID-19 đảm bảo thiết thực, hiệu quả và gắn với tình huống thực tiễn, từ đó rút kinh nghiệm để áp dụng thực tế khi có tình huống xảy ra.

Đồng thời, tăng cường công tác thông tin, truyền thông, hướng dẫn kỹ năng cho các cấp và người dân để sẵn sàng ứng phó khi có tình huống thiên tai xảy ra, đảm bảo mỗi người dân đều nắm được các hướng dẫn kỹ năng an toàn trong bối cảnh “thảm họa kép” thiên tai và dịch bệnh COVID-19 xảy ra./.

Theo dangcongsan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày