Thứ 2, 29/07/2024, 03:32[GMT+7]

Thái Thụy: Bảo đảm hệ thống đê, kè trong mùa mưa bão

Thứ 2, 10/04/2023 | 08:11:04
1,299 lượt xem
Để bảo đảm an toàn tài sản của nhà nước, tính mạng và tài sản của nhân dân trong mùa mưa bão, huyện Thái Thụy đang gấp rút hoàn thành xây dựng, nâng cấp, sửa chữa các công trình phòng, chống thiên tai.

Thi công cống Mai Diêm (thị trấn Diêm Điền).

Cống Mai Diêm nằm trên tuyến đê biển số 8, đi qua địa bàn thị trấn Diêm Điền là hạng mục cuối cùng của dự án phát triển cơ sở hạ tầng ven biển hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu huyện Thái Thụy. Đây là công trình thủy lợi quan trọng có vai trò tiêu thoát nước cho khu vực tổ dân phố Mai Diêm, đặc biệt là khu công nghiệp Liên Hà Thái. Công trình được khởi công từ tháng 12/2022 với tổng mức đầu tư 8 tỷ đồng, đơn vị thi công xây dựng là Công ty TNHH Nam Thái. 

Ông Nguyễn Văn Linh, chỉ huy thi công công trình cống Mai Diêm, Công ty TNHH Nam Thái cho biết: Nhằm sớm đưa công trình vào sử dụng phục vụ công tác phòng, chống thiên tai năm 2023, đơn vị đã và đang tập trung nhân lực, máy móc, đẩy nhanh tiến độ thi công bảo đảm an toàn, chất lượng công trình. Đến đầu tháng 4/2023 công trình đã đạt gần 80% khối lượng xây lắp, phấn đấu hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng trước ngày 30/6/2023.

Cùng với cống Mai Diêm, thời gian qua huyện Thái Thụy tích cực chỉ đạo, đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục, công trình thuộc dự án phát triển cơ sở hạ tầng ven biển hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu huyện Thái Thụy. Đến nay, khối lượng xây lắp của dự án ước đạt 160 tỷ đồng, đạt trên 90%, trong đó một số hạng mục, công trình đã hoàn thành để phục vụ công tác phòng, chống thiên tai như tuyến kè và đường bờ sông Ngoại Trình dài gần 1km; nâng cấp tuyến đê biển 8, đoạn từ K33+130 đến K37+515 tổng chiều dài hơn 4km; tuyến kè và đường đỉnh kè bờ sông Diêm Hộ và sông Sinh (đoạn từ cảng Diêm Điền đến cống Diêm Điền) tổng chiều dài hơn 1,4km và xây dựng xong cống Láng Quai... Việc hoàn thành các hạng mục trên đã góp phần nâng cấp hạ tầng khu vực ven biển, tăng cường khả năng chống chịu cho hạ tầng nhà ở dân sinh trước những tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Là huyện ven biển, hàng năm chịu ảnh hưởng trực tiếp của nhiều cơn bão và hoàn lưu bão nên những năm qua huyện Thái Thụy đã được trung ương, tỉnh quan tâm đầu tư mới, tu bổ cơ sở hạ tầng phòng, chống thiên tai. Năm 2022, bằng nguồn vốn trung ương và tỉnh trên địa bàn huyện đã đầu tư gần 600 tỷ đồng để tu bổ, xây dựng công trình đê điều, thủy lợi, trong đó có một số công trình được đầu tư lớn như: xây mới cống 3 xã tại K3+000 đê cửa sông hữu Hóa, tổng mức đầu tư hơn 13 tỷ đồng; nâng cấp, hoàn thiện mặt cắt đê hữu Hóa đoạn từ K16+000 đến K19+700 (Thụy Ninh), tổng mức đầu tư 14 tỷ đồng; nâng cấp hệ thống tưới trạm bơm Hệ, tổng mức đầu tư 210 tỷ đồng; xây dựng kè chống sạt lở bờ, bãi sông đê tả Trà Lý, đoạn từ K46+520 đến K46+650 và đoạn từ K47+200 đến K48+000 (Thái Phúc) gần 17 tỷ đồng; xử lý nạo vét và gia cố sông N2, tổng mức đầu tư hơn 14 tỷ đồng... Ngoài ra, bằng nguồn vốn của địa phương, năm 2022 huyện tổ chức thi công hoàn thành công trình nạo vét và xây dựng các công trình: kênh trục cấp III (Thụy Trường) tổng mức đầu tư gần 3,5 tỷ đồng; nạo vét và kè nhánh kênh cầu Dừa, tổng mức đầu tư 6 tỷ đồng; nạo vét và xây dựng công trình trên kênh Nam Cường (Sơn Hà), tổng mức đầu tư gần 6 tỷ đồng; cải tạo hạ tầng vùng Ba Đạc 80, vùng thủy sản Thái Hồng, tổng mức đầu tư gần 7 tỷ đồng... Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Thái Bình, Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện đầu tư tu bổ, nâng cấp, sửa chữa 62 công trình, hạng mục công trình với tổng kinh phí hơn 25 tỷ đồng; giải phóng gần 1,7 triệu m2 bèo, vật cản trên hệ thống kênh, mương nội đồng.

Hiện nay, huyện Thái Thụy có hơn 87km đê thuộc địa bàn của 20 xã, thị trấn, trong đó có 19,7km đê sông, 36,5km đê cửa sông và 31,1km đê biển, 28 kè lát mái với chiều dài gần 41km và 67 cống dưới đê. Theo ông Bùi Huy Tập, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện: Nhờ có sự quan tâm của các bộ, ngành trung ương và tỉnh, hệ thống đê, kè, cống trên địa bàn huyện đến nay đã được đầu tư nâng cấp khá cơ bản, qua đó phục vụ hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai. Tuy nhiên, với đặc thù là huyện ven biển, hàng năm ảnh hưởng trực tiếp từ các cơn bão nên quá trình chống chọi với thiên tai đã khiến một số công trình đê điều trên địa bàn nhanh bị xuống cấp, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, bất lợi khi mưa, bão. 

Để bảo đảm an toàn cho hệ thống đê điều trong mùa mưa bão năm nay, huyện đã tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình đê điều, thủy lợi; chủ động lập phương án xử lý các trọng điểm xung yếu tại những vị trí có các công trình đê, kè, cống quan trọng đang xuống cấp theo phương châm “4 tại chỗ”. Trong phương án xử lý đã giao các xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị bố trí nhân lực, vật tư, phương tiện phục vụ công tác hộ đê tại các trọng điểm xung yếu. Qua công tác kiểm tra của các cụm phòng, chống thiên tai, đến nay các địa phương, cơ quan, đơn vị đã chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư, phương tiện đúng khối lượng, chất lượng và tập kết vào vị trí theo chỉ tiêu được giao.

Thi công xây dựng cống Mai Diêm (thị trấn Diêm Điền).


Trần Tuấn