Thứ 7, 23/11/2024, 23:39[GMT+7]

Biển Đông có thể hứng bão 3 ngày tới

Thứ 2, 27/06/2022 | 15:24:57
986 lượt xem
Vùng áp thấp ở đảo Luzon (Philippines) khả năng đi vào Biển Đông và mạnh thành áp thấp nhiệt đới. Trong một kịch bản khác, hình thái này có thể thành bão với xác suất 40-60%.

Hình ảnh áp thấp nhiệt đới hoặc bão khả năng hình thành trên Biển Đông ngày 30/6. Ảnh: Windy.

Ngày 27/6, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết một vùng áp thấp đang tồn tại trên khu vực phía nam đảo Luzon (Philippines). Đêm nay và ngày mai, hình thái này đi vào khu vực bắc và giữa Biển Đông.

"Ngày 29/6-2/7, vùng áp thấp có thể mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới với xác suất khoảng 70-80%, sau khả năng thành bão với xác suất 40-60% trên khu vực bắc Biển Đông", cơ quan khí tượng nhận định.

Theo bản đồ dự báo Windy, vùng áp thấp khả năng tiến vào Biển Đông vào sáng 28/6. Hình thái này di chuyển chủ yếu theo hướng bắc tây bắc và mạnh dần lên, duy trì hoạt động dưới hình dạng là một cơn áp thấp nhiệt đới hoặc bão trong các ngày 30/6-2/7.

Chuyên gia dự báo từ chiều tối 29/6 đến ngày 2/7, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ nguy cơ xuất hiện một đợt mưa rào và dông, cục bộ mưa to. Cùng lúc, mưa cũng có thể xuất hiện ở Tây Nguyên và Nam Bộ.

Trong đợt này, người dân cần đề phòng các hiện tượng lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Đồng thời, các sông suối nhỏ thuộc Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ khả năng xảy ra một đợt lũ nhỏ. Khu vực miền núi nguy cơ sạt lở đất, lũ quét.

Từ ngày 29/6 trở đi, gió Tây Nam cũng mạnh dần lên cấp 5, sau tăng cấp 6, giật cấp 7-8 trên khu vực phía nam của Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa). Sóng cao 2-3 m, biển động.

Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết trong năm nay, Biển Đông có khoảng 10-12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới. Trong đó, 4-6 cơn khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Con số này ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Chuyên gia lưu ý người dân đề phòng những cơn bão có hướng di chuyển phức tạp, dồn dập trong các tháng cuối năm.

Vào mùa mưa (tháng 7-9), lượng mưa tại Bắc Bộ có khả năng ở mức xấp xỉ đến cao hơn cùng kỳ. Trái lại, khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có xu hướng thiếu hụt lượng mưa so với nhiều năm.

Tháng 10-11, ven biển Trung Bộ và Tây Nguyên được dự báo ghi nhận lượng mưa cao hơn trung bình nhiều năm, nguy cơ cao xảy ra mưa lớn dồn dập.

Trước mắt, cơ quan khí tượng cho biết trong khoảng thời kỳ giữa và cuối tháng 7, dải hội tụ nhiệt đới có khả năng được thiết lập qua khu vực miền Bắc. Do vậy, thời kỳ này có khả năng hình thành xoáy thuận nhiệt đới trên khu vực Biển Đông.

Theo zing.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày